Đằng sau việc Ukraine thúc Nga giảm giá khí đốt

Liên quan đến “mặt trận” khí đốt, Ukraine đang tìm cách thoát khỏi nhà cung cấp Nga, dù sản lượng khai thác nội địa trong năm ngoái có giảm.

Ukraine tìm cách tránh phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga. Ảnh: AP


Một lý do chủ chốt là châu Âu. Thật khó tin khi châu Âu luôn “đói” khí đốt lại là một trong những nhà xuất khẩu chính sang Ukraine. Năm ngoái, nhập khẩu khí đốt của Ukraine từ châu Âu tăng đến 1%, lên mức 5 tỉ m3. Nga vẫn là nhà cung cấp lớn nhất, với 14,5 tỉ m3, nhưng mức sụt giảm lại lên tới 44%. Thị phần khí đốt nhập khẩu từ Nga tại thị trường nội địa Ukraine đã giảm 1/3, hiện chỉ chiếm 34%. Đặc biệt, ở thời điểm đầu tháng 3 này, châu Âu chiếm đến 81% lượng khí đốt nhập khẩu của Ukraine.

Một nhân tố khác đến từ khả năng của các nhà sản xuất tư nhân trong nước. Khu vực này đã tăng 18% sản lượng, lên mức 3,3 tỉ m3 năm 2014, trong bối cảnh các công ty quốc doanh, cụ thể là Ukrnafta và Chernomorneftegaz, không hoàn thành mục tiêu sản lượng đề ra, chủ yếu là do việc Crimea sáp nhập vào Nga, dẫn đến việc khai thác tại khu vực biển xung quanh bán đảo này khựng lại.

Những phát hiện gần đây về tiềm năng khí đá phiến cũng tạo cơ hội cho Ukraine đa dạng hóa nguồn khí đốt. Tập đoàn Shell đã đồng ý khảo sát khu vực có trữ lượng 4 tỉ m3 khí đá phiến. Dự án vẫn đang dậm chân tại chỗ, do cuộc khủng hoảng chính trị ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Kiev vẫn theo đuổi mục tiêu phát triển khí đá phiến cho tiêu dùng nội địa và một phần sẽ xuất sang châu Âu.

Ukraine đủ sức ra điều kiện với Nga?


Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Volodymyr Demchyshyn mới đây cho biết nước này sẽ ngừng mua khí đốt của Nga từ  ngày 1/4 tới, chỉ một ngày sau khi hợp đồng cung ứng hiện hành hết hiệu lực. Động thái này được xem là cách để Kiev “ra giá” trước Moskva trong việc đàm phán một hợp đồng mua bán mới, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này, với sự trung gian của Hội đồng châu Âu. “Chúng tôi đang cố gắng đưa hợp đồng mới tiến sát với các điều khoản của thương mại thông thường, phù hợp với các nguyên tắc thị trường… Liên minh châu Âu đang chào bán khí đốt cho Ukraine ở mức giá rẻ hơn so với Nga. Vì thế, trên quan điểm thương mại, có lý do để tăng nhập khẩu từ châu Âu”, ông Andriy Kobolyev, Giám đốc điều hành Naftogaz phát biểu ngày 24/3.

Ngoài khả năng gia tăng nguồn cung từ châu Âu và nội địa, sự tự tin của Ukraine xuất phát từ việc hợp đồng hết thời hạn cũng là thời điểm kết thúc mùa đông, đưa đến sự giảm sút về nhu cầu tiêu thụ. Hơn nữa, Kiev cũng trù tính rằng, Moskva sẽ phải cạnh tranh với nhà cung cấp châu Âu, cùng với đó là những lo ngại Ukraine sẽ tìm mọi cách thoát khỏi ảnh hưởng chi phối của Gazprom. 50% nhập khẩu khí đốt của châu Âu là từ Nga và 30% sản lượng này được vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine. Moskva đã từng 3 lần “đóng van” sang châu Âu do những tranh cãi về giá mua bán khí đốt với Ukraine. Cả châu Âu và Ukraine đều hy vọng sẽ ngừng phần lớn sản lượng nhập khẩu từ Nga, thông qua việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác. Động thái của Ukraine đã bước đầu phát huy hiệu quả. Các nhà đàm phán Nga cho biết, Moskva sẽ xem xét giảm giá bán khí đốt thời gian tới.

Theo hợp đồng hiện hành với thời hạn thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3/2015, Ukraine nhập khí đốt của Nga với mức giá 329 USD/1.000 m3. Chưa biết quyết định của Nga thế nào và nếu có giảm thì mức độ là bao nhiêu, nhưng xem ra “đáp ứng” mong muốn của Kiev là điều rất khó. Bộ trưởng Demchyshyn cho biết, để cạnh tranh được, giá khí đốt của Nga chỉ nên ở mức 240 - 250 USD/1.000 m3, thậm chí có thể xuống ngưỡng 220 - 210 USD/1.000 m3 do đà giảm giá trên thị trường năng lượng, dầu mỏ quốc tế. “Nếu mức giá của họ cao hơn giá thị trường, chúng tôi có thể tìm đến châu Âu, chúng tôi sẽ không cần khí đốt của Nga”, ông Demchyshyn quả quyết.


Hoài Thanh

Ukraine sẽ ngừng mua khí đốt của Nga
Ukraine sẽ ngừng mua khí đốt của Nga

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Volodymyr Demchyshyn thông báo nước này có kế hoạch ngừng mua khí đốt của Nga từ ngày 1/4 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN