Cuộc chiến Syria đã tràn sang Lebanon?

Ngày 26/5, chỉ một ngày sau khi thủ lĩnh phong trào Hồi giáo có vũ trang Hezbollah cam kết sẽ đưa Tổng thống Syria Bashar al-Assad đi tới chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Syria, hai quả tên lửa đã được bắn vào thành trì của nhóm này ở phía Nam thủ đô Beirut của Lebanon (Libăng).

Vụ tấn công này cho thấy một sự phản ứng mạnh mẽ đối với nhóm Hezbollah vì đã gắn bó với sự tồn vong của chế độ Tổng thống Assad. Màn dạo đầu này cũng đe dọa sẽ lôi nước láng giềng Lebanon can dự sâu hơn trong cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Syria.

Lực lượng an ninh Lebanon điều tra hiện trường vụ tấn công tại khu vực Shiah, ngoại ô phía nam thủ đô Beyrut ngày 26/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Bất chấp những nguy cơ đó, thủ lĩnh nhóm Hezbollah Hassan Nasrallah tỏ rõ rằng sẽ không quay đầu trở lại. Trong phát biểu ngày 25/5 trên truyền hình, ông này nói rằng Hezbollah sẽ tiếp tục chiến đấu bên lực lượng của ông Assad cho tới khi chiến thắng, không cần quan tâm tới cái giá phải trả. Với Hezbollah, đây có thể là một trận chiến sống còn. Nếu ông Assad bị lật đổ, tuyến đường cung cấp vũ khí cho Hezbollah từ Iran qua lãnh thổ Syria sẽ bị cắt đứt và nhóm này có thể ngày càng bị cô lập tại khu vực.

Nhóm Hồi giáo dòng Shi'ite này đang làm gia tăng cuộc đua tranh phe phái ở Lebanon khi tuyên chiến với quân nổi dậy ở Syria, phần lớn trong số đó là người Hồi giáo dòng Sunni. Trong cuộc chiến với phe nổi dậy, ông Assad phải dựa vào sự hậu thuẫn của người Hồi giáo thiểu số dòng Shi'ite, người Thiên chúa giáo, và người Alawite.

Các quan điểm về chiến lược mới của Hezbollah dường như đang chia theo các dòng tôn giáo. Ông Mahmoud Masoud, người Hồi giáo Sunni, nói rằng ông sợ Lebanon sẽ trở nên bất ổn. Phát biểu về nhóm Hezbollah, ông nói: "Tôi không muốn thấy mọi thứ tôi đã phục vụ vì chúng và đất nước tôi bị tan rã bởi lợi ích của một nhóm nào đó". Tamam Alameh, người Shi'ite, lại đứng về phía Hezbollah: "Syria đã giúp đỡ Lebanon rất nhiều. Chúng ta cần phải giúp đỡ họ và đưa họ thoát ra khỏi cuộc xung đột ở nước mình".

Vụ tấn công bằng tên lửa sáng 26/5 vào Beirut là một kiểu tấn công bất thường. Trong các vụ xung đột phe phái thỉnh thoảng diễn ra kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 15 năm ở Lebanon năm 1990, các nhóm thù địch thường đa phần đánh nhau trên đường phố. Trong hai quả tên lửa được bắn, một quả bắn trúng một đại lý ô tô ở quận Mar Mikhael, làm 4 công nhân Syria bị thương, phá hỏng hai ô tô và làm vỡ các ô tô khác. Quả thứ hai bắn xuyên qua một căn hộ tầng hai ở quận Chiyah, cách đó khoảng 2 km, làm hỏng căn hộ, song không ai bị thương tích.

Theo các quan chức an ninh, hệ thống phóng tên lửa sau đó được tìm ra ở trong rừng thuộc khu vực phía đông nam Beirut, nơi người Thiên chúa giáo và Hồi giáo Druse chiếm đa số. Chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ bắn tên lửa, song vụ này được cho là sự trả đũa trước phát biểu đầy thách thức của Nasrallah và sự tham gia của nhóm Hezbollah vào một cuộc tấn công hồi tuần trước của chính quyền vào thị trấn Qusayr của Syria do quân nổi dậy nắm giữ ở gần Lebanon. Chính quyền Syria đã đẩy lùi được quân nổi dậy nhưng chưa đánh bật được họ ra khỏi Qusayr.

Trong một đoạn băng video được đưa lên mạng vài ngày trước, một chỉ huy quân nổi dậy đã đe dọa sẽ tấn công vào các mục tiêu Hezbollah ở phía nam Beyrut để trả đũa cho sự tham dự của nhóm này trong trận chiến ở Qusayr. Một số người cho rằng vụ bắn tên lửa chỉ là một tín hiệu cho thấy Lebanon đang trở thành một trận địa. Nadim Koteich, người dẫn chương trình trên TV và luôn chỉ trích Hezbollah, nói: "Nasrallha tuyên bố ông ta là một thành phần trong cuộc nội chiến ở Syria. Ông ta không cho người Lebanon biết tại sao ông ta cho rằng cuộc nội chiến này sẽ không lan sang Lebanon".

Hezbollah vẫn là phong trào mạnh nhất ở Lebanon, được một nhóm quân sự hậu thuẫn với hàng chục nghìn tên lửa của Iran. Mặc dù có nguy cơ bị suy yếu do tham gia hoạt động tại Syria song Hezbollah vẫn được sự ủng hộ của người Shi'ite Lebanon, những người được hưởng hệ thống bảo trợ xã hội rộng rãi của nhóm này.

Kheikh Nabil Kaouk, Chỉ huy phong trào Hezbollah ở Nam Lebanon hôm 26/5 đã phát đi một tín hiệu cứng rắn khi phát biểu tại buổi họp của lực lượng này: "Nếu những quả rocket nhằm đe dọa và gây áp lực lên chúng tôi, buộc chúng tôi phải thay đổi quan điểm ở Syria thì chúng đã vô tác dụng".

Trong khi đó, giới lãnh đạo Sunni được cho là sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với Nasrallah. Theo hãng tin chính thức của Bahrain, Ngoại trưởng Sheik Khalid bin Ahmed Al Khalifa mô tả lãnh đạo Hezbollah là một "tên khủng bố" và cho rằng việc loại bỏ "tên này" là một "nhiệm vụ quốc gia và cần sự cẩn trọng". Tại Cairo, Tổng thư ký Liên đoàn Arập Nabil Elaraby mặc dù chỉ trích các vụ bắn rocket ngày 26/5 cũng kêu gọi Hezbollah dừng ngay các hoạt động tại Syria.

Không rõ có bao nhiêu tay súng đã được Hezbollah đã cử tới Syria nhưng những tay súng được huấn luyện chu đáo này vô cùng cần thiết đối với quân đội của Assad vì quân đội Syria bị thiếu hụt do một số binh lính đào ngũ ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu và do chỉ những người trung thành về chính trị mới được cử ra chiến trường.

Nhà phân tích Peter Harling thuộc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế băn khoăn hiện không rõ chiến lược mới của Hezbollah sẽ như thế nào. Ông nói: "Họ (Hezbollah) thấy rằng có thể phải xem xét lại 'luật chơi" trong khu vực, họ đang tập trung lực lượng để giành chiến thắng. Tuy nhiên, điều đáng nghi ngờ là liệu với chỉ lực lượng của mình họ có thể giành chiến thắng được không khi mà thể chế sụp đổ". Trong khi đó, ngày 26/5 Chính phủ của ông Assad khẳng định Syria đã đồng ý về nguyên tắc sẽ tham gia đàm phán kết thúc xung đột với các đại diện của phe đối lập do Liên hợp quốc tổ chức ở Geneva vào tháng tới.

Trong chuyến thăm Iraq, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem cho rằng các cuộc đàm phán như vậy là "cơ hội tốt trong việc tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria". Ông không nói rõ các điều kiện mà ông Assad đưa ra khi gửi đại diện tham gia đàm phán. Lãnh đạo phe đối lập Syria cho biết họ sẵn sàng tham gia đàm phán ở Geneva nhưng việc ông Assad phải từ bỏ quyền lực phải là vấn đề đầu tiên của chương trình nghị sự. Trong khi đó, ông Assad cho biết tương lai của ông không thể do các cuộc đàm phán quốc tế quyết định và ông chỉ từ nhiệm sau khi các cuộc bầu cử được tổ chức.


TTXVN/Tin tức
Phe đối lập Syria đồng ý dự hội nghị Geneva
Phe đối lập Syria đồng ý dự hội nghị Geneva

Lực lượng đối lập Syria đã đồng ý trên nguyên tắc tham gia hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Geneva vào tháng 6 tới theo đề xuất của Nga và Mỹ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN