Tiến sĩ Adam McConnel tại Đại học Sabanci ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây cho rằng chuyến công du thứ 5 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới các nước ở Đông Địa Trung Hải dường như đã diễn ra tương tự như các chuyến đi trước trong bốn tháng qua.
Mặc dù chuyến thăm này trùng hợp với thông tin đầy hy vọng rằng Hamas đã phản ứng tích cực với các đề xuất ngừng bắn hiện tại và đưa ra các điều kiện riêng, nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần như ngay lập tức dập tắt những hy vọng mới chớm nở, tiếp tục thái độ không khoan nhượng đối với ý tưởng đàm phán chấm dứt cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Do đó, theo Tiến sĩ McConnel, Ngoại trưởng Blinken không đạt được những thỏa hiệp có ý nghĩa đối với giới lãnh đạo Israel trong năm bầu cử ở Mỹ cho thấy vấn đề trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.
Nhiệm vụ “bất khả thi” của Ngoại trưởng Blinken
Tiến sĩ McConnel lưu ý rằng vấn đề cốt yếu của Ngoại trưởng Blinken là ông đã được giao một nhiệm vụ chính trị “bất khả thi”. Chính quyền Mỹ bị ảnh hưởng bởi một số xu hướng khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc gây áp lực đối với Chính phủ Israel theo cách cần thiết, tức là bằng cách cảnh báo cắt viện trợ quân sự và/hoặc kinh tế, hoặc thậm chí thực hiện các bước để làm như vậy.
Đầu tiên là tâm lý và bầu không khí chính trị ủng hộ Israel nói chung ở Mỹ, được hầu hết cử tri đảng Dân chủ cũng như cử tri đảng Cộng hòa thừa nhận mạnh mẽ. Sự ủng hộ lâu dài và kiên quyết của Tổng thống Biden dành cho Israel phản ánh thực tế đó. Việc cắt viện trợ cho Israel dường như là một bước đi mà Nhà Trắng từ chối tính đến.
Thứ hai là Mỹ đang trong năm bầu cử nên Tổng thống Biden không thể đưa ra bất kỳ quyết định chính trị gây tranh cãi nào. Hầu hết người Mỹ sẽ bị sốc hoặc thậm chí tức giận trước động thái cắt viện trợ cho Israel, điều này có thể đồng nghĩa với việc mất một số lượng lớn phiếu bầu. Cựu Tổng thống Donald Trump, người có nhiều khả năng trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa càng ngày càng tuyên bố lập trường thậm chí còn ủng hộ Israel quyết liệt hơn.
Yếu tố quan trọng cuối cùng là tình hình trong Quốc hội Mỹ, vốn kiên quyết ủng hộ Israel, đặc biệt là những người sắp tái tranh cử vào mùa thu này. Một ví dụ rõ ràng là trong khi Tổng thống Biden đang đe dọa phủ quyết bất kỳ dự luật viện trợ nào cho Israel chứ không phải cho Ukraine, thì Hạ viện do đảng Cộng hòa lại ủng hộ viện trợ cho Israel chứ không phải cho Ukraine.
Áp lực thực sự có là một lựa chọn?
Theo Tiến sĩ McConnel, Thủ tướng Israel Netanyahu nhận thấy rõ các yếu tố được liệt kê ở trên và đó là lý do tại sao ông phớt lờ những nỗ lực gây áp lực của Ngoại trưởng Blinken. Ngay cả khi ông Blinken tỏ ra cứng rắn trong các cuộc họp kín, hoặc Tổng thống Biden gây áp lực qua các cuộc điện đàm, ông Netanyahu biết rằng Nhà Trắng đang không có nhiều không gian để hành động. Thủ tướng Netanyahu không cảm thấy bất kỳ áp lực nào để hành động mềm mỏng hơn ở Gaza.
Như vậy, nếu không có ý chí chính trị cắt viện trợ cho Israel, Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken không thể làm gì nhiều để gây áp lực với Thủ tướng Netanyahu. Mặc dù đã có sự đồng thuận quốc tế về một nhà nước Palestine và ngay cả Tổng thống Biden cũng công khai ủng hộ mục tiêu đó, nhưng ông Netanyahu vẫn phản đối.
Tóm lại, Tiến sĩ McConnel kết luận, nếu các cuộc đàm phán ngừng bắn hiện tại có kết quả thì đó chỉ là do Hamas đã chiến đấu hiệu quả với Israel. Cuối cùng, rất có thể chính Hamas sẽ buộc Israel phải đồng ý ngừng bắn chứ không phải do chính quyền Mỹ cứng rắn với Thủ tướng Netanyahu.