Đông Nam Á là khu vực đầu tiên trên thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, do gần gũi về mặt địa lý và có quan hệ giao thương chặt chẽ với Trung Quốc, nơi dịch bùng phát. Ngày 13/1/2020, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc xác nhận trường hợp mắc COVID-19, lúc đó chỉ được biết là virus corona "gây bệnh viêm phổi lạ". Ngày 1/2, Philippines ghi nhận ca đầu tiên tử vong vì COVID-19 bên ngoài Trung Quốc. COVID-19 trở thành thách thức to lớn đối với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong bối cảnh 2020 là năm bản lề quan trọng của quá trình thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Bức tranh tương phản
Tròn 6 tháng kể từ thời điểm COVID-19 xuất hiện ở Đông Nam Á, Philippines ngày 13/7 ghi nhận ngày có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, 162 trường hợp với số ca mắc mới vẫn duy trì trên 2.000 người/ngày. Số ca mắc mới ở Philippines đã tăng gấp 3 lần kể từ ngày 1/6, khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế, hiện là hơn 56.000 người. Diễn biến này buộc Philippines phải tái áp đặt lệnh phong tỏa tại khu vực có khoảng 250.000 người sinh sống ở vùng thủ đô Manila. Trong khi đó, Indonesia, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực với gần 77.000 ca nhiễm, vừa phát hiện một ổ dịch mới liên quan tới một học viện quân sự tại West Java, ghi nhận gần 1.300 người dương tính với virus.
Cùng ngày, Việt Nam trải qua 88 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, hơn 94% trong tổng số có 372 ca mắc COVID-19 đã được chữa khỏi, không có ca tử vong. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là chống dịch thành công, mà trang ASEAN Post đã kêu gọi các nước ASEAN lấy mô hình chống dịch của Việt Nam là “hình mẫu” để học hỏi. Trong khi đó, Thái Lan cũng hơn 1 tháng không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nước láng giềng Lào đã thông báo hơn 90 ngày không có ca nhiễm mới.
“Bức tranh tương phản” trên cho thấy sau đúng 6 tháng phát hiện ca nhiễm đầu tiên, phần lớn các nước ASEAN đã cơ bản kiểm soát dịch và từng bước trở lại trạng thái "bình thường mới", khu vực có tỷ lệ tử vong thấp, song cuộc chiến chống COVID-19 tại khu vực ASEAN vẫn còn cam go bởi một số nước vẫn đang đối mặt với nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Trên thực tế, có thể nói các nước ASEAN đã khá chủ động trong việc phòng chống COVID-19. Ngoài Việt Nam, được tạp chí Mỹ The Nation đánh giá “là quốc gia ứng phó với COVID-19 hiệu quả nhất” với chiến lược kịp thời, quyết liệt, nhiều nước ASEAN đã triển khai sớm nhiều biện pháp giúp kiểm soát được sự lây lan của virus trong giai đoạn đầu.
Ngay đầu tháng 1/2020, Thái Lan để giám sát khách du lịch từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (miền Trung Trung Quốc), thành lập Trung tâm Các chiến dịch khẩn cấp tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Phuket. Malaysia ngày 27/1 đã ban bố lệnh cấm tạm thời đối với các công dân Trung Quốc đến từ Hồ Bắc và các địa phương lân cận. Hãng loạt hàng hàng không của Singapore hay Philippines đã ngừng các chuyến bay với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sang tháng 4, dịch bệnh đã lây lan cấp số nhân ở một số nước khu vực, do nhiều nguyên nhân. Với Singapore, điểm nóng dịch là các khu nhà tập thể của lao động nước ngoài luôn đông đúc. Với Malaysia hay Indonesia, là các sự kiện tôn giáo với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Những yếu tố như năng lực y tế yếu kém, bộ phận dân nghèo và lao động phi chính thức đông, cũng như tâm lý chủ quan, lơ là của người dân... khiến tình hình dịch bệnh ở một số nước diễn biến phức tạp.
Thiệt hại kinh tế cũng hết sức nặng nề, đặc biệt là ngành du lịch, khi mà khách du lịch đóng góp tới 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á (năm 2018), cao thứ hai chỉ sau khu vực Caribe. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD doanh thu khu vực trong năm 2018, hơn 50 tỷ USD so với sản xuất ô tô.
Nguồn thu từ khách du lịch nước ngoài chiếm gần 20% GDP của Thái Lan, 18% GDP của Campuchia, mức trung bình của các thành viên ASEAN khác là 5%. Ước tính 10 thành viên ASEAN phải đối mặt với thâm hụt tổng ngân sách tới 40 tỷ USD, nếu lượng khách du lịch giảm 50% vào năm 2020 so với năm 2018 và có thể lên tới 150 tỷ USD nếu con số khách giảm xuống còn 0. Riêng Thái Lan, năm nay, ước tính ngành du lịch có thể thiệt hại gần 50 tỷ USD, tổng doanh thu từ du lịch có thể giảm 62,8% so với năm ngoái.
Bên cạnh ngành công nghiệp không khói, “sức nóng” của dịch bệnh cũng lan đến nhiều ngành nghề khác, nhất là hàng không dân dụng và những ngành nghề phụ thuộc vào chuỗi dây chuyền cung ứng toàn cầu, vốn bị đứt gãy do dịch. Đơn cử như ngành dệt may - ngành quan trọng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc bị ảnh hưởng dịch bệnh, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và 80% doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5. Tại Campuchia, các doanh nghiệp dệt may và da giày không nhận được đơn hàng nào vào tháng 5 và tháng 6, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị xuất khẩu trong quý 2 năm nay. Các số liệu cho thấy 130 doanh nghiệp dệt may và da giày đã đệ đơn xin tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu thô, khiến gần 160.000 công nhân mất việc làm.
Nói một cách khái quát, đại dịch COVID-19 đang gây sức ép lớn đối với tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN và có thể khiến tăng trưởng của khu vực rơi xuống mức thấp kỷ lục. Do diễn biến dịch bệnh có chiều hướng thuyên giảm, hầu hết các nước khu vực đã bắt đầu nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nhằm sớm vực dậy nền kinh tế. Nhưng các số liệu ước tính cho thấy Đông Nam Á đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế có thể còn tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng năm 1997 hay 2008.
Tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt đáng lo ngại. Tại Thái Lan, dự báo hơn 14,4 triệu người có thể rơi vào cảnh thất nghiệp trong quý II và III/2020. Tại Việt Nam, dịch đã cướp đi 5 triệu việc làm, trong khi các con số thất nghiệp tại Malaysia và Singapore đã đạt đến những mức cao nhất trong vòng 10 năm. Những con số trên vẫn chưa phản ánh hết tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực phi chính thức, vốn tuyển dụng một nửa lực lượng lao động ở nhiều nền kinh tế ASEAN.
Gắn kết và chủ động vượt lên thách thức
Trước thách thức chưa từng có tiền lệ, có thể nói vai trò dẫn dắt, chủ động của nước Chủ tịch luân phiên Việt Nam được thể hiện rõ nét. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, đặc biệt là Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN + 3 về đại dịch COVID-19 ngày 14/4.
Các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy tiến độ triển khai 4 sáng kiến gồm Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN, Quy chuẩn ứng phó với những tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Kế hoạch phục hồi hậu COVID-19. Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của ASEAN và hợp tác với các đối tác đã được kích hoạt ngay từ những ngày đầu có dịch. Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Xét trên quy mô toàn khối, ASEAN đã đưa ra cách ứng phó chung chống COVID-19.
Vai trò đầy trách nhiệm của Việt Nam với ASEAN càng được thể hiện qua Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 cuối tháng 6 vừa qua, với việc thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay, trong đó các nước ASEAN cam kết đẩy lùi thách thức của dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, liên kết ASEAN.
Theo đánh giá của trang rsis.edu.sg, với chủ đề ASEAN năm nay là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực củng cố sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN, thúc đẩy và phát triển năng lực tự lực, tự cường của khối trong việc đối phó với khủng hoảng và thách thức chung, nhất là đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, từng nước ASEAN cũng đã hỗ trợ lẫn nhau theo cách của mình. Singapore thông qua Quỹ Tamesek là nước đầu tiên có thể viện trợ các bộ test-kit cho các nước láng giềng. Việt Nam cũng là nước tiên phong hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các nước ASEAN khác.
Bên cạnh các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19, như gói an sinh trị giá 62 nghìn tỷ đồng của Việt Nam, các nước ASEAN cũng đưa ra nhiều sáng kiến nhằm kích thích các ngành kinh tế chủ chốt và hỗ trợ doanh nghiệp. Như với ngành du lịch, trong khi Thái Lan khởi động chiến dịch có tên gọi “Chúng tôi yêu Thái Lan” (We Love Thailand) để kích cầu du lịch nội địa, thì Việt Nam có chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Singapore dùng công nghệ để tái thiết ngành du lịch hậu COVID-19, Indonesia tổ chức các “tour du lịch ảo” cung cấp các dịch vụ sáng tạo và hấp dẫn để lấp đầy thời gian rảnh rỗi của người dân khi phải ở nhà do giãn cách xã hội quy mô lớn.
Có thể nói, COVID-19 là “phép thử” để ASEAN thể hiện bản lĩnh và sức sống vững bền của một Cộng đồng ngày càng trưởng thành. Chặng đường còn lại của năm 2020 sẽ tiếp tục còn những khó khăn, thách thức mà ASEAN phải vượt qua để có thể kiểm soát thành công dịch bệnh và duy trì tăng trưởng. Tinh thần đoàn kết, quyết tâm mà ASEAN đã thể hiện trong nửa đầu năm sẽ tiếp thêm sức mạnh để các nước thành viên cùng chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN tiến bước trên con đường phát triển.