Ông Barak giữ chức thủ tướng Israel từ tháng 7/1999 đến tháng 3/2001. Trước khi tham gia chính trường, ông và thủ tướng đương nhiệm Netanyahu từng cùng phục vụ trong một đơn vị lực lượng đặc biệt tinh nhuệ có tên Sayeret Matkal. Ông cũng nắm giữ một số vị trí chính trị và quân sự cấp cao khác trong nhiều thập kỷ và nổi lên như một trong những nhà phê bình có ảnh hưởng nhất đối với Thủ tướng Netanyahu.
Hiện tại, Ehud Barak coi chiến tranh là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước ông đang phải đối mặt. Ông chỉ ra bốn "rào cản" đặc biệt đè nặng lên chiến dịch "Những Thanh kiếm sắt" của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) được phát động vào ngày 8/10, một ngày sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas.
Trước chiến dịch trên bộ vào Gaza, ông Barak đã trình bày chi tiết những cân nhắc cần phải tính đến liên quan đến vấn đề con tin, leo thang xung đột, quản lý ở Gaza và sự ủng hộ của dư luận để tạo ra một kết quả chiến thắng.
Vấn đề con tin
Trở ngại đầu tiên được cựu Thủ tướng Barak xác định là ước tính trên 220 con tin đang bị Hamas và các phe nhóm Palestine khác bắt giữ trong giai đoạn mở đầu của cuộc chiến.
Ông nói với Newsweek: “Vì nhiều lý do, vụ bắt giữ con tin này phức tạp hơn so với các cuộc đụng độ trước đây. Thực tế là có lẽ hơn một phần tư trong số họ không chỉ có hộ chiếu Israel, mà còn có hộ chiếu nước ngoài, họ là công dân của Mỹ, Anh hoặc châu Âu...”.
Theo ông, bất kỳ nỗ lực quân sự nào nhằm giải cứu con tin đều “cần rất nhiều thông tin tình báo để đảm bảo chính xác, trong một tình huống được kiểm soát chặt chẽ, và có rất nhiều bài học được rút ra trong nhiều thập kỷ liên quan đến các tổ chức khủng bố, cách chúng tổ chức, lan rộng”.
Cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Al-Qassam, đã từng đe dọa giết những người bị giam giữ để đáp trả các cuộc không kích của Israel vào các địa điểm dân sự ở Dải Gaza. Tuy nhiên, lực lượng này gần đây cho biết số tù nhân mà họ đang giam giữ, ước tính khoảng từ 200 đến 250, đang được đối xử tốt và họ đã chuẩn bị thả những con tin không phải người Israel theo những điều kiện thích hợp. Nhóm cũng cho biết 22 người bị giam giữ đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel.
Cho đến nay, ít nhất hai con tin Israel và hai con tin Mỹ đã được thả trong các thỏa thuận riêng biệt do Qatar và Ai Cập làm trung gian.
Các thành viên lãnh đạo chính trị của Hamas, chẳng hạn như Khaled Meshal, đã đề nghị nhóm này sẽ trả tự do cho các tù nhân để đổi lấy việc thả tất cả người Palestine khỏi các nhà tù của Israel, với số lượng khoảng 6.000 người.
Một cuộc chiến mở rộng
Tuy nhiên, khi xung đột ngày càng sâu sắc, Hamas đã kêu gọi người Arab và người Hồi giáo tích cực ủng hộ nỗ lực chiến tranh của người Palestine chống lại Israel. Hiện tại, phong trào Hezbollah của Liban đã tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới và các phe khác của "Trục kháng chiến" liên kết với Iran đều bày tỏ sự ủng hộ, thậm chí một tổ chức tự xưng là Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq tuyên bố sẽ tấn công hàng ngày vào quân đội Mỹ ở Iraq và Syria. Bản thân Tehran cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Hamas và các nhóm Palestine khác.
"Hạn chế thứ hai là lo ngại rằng nó có thể lan rộng hoặc di chuyển đến mặt trận phía bắc, nơi chúng tôi thấy mình không chỉ phải đối mặt với Hamas ở Gaza mà còn với Hezbollah, có thể là với một số nhánh của Hamas, của nhóm Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad), hoặc những nơi khác ở Bờ Tây”, ông Barak nhận định và nói thêm rằng nguy cơ còn đến từ “một số dân quân Shiite được người Iran hậu thuẫn đang được triển khai gần Cao nguyên Golan, bên phía Syria.”
Biên giới tranh chấp, thù địch của Israel với Liban và Syria là nơi xảy ra các trận chiến lớn trong nhiều thập kỷ qua, mới nhất là cuộc chiến năm 2006 của Israel với Hezbollah ở Lebanon. Khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011, Hezbollah và các lực lượng dân quân "Trục kháng chiến" khác đã huy động để hỗ trợ chính phủ Syria với sự hậu thuẫn từ Iran. Cho đến nay, những bên này chỉ tham gia vào các hoạt động hạn chế, nhưng nguy cơ leo thang vẫn còn, đặc biệt là khi IDF tấn công trên bộ vào Dải Gaza để tiêu diệt Hamas.
Ông Barak nói: “Chúng tôi không muốn xung đột lan ra phía bắc. Tôi sẽ không có ý cho rằng Hezbollah hoặc Liban tham gia, nhưng việc đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.
"Tôi nghĩ rằng có một tác động răn đe nhất định thông qua sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở đây, cũng như chuyến thăm của tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và các quan chức cấp cao khác của Mỹ. Nó có tác động đến Hezbollah, chính phủ Liban, thậm chí có thể cả Iran. Nhưng đó không phải là sự đảm bảo rằng điều đó sẽ không xảy ra”, ông Barak cảnh báo. "Ngay cả khi cả hai bên đều không muốn, nó vẫn có thể xảy ra do xích mích và đụng độ hàng ngày. Nó có thể dễ dàng trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện."
Ai sẽ thay thế Hamas
Chiến thắng của Israel sẽ như thế nào vẫn là một điểm chưa chắc chắn. Ngay cả khi IDF thành công trong nỗ lực khiến Hamas không thể hoạt động như một thực thể quân sự và vô hiệu hóa các phe phái thù địch khác của người Palestine như nhóm Thánh chiến Hồi giáo, thì không có sự thay thế dễ dàng nào để cai trị khoảng 2,2 triệu người sống ở Dải Gaza.
Vì vậy, thách thức thứ ba được ông Barak xác định “là cần phải suy nghĩ trước xem chúng ta sẽ chuyền ngọn đuốc cho ai”.
Nếu IDF thành công trong việc "làm sạch toàn bộ Dải Gaza khỏi bất kỳ tài sản vật chất nào của Hamas và hy vọng tiêu diệt lực lượng chiến đấu của lực lượng này, thì chúng tôi phải chuyển nó cho ai đó", ông Barak nói và nhấn mạnh Israel "không có kế hoạch quay trở lại toàn bộ Gaza trong 10, 20 năm tới."
Một ứng cử viên tiềm năng là sự trở lại của Chính quyền Palestine (PA), có trụ sở tại Bờ Tây và do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo. Tuy nhiên, PA đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lịch sử về tính hợp pháp, và Hamas ngày càng lấn át Abbas và đảng Fatah thế tục của ông về uy tín và sự ủng hộ.
Một năm sau khi IDF rút khỏi Dải Gaza vào năm 2005 sau gần 4 thập kỷ chiếm đóng sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, PA đã tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp mang lại chiến thắng cho Hamas. Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai bên Palestine nhanh chóng chuyển thành các cuộc đụng độ, dẫn đến việc Hamas tiếp quản Gaza, và cai trị kể từ đó mà PA không có bất kỳ nỗ lực nào sau đó để tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Ông Barak nói: “Tôi hy vọng nó (việc PA tiếp quản Gaza) sẽ thành công, nhưng chắc chắn một số ý tưởng về việc chúng tôi có thể trao ngọn đuốc cho ai cần được làm rõ hơn trước khi tiến sâu vào Gaza. Cứ can dự rồi mới suy nghĩ - đó không phải là công thức tốt để đạt được thành công về mặt chiến lược."
Cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế
Thách thức cuối cùng được ông Barak đề cập là “cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế” của Israel trong một cuộc xung đột leo thang mà cả hai bên đều cáo buộc nhau phạm tội ác chiến tranh.
Ông Barak nói: “Có luật chiến tranh và đó là một hạn chế. Cho dù nỗ lực của chúng ta có hiệu quả và chân thành đến đâu đi nữa về tuân thủ luật pháp, cảnh báo mọi người và đảm bảo rằng họ có cơ hội thực sự để rời khỏi các khu vực của Gaza là mục tiêu tấn công, thì cũng sẽ có và đã có một số lượng đáng kể dân thường không liên quan thiệt mạng."
Ông Barak cảnh báo rằng phản ứng dữ dội về thương vong dân sự “có thể nhanh chóng làm xói mòn tính hợp pháp trong quan điểm của chúng ta”, đe dọa “sự ủng hộ chung mà chúng ta có ngay bây giờ”.
IDF đã tìm cách đi trước, thường xuyên tương tác trực tiếp với các nhà báo, đặc biệt là về các vụ việc như vụ tấn công gây tranh cãi vào tuần trước tại Bệnh viện Baptist Ả Rập Al-Ahli. Nhưng Hamas cũng đã phát triển một chiến dịch công chúng phức tạp, tiến hành tiếp cận các phóng viên quốc tế và phát đi các thông điệp trên mạng xã hội. Khi xung đột ngoài đời thực tiếp tục nổ ra, cả hai bên đang tiến hành một cuộc chiến thông tin với toàn bộ năng lực.