Sau hơn một tuần mở chiến dịch tấn công chớp nhoáng, Taliban đã kiểm soát được hơn 2/3 lãnh thổ và cuối cùng tiến thẳng vào thủ đô Kabul hôm 15/8 mà gần như không gặp bất kỳ kháng cự nào. Đơn giản là bởi quân đội chính phủ đã thối trí, buông xuôi và đào ngũ, tháo chạy khỏi căn cứ dù Mỹ và đồng minh đã đổ hàng chục tỉ USD để huấn luyện, trang bị cho lực lượng này.
Giới cựu quan chức quân sự phương Tây cùng với giới nghiên cứu học thuật nhận định, sự sụp đổ của quân đội Afghanistan phản ánh sự bất mãn bao trùm của công chúng nước này với chính quyền tổng thống Ashraf Ghani, nạn tham nhũng và điều hành yếu kém kinh niên trong nội bộ lực lượng vũ trang cũng như sự thiếu tự tin, suy giảm ý chí chiến đấu của binh sĩ - số không tin rằng có thể chiến thắng Taliban mà không có hỗ trợ quân sự, tình báo của Mỹ.
Tinh thần và ý chí chiến đấu rệu rã
Theo Mike Martin, cựu quan chức quân đội Anh và là học giả nghiên cứu về Afghanistan, vấn đề với đội quân của chính quyền Kabul không phải là thiếu thốn vũ khí trang bị, không được huấn luyện. Điểm cốt yếu nhất trong chiến tranh là tính chính trị.
Ở điểm này, chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani dường như không còn giữ được tính chính danh cần thiết. Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), tại thời điểm ông Ghani tháo chạy khỏi Afghanistan, chiếc trực thăng chở ông và thuộc cấp chất đầy tiền được chuyển lên từ 4 xe ô tô. Nếu thông tin này chính xác, nó là lời giải thích rõ ràng và đầy đủ nhất cho sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul - như lời bình luận của Đại sứ Nga tại Afghanistan Nikita Ishenko.
Nạn quan liêu, tham nhũng cũng là nhân tố quân đội Afghanistan rệu rã. Binh sĩ và cảnh sát Afghanistan lộ rõ thất vọng, tức giận trước giới lãnh đạo. Một số nguồn tin cho biết cảnh sát Afghanistan đã không được Bộ Nội vụ trả lương trong nhiều tháng qua. Thực tế này cũng diễn ra ở Bộ Quốc phòng. Tại nhiều cứ điểm, binh sĩ chính phủ thiếu thốn từ lương thực, nước uống cho tới vũ khí, đạn dược.
Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan mà không có một kế hoạch quân sự kĩ lưỡng cũng tạo thế cho Taliban và làm trầm trọng thêm vấn nạn suy giảm tinh thần chiến đấu của quân chính phủ. Nó xảy ra ngay trước thời điểm mùa giao tranh, thường là từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Sau thời điểm này, không bên nào ở Afghanistan có thể mở chiến dịch quân sự, do thời tiết lạnh giá, băng tuyết kéo dài.
Tình hình càng trầm trọng thêm khi Taliban triệt để khai thác chiến tranh tâm lý, đánh đòn bắt cóc, hãm hại người nhà, thân nhân của binh sĩ chính phủ, nhưng lại tuyên bố khoan hồng, không tra tấn, trù dập bất kỳ ai quy hàng. Chiến dịch này đã được Taliban chuẩn bị kĩ từ nhiều tháng trước đó. Taliban dựa vào số lãnh tụ bộ tộc địa phương để đạt “thỏa thuận ngầm” với binh sĩ, quan chức địa phương. Số binh sĩ chấp nhận từ bỏ hàng ngũ thậm chí còn được Taliban cho tiền.
Binh sĩ bắt đầu đặt câu hỏi liệu có đáng để chiến đấu, hy vinh vì chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani hay không. Hay là chọn cách buông vũ khí, đầu hàng, để giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Hệ quả là quân Taliban lần lượt chiếm giữ được các thành phố lớn mà không gặp phải giao tranh hay kháng cự đáng kể nào từ quân chính phủ.
Giới chức Mỹ đã nhận ra điều này, nhưng giờ đã là quá muộn. “Chúng tôi đã cho họ mọi cơ hội để họ tự quyết định tương lai. Điều mà chúng tôi không thể hỗ trợ họ là ý chí chiến đấu để đi tới tương lai đó”, Tổng thống Biden phát biểu ngày 16/8. Phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby cùng ngày cũng nêu quan điểm “tiền không thể mua được quyết tâm chiến đấu. Khả năng lãnh đạo là điều mà bạn không thể mua được”.
Tướng Doug Lute, cựu quan chức từng tham gia hoạch định chiến lược cho Afghanistan dưới thời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama nhìn nhận đội quân của ông Ashraf Ghani nhận được các nguồn lực hữu hình, nhưng lại thiếu vắng nguồn lực vô hình vốn quan trọng hơn. “Nguyên tắc của chiến tranh là ý chí quan trọng hơn vũ khí trang bị. Ý chí, kỉ luật, lãnh đạo, thống nhất toàn khối mang tính quyết định hơn nhiều so với con số về lực lượng và thiết bị. Là người ngoài Afghanistan, chúng ta có thể cung cấp được vật lực, nhưng chỉ có người Afghanistan mới tạo ra được những nhân tố ý chí vô hình”, ông Lute nói.
Cú sốc từ quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden
Biết Mỹ sẽ rút quân theo thỏa thuận đạt được ở Doha, nhưng chính quyền Tổng thống Ghani tin rằng Mỹ không bao giờ rút hỗ trợ không quân và hậu cần. Nhưng điều đó lại là thực tế và đây là nguyên nhân khiến quân chính phủ mất đi nguồn sức mạnh vượt trội trước Taliban - sức mạnh không quân.
Thất bại này khởi nguồn từ những sai lầm trong xây dựng và tổ chức quân đội của chính quyền Ashraf Ghani. Khi còn sát cánh cùng quân Mỹ, lực lượng vũ trang Afghanistan được dập khuôn theo mô hình bắt kịp với khả năng tác chiến của Mỹ. Trong khi đó quân đội Mỹ là lực lượng hiện đại nhất thế giới, dựa chủ yếu vào tấn công trên bộ có sự yểm trợ của hỏa lực đường không, sử dụng máy bay để mở cầu không vận, tiếp tế, đánh phá mục tiêu đối phương, sơ tán cứu thương, thu thập và do thám tình báo.
Khi lính Mỹ còn hiện diện ở Afghanistan, quân đội chính phủ tìm cách tối đa hóa hiện diện ở khắp các cực trên cả nước, duy trì khoảng 200 căn cứ, cứ điểm nằm trong tầm chi viện của không quân. Đây là trụ cột chính trong chiến lược bình định, chống nổi dậy của Mỹ và lực lượng vũ trang Afghanistan trong một thời gian dài.
Ngay sau khi ông Biden công bố kế hoạch rút quân, Mỹ gần như ngay lập tức ngừng hỗ trợ không quân, tình báo và rút 15.000 nhân viên nhà thầu quân sự. Hàng nghìn nhân viên chuyên làm nhiệm vụ bảo dưỡng, vận hành máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang cho quân đội Afghanistan đã được rút về nước. Điều này đồng nghĩa với việc quân đội Afghanistan không thể vận hành trơn tru.
Sức mạnh không quân không còn, dù Afghanistan vẫn còn tới 213 máy bay chiến đấu các loại. Tác hại chưa dừng ở đó. Theo một cựu quan chức quân sự Mỹ, chính điều này một lần nữa lại làm suy yếu tinh thần chiến đấu của binh sĩ, bởi khi nhận ra không còn lực lượng sẵn sàng tới ứng cứu, hỗ trợ, binh sĩ sẽ đảo ngũ, tháo chạy hoặc đầu hàng.
“Ghani và những cố vấn bên cạnh ông ta không tin rằng Mỹ sẽ bỏ rơi Afghanistan theo cách đó. Số này vẫn luôn hy vọng ngay cả khi tình hình đứng trước diễn biến xấu nhất, Mỹ vẫn sẽ phải hiện diện và hỗ trợ quân đội Afghanistan”, Ahmed Rashid nhà phân tích người Pakistan chuyên về tình hình Trung Á và Nam Á nói. Chính việc đánh giá không chính xác tình hình để có sự chuẩn bị hợp lý là một phần nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ghani.