Khẳng định đó của bà Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington mới đây cho thấy xu hướng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực, trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục bị tác động bởi khủng hoảng năng lượng, lương thực và lạm phát leo thang.
Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương” mới công bố, IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong một “bức tranh xám màu”, với mức tăng trưởng năm nay dự báo đạt 7%, đứng đầu nhóm ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam). IMF cho rằng đây là mức tăng trưởng kỳ tích khi có đến 1/3 nền kinh tế thế giới suy giảm.
Theo chuyên gia kinh tế Davide Furceri của IMF, Việt Nam vẫn là điểm sáng tại khu vực trong tiến trình phục hồi nhờ chính sách tiền tệ đúng đắn, sự hỗ trợ tài khóa kịp thời, nhu cầu bên ngoài vẫn mạnh trong nửa đầu năm. Năm 2023, dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm xuống 6,2% theo xu thế chung, nhưng đây vẫn là một trong những mức cao nhất ở khu vực.
Nhật báo phố Wall (WSJ) cũng nhận định "Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á" khi xét về tăng trưởng kinh tế thần tốc, dự trữ ngoại hối và chính sách tiền tệ linh hoạt. WSJ nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, giá cả tăng cao, nhiều biến động thay đổi, thì Việt Nam vẫn duy trì hàng loạt chỉ số tăng trưởng ấn tượng.
Với lập luận này, WSJ tin rằng Việt Nam có thể sẽ nằm trong số những nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm tới. WSJ khẳng định nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tự do hoá thương mại mạnh mẽ, tích cực và chi phí nhân công phải chăng, động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá triển vọng tăng trưởng mạnh của Việt Nam phản ánh qua triển vọng tăng trưởng mạnh trong trung hạn, nợ chính phủ thấp hơn so với các quốc gia tương ứng và hồ sơ nợ bên ngoài tốt. Fitch Ratings dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,4% trong năm nay do sự phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy mức tăng trưởng trung và dài hạn mạnh mẽ của Việt Nam.
Lạc quan hơn cả Fitch Ratings, tổ chức xếp hạng uy tín Moody’s dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm 2022. Hồi tháng 9, Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody's nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Việc nâng hạng phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng.
Những đánh giá tích cực này xuất phát từ việc Việt Nam đã có bước chuyển mình được xem là “ngoạn mục” sau đại dịch COVID-19, trở thành điểm sáng thu hút đầu tư và các nhà sản xuất nước ngoài, chứng kiến xuất khẩu bùng nổ nhờ các hiệp định thương mại tự do, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.
Theo quan chức IMF Era Dabla-Norris, sự chuyển hướng chiến lược chống dịch COVID-19 kịp thời và mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế vào tháng 3 năm nay là chìa khóa để Việt Nam khởi động lại động lực của nền kinh tế sau đại dịch. Bên cạnh đó, những chính sách phù hợp mà chính phủ áp dụng, như việc giảm thuế và hỗ trợ cho người lao động trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội đã đem lại hiệu quả.
Mức lãi suất thấp và chính sách tiền tệ thích ứng cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng quay trở lại hoạt động sản xuất khi nền kinh tế mở cửa trở lại, trong khi việc cắt giảm thuế môi trường và các loại thuế, phí khác đối với các sản phẩm dầu mỏ góp phần giảm bớt tác động của giá dầu thế giới cao hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp Việt Nam. Việc đóng băng giá đối với một số dịch vụ, bao gồm điện, y tế và giáo dục, cũng góp phần giữ cho lạm phát trong tầm kiểm soát .
Trong khi đó, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Greg Poling nhận định những chính sách thân thiện với doanh nghiệp và sự ổn định chính trị là nhân tố khiến Việt Nam có ưu thế hơn so với những nước khác trong khu vực khi các công ty đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa địa điểm sản xuất. Theo ông Poling, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất của các công ty đa quốc gia, nhưng có lẽ là "nơi thành công nhất”. Điều này được phản ánh qua việc Apple, Google và Samsung đều đang thúc đẩy các hoạt động đầu tiên tại Việt Nam. Foxconn và Luxshare Precision Industry, hai trong số các nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple, hiện đang đàm phán để sản xuất Apple Watch và Macbook tại Việt Nam.
Đáng chú ý, kinh tế số của Việt Nam đã có sự phát triển bứt phá sau dịch bệnh. Trong báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ bảy với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội”, các hãng Google, Temasek và Bain & Company cho biết trong năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm ngoái lên 23 tỷ USD, nhờ mức tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm 2021.
Bà Stephanie Davis, Phó Chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á khẳng định lực lượng lao động nội địa chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và sự thâm nhập ngày càng tăng của dịch vụ số hóa ở các khu vực thành thị và nông thôn, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển kỹ thuật số của Việt Nam trong tương lai.
Các định chế và tổ chức quốc tế cũng lưu ý rằng bên cạnh các tín hiệu lạc quan, nền kinh tế Việt Nam vẫn không tránh khỏi những thách thức và rủi ro như áp lực lạm phát, xu hướng lao động già hóa, cùng ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài như sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, suy thoái kinh tế, nhu cầu giảm sút và căng thẳng địa chính trị. IMF đánh giá: “Kinh tế toàn cầu đang hứng chịu những cơn sóng gió lớn và Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu". Tuy nhiên, định chế này cũng nhấn mạnh "Việt Nam là một nền kinh tế rất năng động”, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng cao và khả năng phục hồi mạnh mẽ hậu COVID-19.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh khẳng định: "Rõ ràng Việt Nam là một trong những nước đóng góp mạnh mẽ nhất cho một ASEAN năng động, kiên cường, định vị về kinh tế như hiện nay", bởi Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong việc thể hiện cách thức phục hồi hậu đại dịch, đồng thời tiến hành những chuyển đổi kinh tế quan trọng và giúp người dân ứng phó với những thách thức đang phải đối mặt.
Phát biểu tại Hà Nội khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn đại diện IMF làm việc tại Việt Nam tháng 10 vừa qua, bà Era Dabla-Norris nêu rõ: "Trong hai thập niên qua, điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ nhất về đất nước và con người Việt Nam là sự quyết tâm và kiên định với mục tiêu của mình".
Đó là những mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tái cơ cấu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới...
Chính điều đó đã tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, giúp "các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam", như nhận định của bà Era Dabla-Norris: "Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua được đoạn đường gập ghềnh thời gian tới để thực hiện được các mục tiêu trong trung và dài hạn".