Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và phu nhân Akie tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo ngày 1/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khuôn khổ chuyến công du một số quốc gia hàng đầu châu Âu từ 1-7/5, ngày 6/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ghé thăm không chính thức Nga và hội đàm tại Sochi với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Các nguồn tin chính thống từ Moskva và Tokyo trước đó cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về quan hệ song phương, thúc đẩy tiến tới ký Hiệp ước hòa bình giữa hai nước, một văn bản vốn đã bị trì hoãn ký kết kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, liên quan tới những tranh chấp lãnh thổ lãnh hải.
Hãng tin TASS của Nga đưa tin Tổng thống Putin cho biết ông hy vọng rằng cuộc gặp tại Sochi sẽ đóng góp vào sự phát triển của quan hệ đối thoại giữa hai nước vì lợi ích của mỗi bên. Ông đồng thời cũng khẳng định: phát triển quan hệ đối thoại với Nhật Bản là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Esihide Suga cho biết Thủ tướng Abe mong muốn có thể thảo luận thẳng thắn với Tổng thống Putin về toàn bộ sự phức tạp của mối quan hệ song phương, bao gồm cả việc ký Hiệp ước hòa bình.
Chuyến thăm này đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và không ít nhà quan sát đã đặt ra câu hỏi: Lý do thực sự cho chuyến thăm Nga lần này của ông Abe là gì, khi mà ông bất chấp cả lời đề nghị của người đồng minh Mỹ. Được biết, hồi tháng 2 vừa qua, trong một cuộc điện đàm với ông Abe, dường như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị nhà lãnh đạo Nhật Bản nên trì hoãn các chuyến đi tới Nga, chí ít là đến sau Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến do Tokyo đăng cai vào cuối tháng 5 này. Đáp lại, theo hãng tin Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản không chấp nhận đề nghị này và đã lưu ý với ông Obama về những vấn đề quan trọng cần được giải quyết giữa Tokyo và Moskva.
Chuyến thăm Nga ngày 6/5 của ông Abe diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ khó khăn giữa Nga và phương Tây, liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine. Có thể thấy rõ bất chấp sự không hài lòng của Washington, ông Abe vẫn giữ vững kế hoạch thăm Nga và theo đánh giá của truyền thông Nhật Bản, điều đó cho thấy quyết tâm của Thủ tướng Nhật Bản muốn tạo ra "bước đột phá" trong quan hệ song phương với Nga.
"Bước đột phá" này, trước hết, có nghĩa là cần tìm kiếm một giải pháp hai bên cùng chấp nhập được, góp phần giải quyết dứt điểm tranh chấp lãnh thổ đối với bốn hòn đảo trong quần đảo Nam Kuril, mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, tạo tiền đề để hai bên ký kết Hiệp ước hòa bình, một văn kiện vốn đã bị trì hoãn ký kết kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.
Trong những năm gần đây, với tình hình chính trị ở mỗi nước có nhiều thay đổi, Nga và Nhật Bản đã có một số nhượng bộ nhất định trong vấn đề này, song về tổng thể, có thể thấy Moskva vẫn kiên trì đường lối cứng rắn, và Tokyo, ngược lại có chính sách mềm dẻo hơn. Và chuyến thăm lần này của Abe đến Nga chứng tỏ nỗ lực của Nhật Bản để giải quyết vấn đề, tuy nhiên dư luận công chúng Nhật Bản hoàn toàn không lạc quan về kết quả chuyến thăm này.
Báo chí Nga đặt câu hỏi trước thực tế rõ ràng là các bên không thể đi đến một sự đồng thuận chung, nhưng vì sao vẫn chấp nhận tiến hành các cuộc đàm phán. Điều này cũng không khó để trả lời. Đối với Moskva, chuyến thăm của ông Abe, trước hết, sẽ góp phần giảm thiểu căng thẳng giữa Nga và phương Tây, và sau nữa, Moskva hy vọng rằng tiềm lực tài chính và kinh tế của Nhật Bản sẽ giúp nền kinh tế Nga, đang trải qua một đợt suy giảm sâu. Hơn nữa, chính ông Abe đề nghị thăm Nga, thì cớ gì Moskva phải từ chối?
Về phần mình, ông Abe toan tính phức tạp hơn. Ông hy vọng tạo bước đột phá trong chính sách đối ngoại và mối quan hệ với Nga đóng vai trò khá quan trọng. Do đó, cải thiện mối quan hệ Nhật-Nga sẽ cho phép Tokyo gặt hái nhiều hơn trong quan hệ với các nước láng giềng khác. Ông Abe nhận định rằng: nước Nga đang trong tình thế khó khăn, và Nhật Bản cần phải nắm bắt tình thế "trên cơ" này để tiến hành đàm phán.
Trước thềm chuyến thăm này, dư luận trong nước tại Nga và Nhật Bản nhìn chung đều không quá lạc quan về kết quả đàm phán. Bản thân hai nhà lãnh đạo cũng thừa nhận quan điểm mỗi bên còn quá xa nhau và hiểu rõ sự phức tạp của vấn đề. Tuy nhiên, dường như cả hai nhà lãnh đạo bước vào cuộc đàm phán đều mang một tâm thế nhẹ nhàng khi cho rằng "sẽ không có gì để mất", và đây có lẽ là một chấm phá lạc quan đầu tiên của cuộc đàm phán Sochi ngày 6/5.