Xung đột Thổ Nhĩ Kỳ- Hy Lạp
Theo kênh Al Jazeera, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh sẽ trả đũa nếu Hy Lạp tấn công tàu nghiên cứu nước này ở đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc Pháp hành động như “kẻ bắt nạt” giữa thời điểm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Phát biểu trước các phóng viên ngày 14/7 tại Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng chiến hạm Kemal Reis hộ tống tàu khảo sát Oruc Reis đã “đối phó một cuộc tấn công” xảy ra ngày trước đó.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: “Nếu điều này tiếp diễn, họ sẽ nhận được câu trả lời. Chúng tôi sẽ không bỏ qua ngay cả cuộc tấn công nhỏ nhất này”. Ông Recep Tayyip Erdogan không đề cập đến quốc tịch của tàu đã tấn công Kemal Reis.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều tự nhận quyền khai thác hydrocarbon trong khu vực này. Căng thẳng leo thang từ ngày 10/8 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch thăm dò tại khu vực tranh chấp ở Địa Trung Hải với sự tham gia của tàu khảo sát và một hạm đội nhỏ chiến hạm của hải quân.
Ngày 12/8, Hy Lạp điều động tàu chiến đến địa điểm trên, dẫn đến va chạm nhẹ giữa chiến hạm hai nước.
Hy Lạp cho rằng đó là tai nạn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đây là khiêu khích. Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp vào ngày 14/8 để giải quyết khủng hoảng này.
Căng thẳng với Pháp
Đến ngày 13/8, Pháp tuyên bố “tạm thời củng cố” hiện diện quân sự tại đông Địa Trung Hải để ủng hộ Hy Lạp.
Điều này góp phần khiến căng thẳng giữa Paris và Ankara gia tăng khi hai nước đã bất đồng từ trước về Libya và Trung Đông.
Ngày 14/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu trong chuyến thăm Thụy Sĩ: “Pháp nên tránh những động thái gây leo thang căng thẳng. Họ không thể đi đến đâu nếu hành động như những kẻ bắt nạt, dù đó là Libya, đông bắc Syria, tại Iraq hay Địa Trung Hải”.
Ngoại trưởng Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm giải pháp hòa bình cho khủng hoảng hiện nay. Ông nêu rõ: “Chúng tôi luôn đứng về phía đối thoại hòa bình”.
EU ra mặt giải quyết
Các ngoại trưởng EU tái khẳng định ủng hộ với quan điểm của Hy Lạp về biên giới biển và khuyến khích các bên tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong tháng 7 từng ngừng hoạt động tàu Oruc Reis để tạo thêm cơ hội cho đàm phán sau khi được Thủ tướng Đức Angela Merkel khuyến khích.
Hy Lạp sau đó ký thỏa thuận hàng hải với Ai Cập. Điều này khiến ông Erdogan ra quyết định khởi động hoạt động của Oruc Reis.
Ngày 14/8, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel – ông Steffen Seibert nói: “Những căng thẳng này thật đáng lo ngại. Điều quan trọng là giảm căng thẳng và các quốc gia trao đổi trực tiếp với nhau”.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Erdogan cho biết ông nhất trí với Thủ tướng Merkel về “tiến trình bảo vệ thấu hiểu” với Hy Lạp.
Chuyên gia Chronis Kapalidis tại Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh) phân tích rằng Hy Lạp đã sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán nhưng đối thoại có thể bị tổn hại nếu hai quốc gia tiếp tục tăng cường quân sự tại khu vực. Ông Kapalidis nói: “Không thể có đàm phán ngoại giao nếu chiến hạm đang đối đầu”.