Chuyên gia lý giải lập trường của Saudi Arabia trong xung đột Nga - Ukraine

Cho đến nay Saudi Arabia vẫn giữ lập trường cân bằng giữa Nga và Ukraine để theo đuổi ba mục tiêu chính.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp Thái tử, Thủ tướng Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman ngày 27/2/2024. Ảnh: president.gov.ua

Cuối tháng 2 vừa qua, Tổng thống Ukraine Zelensky đã gặp Thái tử Saudi Arabia Muhammad Bin Salman tại Riyadh. Mục đích của cuộc gặp là thảo luận về một công thức hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, đồng thời là cơ hội củng cố hợp tác kinh tế và công nghệ giữa Ukraine và Saudi Arabia. Vậy Saudi Arabia đặt mình vào vị trí nào trong cuộc chiến này và điều đó mang lại những cơ hội và thách thức gì với nước này?

Theo chuyên gia Valeria Carmen Caputo thuộc Viện Phân tích Quan hệ Quốc tế (IARI) có trụ sở tại Italy ngày 16/3, cho đến nay Saudi Arabia vẫn giữ lập trường cân bằng giữa Nga và Ukraine để theo đuổi ba mục tiêu chính: có thể nắm bắt những cơ hội đầu tư béo bở chắc chắn sẽ nảy sinh trong quá trình tái thiết Ukraine sau xung đột; duy trì mối quan hệ đối tác với Nga; và cuối cùng, coi mình là trung tâm hấp dẫn địa chính trị trong bối cảnh chia rẽ toàn cầu do căng thẳng giữa Nga và phương Tây.

Việc Saudi Arabia đặt mục tiêu đóng vai trò trung gian hòa giải không phải là điều mới. Vào tháng 8/2023, một  hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine đã được tổ chức tại Jeddah với sự tham gia của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), cùng với các nước khác như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi (các nước BRICS có quan hệ tốt với Nga và Trung Quốc. Chính sự hiện diện của Bắc Kinh tại hội nghị đã thể hiện một chiến thắng ngoại giao cho Saudi Arabia và thậm chí còn hơn thế vì Trung Quốc chưa tham gia diễn đàn nào trước đó liên quan đến chủ đề này. Nga không được mời, nhưng Saudi Arabia cũng thông báo cho Moskva những nội dung đã được ký kết tại hội nghị, thể hiện là trung gian hòa giải giữa các bên.

Hơn nữa, vai trò trung gian hòa giải còn là một chiến thắng chính trị cho Saudi Arabia giữa các cường quốc khu vực trên bàn cờ Trung Đông sau các cuộc tấn công ngày 7/10 năm ngoái của Hamas vào Israel. Sau ngày này, đối thủ cạnh tranh là Qatar đã trở thành trung gian hòa giải và nhà đối thoại nổi bật trong vấn đề trên.

Saudi Arabia duy trì cân bằng giữa các bên cũng vì họ quan tâm rất nhiều đến mối quan hệ của mình với Moskva. Trên các kênh liên lạc liên chính phủ, họ tạo không gian cho Nga để bày tỏ quan điểm của mình liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine. Ví dụ như cuộc phỏng vấn của cựu Đại sứ Nga tại Saudi Arabia là ông Andrey Baklanov trên trang Arab News, trong đó nhà ngoại giao này giải thích lý do của Điện Kremlin liên quan đến cuộc chiến.

Ngoài ra, Saudi Arabia và Nga đang cùng thực hiện các chiến lược liên quan đến thị trường dầu mỏ, quyết định cắt giảm sản lượng để tăng giá. Động thái này tuy mạo hiểm nhưng đã mang lại kết quả tích cực cho cả hai nước khi giá tăng nhiều hơn bù đắp cho lượng bán ra giảm. Nguồn thu cho phép Saudi Arabia theo đuổi việc đa dạng hóa các khoản đầu tư và giúp Moskva tăng ngân sách của mình vốn bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc xung đột ở Ukraine. 

Chú thích ảnh
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tại cuộc gặp ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 6/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn nữa, Saudi Arabia nhận thấy tiềm năng tham gia và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế với Moskva trên nhiều lĩnh vực trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang xấu đi.

Chiến lược của Saudi Arabia chắc chắn sẽ gây phản ứng từ các nước phương Tây. Cùng với đó, việc cắt giảm sản lượng dầu cũng có ảnh hưởng đối với nền kinh tế của các nước phương Tây, bằng chứng là những lo ngại liên quan đến lạm phát ở Mỹ. Một trong những phản ứng của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi giá dầu tăng là khai thác nguồn dự trữ của Mỹ. Rõ ràng gánh nặng đối với người nộp thuế tăng lên khi giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng lên.

Tóm lại, chuyên gia Caputo cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tạo cơ hội cho Saudi Arabia khẳng định mình là trung gian hòa giải trên trường quốc tế và do đó có được vai trò quan trọng trong cân bằng giữa các cường quốc, lấy lại vị thế vốn suy giảm do xung đột Israel - Hamas và cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo iari.site)
Saudi Arabia ghi nhận đóng góp kỷ lục của kinh tế phi dầu mỏ vào GDP
Saudi Arabia ghi nhận đóng góp kỷ lục của kinh tế phi dầu mỏ vào GDP

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 14/3, Bộ Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia báo cáo hoạt động kinh tế phi dầu mỏ đã đóng góp 50% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Trung Đông này trong năm 2023, ghi nhận mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN