Cuộc chạy đua tàu ngầm ở eo biển Malacca

Trang mạng “The Diplomat” mới đây đã đăng tải bài bình luận về một cuộc chạy đua tàu ngầm tại eo biển Malacca của Đông Nam Á. Theo đó, cùng với eo biển Hormuz ở vịnh Persique, eo Malacca là điểm giao thương hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Kết nối Ấn Độ Dương với Biển Đông và Thái Bình Dương, eo biển Malacca là tuyến hàng hải ngắn nhất gắn kết các nhà khai thác nhiên liệu ở vịnh Persique với các nhà tiêu thụ lớn nhất ở những nước như Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

 

Tàu ngầm lớp Challenger của Singapore.

 

Eo biển Malacca nằm giữa ba nước Singapore, Malaysia và Indonesia, với chỗ hẹp nhất chỉ cách nhau 2,7 km. Hiện hải quân Mỹ thường xuyên hoạt động tại đây trong khi hải quân Trung Quốc cũng đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa lực lượng hải quân Singapore, Malaysia và Indonesia bị đánh giá thấp.


Với vị trí chiến lược của eo biển Malacca, cả ba nước đều muốn có hạm đội tàu ngầm mạnh. Hải quân Singapore hiện sở hữu một trong những hạm đội tàu ngầm tốt nhất trong khu vực, khi vừa phiên chế tàu ngầm thứ sáu hồi tháng 5 vừa qua. Toàn bộ 6 tàu này đều được mua từ Thụy Điển. Bốn tàu ngầm biến thể lớp Challenger của Singapore được mua trong thập niên 1990. Tàu lớp Challenger có lượng rẽ nước 1.200 tấn khi nổi và có thể di chuyển khoảng 20 hải lý/h. Mỗi tàu có 6 ống phóng ngư lôi có thể mang 10 ngư lôi Type 613 và 4 ngư lôi Type 431 của Thụy Điển. Năm 2005, Singapore một lần nữa mua 2 tàu ngầm lớp Archer. Đó là phiên bản nâng cấp của tàu chạy diesel - điện lớp Västergötland mà Thụy Điển vận hành lâu nay. Đáng chú ý tàu ngầm lớp Archer có hệ thống động lực không cần không khí (AIP) giúp chúng có thể hoạt động yên lặng và ở dưới nước trong nhiều tuần. Nó cũng được trang bị 9 ống phóng ngư lôi và mang được 12 ngư lôi hạng nặng Black Shark, 6 ngư lôi hạng nhẹ Type 431/451 và mìn.


Năm 2002, hải quân Hoàng gia Malaysia đã khẳng định quyết tâm rằng họ cần một hạm đội tàu ngầm cỡ nhỏ để tuần tra vùng biển của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Najib Razak khi đó giải thích: “Chúng ta có một vùng biển lớn để kiểm soát. Chúng ta cần tàu ngầm bởi tính đa tác dụng của nó. Nó có thể xuất hiện ở bất kì đâu. Nó có thể tàng hình và rất khó bị phát hiện. Điều đó khiến khả năng răn đe của chúng ta trở nên lớn hơn”. Để đáp ứng nhu cầu này, Malaysia đã mua của Pháp 2 tàu ngầm lớp Scorpene (giống loại Ấn Độ đang mua của Pháp) và một tàu ngầm được cải tạo lại cho mục đích huấn luyện. Tổng giá trị thương vụ này khi đó là 1,035 tỷ euro. Cả hai tàu này đều đã được phiên chế năm 2009. Phiên bản tàu của Malaysia không có hệ thống AIP song chúng có khả năng phóng tên lửa chống hạm EXOCET SM39 với tầm bắn 50 km khi đang lặn.
Quyết định mua tàu lớp Scorpene của Malaysia khiến Inđônêxia phải đánh giá lại lực lượng tàu ngầm của mình. Là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, Indonesia có vùng duyên hải trải dài tới 108.000 km và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) khoảng 5,8 triệu km2. Indonesia có tới ít nhất 3 tuyến giao thương hàng hải lớn là Malacca, Sunda và Lombok. Vì thế, không mấy ngạc nhiên khi Hải quân Indonesia TNI-AL coi trọng hạm đội tàu ngầm. Từ đầu thập niên 1980, TNI-AL đã vận hành 2 tàu ngầm KRI Cakra và KRI Nenggala, vốn là các tàu U-209/1300 của Đức. Cả hai tàu này đều được một công ty Hàn Quốc sửa chữa lại trong thập niên vừa qua.
Quan trọng hơn, Indonesia đã phát đi tín hiệu rằng họ có kế hoạch đầy tham vọng để mở rộng lực lượng tàu ngầm của mình. Hải quân Indonesia nhiều lần khẳng định Jakarta muốn có từ 14 đến 18 tàu ngầm. Kế hoạch Chiến lược Quốc phòng năm 2024 của Inđônêxia kêu gọi TNI-AL phiên chế ít nhất 10 tàu ngầm vào thời điểm đó, dù nhiều người cho rằng khó khăn tài chính sẽ khiến mục tiêu này khó đạt được. Tháng 11/2011, Indonesia quyết định mua 3 tàu ngầm mới từ công ty đóng tàu và kĩ thuật hàng hải Daewoo của Hàn Quốc - công ty đã hoán cải biên đội tàu ngầm hiện nay của TNI-AL. Những tàu ngầm mới được cho thuộc loại chạy diesel - điện Type - 209/1400, và được giới chức Indonesia miêu tả là giống như tàu lớp Scorpene của Malaysia. Hợp đồng này trị giá 1,1 tỷ USD và tàu sẽ được chuyển giao trong giai đoạn 2015 - 2018.


Việt Hải (P/v TTXVN tại Xinhgapo)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN