Cuộc chạy đua phát triển robot dịch vụ thời COVID-19

Các robot dịch vụ cuối cùng đã từ “bóng tối” xuất hiện mạnh mẽ trên khắp thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu sử dụng máy móc nhằm tránh tiếp xúc giữa con người.

Chú thích ảnh
Robotics kiểm tra thân nhiệt người dân và khử trùng tại một bệnh viện ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hồi tháng 2/2020. Ảnh: Nikkei

Theo tờ Nikkei Asian Review, từ lâu lực lượng robot đã đứng sau “hậu trường” tăng cường hiệu quả, năng lực sản xuất trong các nhà máy và nhiều nơi khác. Nhưng lúc này, robot đã trở thành tâm điểm chú ý với vai trò đối tác tin cậy giúp giữ an toàn cho mọi người trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Vận chuyển, khử trùng và các công việc khác đang được robot đảm nhiệm ngày càng nhiều nhằm giúp giảm bớt sự tiếp xúc của con người và hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế đang quá tải ở nhiều quốc gia.

Những cỗ máy này thay thế công nhân và ngày càng thông minh hơn với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo các đánh giá, thị trường robot dịch vụ toàn cầu có tiềm năng khoảng 37 tỷ USD trong vòng vài năm tới.

Hiện tại, nhiều công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nơi khác đang gấp rút thương mại hóa đội robot dịch vụ. Chìa khóa thành công trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện tại là liệu họ có thể ra mắt sản phẩm mới một cách nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường hay không.

Robot giao hàng và khử trùng – xu hướng mới

Một lĩnh vực đang nhanh chóng trở thành xu hướng là giao hàng không tiếp xúc.

Đầu tháng 4 này, Venezia’s, một tiệm bánh pizza ở bang Arizona (Mỹ), giống như các nhà hàng địa phương khác phải vật lộn với các biện pháp phong toả ngăn chặn COVID-19 lây lan, đã nhận được một số trợ giúp mới. Đó là 11 robot giao hàng do công ty Starship Technologies của Mỹ sản xuất. Pizza được đặt trên các pallet có mái che của đội xe không người lái này được chuyển đến các hộ gia đình trong khu phố. Với sự xuất hiện của các robot, hoạt động giao hàng của Venezia’s đã được nâng cấp thành "không tiếp xúc”, và dịch vụ giao hàng kiểu này đang được khách hàng ưa chuộng giữa thời đại dịch.

Starship Technologies cho biết, nhu cầu giao hàng không tiếp xúc đã tăng mạnh trong vài tuần qua. Robot của công ty được sử dụng ở thủ đô Washington D.C, (Mỹ) để chuyển thực phẩm từ các cửa hàng tới người tiêu dùng, còn ở phía Nam tiểu bang California, robot đã giao trà sữa từ cuối tháng 3.

Ở Mỹ và nhiều nơi khác, dịch vụ xe tự lái giao hàng “trong vòng 1 dặm” đến nhà người tiêu dùng vốn được triển khai nghiêm túc nay càng được thúc đẩy trong nỗ lực ngăn ngừa virus lây lan.

Xem video robot giao hàng tại thủ đô Washington, Mỹ trong thời kỳ phong toả vì dịch COVID-19:

Các động thái thay thế sức lao động của con người bằng robot đang lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ không tiếp xúc. Một ví dụ quan trọng là công việc khử trùng được thực hiện bởi các robot an ninh nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng thông qua tiếp xúc hoặc các giọt bắn.

Mira Robotics, nhà phát triển robot có trụ sở tại thành phố Kawasaki (Nhật Bản), tung thiết bị dịch vụ "Ugo" với cánh tay robot và có thể được vận hành từ xa. Kể từ tháng 3 năm nay công ty đã nhận được nhiều yêu cầu về robot khử trùng liên quan đến dịch COVID-10 từ các khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước. CEO của Mira Robotíc, Ken Matsui cho biết công ty đã bắt đầu chương trình sản xuất hàng loạt robot Ugo bắt đầu từ ngày 1/4.

ZMP, một nhà phát triển robot Nhật Bản khác có trụ sở tại Bunkyo Ward, Tokyo, cũng đã bổ sung chức năng phun thuốc khử trùng cho robot an ninh PATORO tự lái của mình. Dựa trên thông tin vị trí thu được từ camera và cảm biến, PATORO có thể phun thuốc khử trùng lên lan can và những nơi khác khi đi kiểm tra trong nhà.

Chú thích ảnh
Công ty khởi nghiệp Trung Quốc Pony.ai sẽ sớm triển khai dịch vụ giao đồ ăn bằng xe tự lái ở California, hợp tác với các công ty mua sắm trực tuyến địa phương. Ảnh: Pony.ai

Robot dịch vụ sẽ bùng nổ

Dường như Trung Quốc mới là quốc gia đang dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt để cung cấp robot dịch vụ khi mà hoạt động phát triển robot đã đạt những bước tiến lớn ở nước này từ trước dịch COVID-19.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các động thái vận hành robot dịch vụ để hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế đã lan rộng nhanh chóng trên cả nước. Chẳng hạn, tại Vũ Hán, nơi dịch bệnh bắt đầu, robot tự lái được sử dụng thường xuyên hơn tại các bệnh viện để cung cấp bữa ăn cho các khu cách ly và khử trùng những khu vực này.

Một bệnh viện ở Thâm Quyến đã hoàn toàn chuyển sang robot AI để kiểm tra thân nhiệt và làm dịch vụ tiếp đón. Các robot được phát triển bởi công ty UBTECH Robotics có trụ sở tại Thâm Quyến. Chúng sử dụng máy ảnh và cảm biến để nhận diện khuôn mặt của bệnh nhân tại bàn tiếp tân và ngay lập tức đo thân nhiệt trên da của họ. Người phát ngôn của công ty cho biết: "Robot có thể lấy thân nhiệt 200 người mỗi ngày thông qua công nghệ nhận dạng hình ảnh. Chúng giảm bớt gánh nặng cho nhân viên y tế trong bối cảnh thiếu lao động nghiêm trọng."

Chú thích ảnh
"Robot y tá" chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Varese, Italy ngày 1/4/2020. Ảnh: Reuters 

Việc sử dụng máy bay không người lái để cung cấp vật tư y tế cũng đã bắt đầu. Antwork, có trụ sở tại Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), đã vận chuyển các bộ dụng cụ xét nghiệm bằng máy bay không người lái giữa các bệnh viện ở thành phố Thiệu Hưng vào tháng Hai. Theo công ty, việc sử dụng máy bay không người lái phù hợp cho việc cung cấp các gói hàng nhẹ và khẩn cấp cũng như giảm đáng kể thời gian giao hàng so với vận chuyển bằng phương tiện thông thường.

Theo truyền thống, robot đã được vận hành chủ yếu bởi con người trong các không gian kín như nhà máy. Trong những năm gần đây, robot sử dụng AI bắt đầu xuất hiện, bao gồm robot dịch vụ để bổ sung cho nhân công ở những nơi như bệnh viện, nhà ga, văn phòng và nhà hàng. Nhờ đóng vai trò hữu ích trong cuộc khủng hoảng COVID-19, robot AI nhiều khả năng sẽ trở nên quen thuộc hơn trong xã hội và sẽ được sử dụng rộng rãi hơn.

Fuji Keizai, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Tokyo, dự báo từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát rằng, thị trường toàn cầu về robot dịch vụ sẽ mở rộng khoảng 2,6 lần trong giai đoạn 2018 đến 2025, đạt khoảng 420 tỉ USD. Thị trường sẽ được dẫn dắt bởi các robot hậu cần và vận chuyển. 

Chú thích ảnh
Biểu đồ dự báo tăng trưởng của thị trường robot dịch vụ, của Fuji Keiza đưa ra từ trước khi bùng phát dịch COVID-19. Ảnh: Nikkei

Thách thức từ chi phí

Một thách thức lớn đối với việc sử dụng robot AI dịch vụ là chi phí cao. Nhà phát triển bất động sản Mori Trust đang xem xét sử dụng những robot như vậy để bù đắp cho tình trạng thiếu lao động của Nhật Bản, nhưng robot sử dụng công nghệ tự lái có giá hơn 1 triệu yên mỗi chiếc, theo các nguồn thạo tin. Tính chất không chắc chắn về lợi tức đầu tư của robot cũng là một rào cản đối với sự mở rộng của lĩnh vực này.

Tuy nhiên đang có những cơ hội tốt để các công ty đưa robot dịch vụ của họ ra thị trường một cách nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cho đến nay, ngành công nghiệp robot ở Trung Quốc dường như có lợi thế hơn, với việc robot được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp, trong khi các công ty ở Nhật Bản và Mỹ cũng có mặt tích cực trong cuộc đua này.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Robot tâm tình giúp phi hành gia bớt cô đơn trên vũ trụ
Robot tâm tình giúp phi hành gia bớt cô đơn trên vũ trụ

Robot CIMON-2 tích hợp trí tuệ nhân tạo, có khả năng thể hiện cảm xúc và giúp phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế đỡ cảm giác cô đơn khi bị cô lập trên vũ trụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN