Đồng đô la Mỹ mạnh gieo rắc ‘nỗi đau’ toàn cầu

Đồng đô la Mỹ mạnh khiến cho tình hình tồi tệ hơn ở phần còn lại của thế giới. Nhiều nhà kinh tế lo ngại sự tăng giá mạnh của USD làm tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới.

Chú thích ảnh
Người phụ nữ cầm tờ đô la Mỹ trong cuộc biểu tình đòi tăng lương ở Caracas, Venezuela ngày 6/9/2022. Ảnh: AP

Chi phí sinh hoạt ở Cairo tăng cao đến mức anh bảo vệ Mustafa Gamal phải gửi vợ và con gái một tuổi đến sống với ông bà nội tại một ngôi làng cách thủ đô Ai Cập hơn 100 km để tiết kiệm tiền.

Ông bố 28 tuổi ở lại, xin làm hai việc, sống chung căn hộ với vài người khác và loại bỏ thịt khỏi chế độ ăn. Gamal nói: “Giá cả mọi thứ đã tăng gấp đôi. Không có lựa chọn nào khác”.

Theo hãng tin AP, trên khắp thế giới, nhiều người đang chia sẻ nỗi đau và sự thất vọng của Gamal. Một đại lý bán phụ tùng ô tô ở Nairobi, một người bán quần áo trẻ em ở Istanbul và một nhà nhập khẩu rượu ở Manchester đều có chung lời phàn nàn: Đồng đô la Mỹ tăng giá khiến đồng nội tệ của họ yếu đi, góp phần làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ hàng ngày.

Thực trạng này đang làm gia tăng thêm khó khăn tài chính vào thời điểm các gia đình đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực và năng lượng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Eswar Prasad, giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell (Anh), cho biết: “Đồng đô la Mỹ mạnh làm cho tình hình tồi tệ hơn ở phần còn lại của thế giới”. Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng sự tăng giá mạnh của USD đang làm tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới.

Đồng USD đã tăng 18% trong năm nay và tháng trước đạt mức cao nhất trong 20 năm, theo Chỉ số đô la Mỹ chuẩn ICE – chỉ số đo lường đồng USD so với rổ tiền tệ chủ chốt.

Chú thích ảnh
Người phụ nữ đi qua một cửa hàng đổi tiền trang trí hình các ngoại tệ tại Hong Kong. Ảnh: AP 

Lý do của việc đồng đô la tăng giá không có gì là bí ẩn. Để chống lại lạm phát tăng cao trong nước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (hay Ngân hàng trung ương) đã tăng lãi suất ngắn hạn chuẩn năm lần trong năm nay và đang báo hiệu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng. Điều đó đã dẫn đến lãi suất cao hơn với nhiều loại trái phiếu chính phủ và công ty Mỹ, thu hút các nhà đầu tư và thúc đẩy “đồng bạc xanh” tăng giá.

Hầu hết các đồng tiền khác đều yếu hơn nhiều khi so sánh với USD, đặc biệt là ở các nước nghèo. Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm gần 10% trong năm nay so với đô la Mỹ, đồng bảng Ai Cập giảm 20%, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm ở mức đáng kinh ngạc 28%.

Các quốc gia giàu có cũng không miễn nhiễm. Tại châu Âu, nơi đang nghiêng về phía suy thoái trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt, lần đầu tiên 1 euro có giá trị thấp hơn 1 USD trong 20 năm và bảng Anh đã giảm 18% so với một năm trước. Đồng bảng Anh gần đây đã tương đương với USD sau khi Thủ tướng mới của Anh, Liz Truss công bố các đợt cắt giảm thuế lớn làm chao đảo thị trường tài chính và dẫn đến việc Bộ trưởng Tài chính của bà mất ghế.

Thông thường, các quốc gia có thể nhận được một số lợi ích từ việc đồng nội tệ giảm giá vì nó làm cho sản phẩm sản xuất trong nước của họ rẻ hơn và cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Nhưng hiện tại, bất kỳ khoản lợi nhuận nào từ xuất khẩu cao hơn đều không bù đắp được vì tăng trưởng kinh tế đang bị ảnh hưởng ở hầu hết mọi nơi.

Chú thích ảnh
Một người đếm tiền giấy đô la và đồng xu Zimbabwe bên cạnh đồng 10 USD trên một con phố ở Harare. Ảnh: AP 

Đồng đô la Mỹ tăng giá đang gây ra đau đớn ở các nước trên thế giới theo nhiều cách: -Làm cho hàng nhập khẩu của các nước khác đắt hơn, làm tăng thêm áp lực lạm phát hiện có; - Bóp chết các công ty, người tiêu dùng và chính phủ vay bằng USD, vì họ cần nhiều nội tệ hơn để chuyển đổi thành USD khi thanh toán khoản vay; - Buộc các ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác phải tăng lãi suất để cố gắng nâng đỡ đồng tiền của họ và giữ cho tiền không chảy ra khỏi biên giới. Nhưng lãi suất cao hơn cũng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Nói một cách đơn giản: “Đồng đô la tăng giá là một tin xấu đối với nền kinh tế toàn cầu,” chuyên gia Ariane Curtis của Capital Economics nói, “Đó là một lý do khác khiến chúng tôi đánh giá nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.”

Các loại tiền tệ chênh lệch trước đây đã nhiều lần gây ra đau đớn cho nền kinh tế trên toàn thế giới. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, các công ty Indonesia từng vay nặng lãi bằng USD trong thời kỳ bùng nổ, sau đó bị xóa sổ khi đồng rupiah giảm so với USD. Vài năm trước đó, đồng peso lao dốc cũng gây ra nỗi đau tương tự cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mexico.

Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ tăng vọt vào năm 2022 đã gây ra “nỗi đau” riêng biệt. Nó đang làm tăng thêm áp lực lạm phát toàn cầu vào thời điểm mà giá cả đã tăng vọt. Những gián đoạn đối với thị trường năng lượng và nông nghiệp do cuộc xung đột Ukraine gây ra đã làm gia tăng các hạn chế về nguồn cung giai đoạn hậu COVID-19.

Chú thích ảnh
Biển báo tỉ giá hối đoái giữa USD và đồng peso ở Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AP 

Tại Manila (Philippines), anh Raymond Manaog, 29 tuổi, làm nghề lái xe jeepne, phàn nàn rằng lạm phát và đặc biệt là giá dầu diesel tăng cao đang buộc anh phải làm việc nhiều hơn để có thể kiếm sống. “Chúng tôi phải làm gì để kiếm đủ chi phí hàng ngày. Nếu trước đây chúng tôi đi mỗi tuyến 5 vòng, thì bây giờ phải đi 6 vòng”.

Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, anh Ravindra Mehta đã ăn nền làm ra trong nhiều thập kỷ với vai trò môi giới cho các nhà xuất khẩu hạnh nhân và hạt dẻ cười của Mỹ. Nhưng đồng rupee giảm giá kỷ lục - do nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển cao hơn - đã khiến loại hạt này đắt hơn nhiều đối với người tiêu dùng Ấn Độ.

Vào tháng 8, Ấn Độ đã nhập khẩu 400 container hạnh nhân, giảm so với 1.250 container một năm trước đó, Mehta cho biết: “Nếu người tiêu dùng không mua, điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả những người như tôi”.

Tại Anh, Kingsland Drinks, một trong những nhà đóng chai rượu vang lớn nhất vương quốc, đã bị ép giá do chi phí vận chuyển thùng chứa, chai, nắp và năng lượng cao hơn. Giờ đây, đồng đô la Mỹ tăng giá đang đẩy cao giá rượu vang mà họ mua từ các vườn nho ở Mỹ, thậm chí từ Chile và Argentina…

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo AP)
Mỹ cân nhắc xuất kho dự trữ chiến lược để 'hạ nhiệt' giá dầu
Mỹ cân nhắc xuất kho dự trữ chiến lược để 'hạ nhiệt' giá dầu

Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ có kế hoạch xuất thêm 10 - 15 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của nước này nhằm cân bằng thị trường và ổn định giá xăng trong nước. Mặt khác, Nhà Trắng cũng có kế hoạch bổ sung kho dự trữ nêu trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN