Khi thế giới bước vào năm 2024, những gì sắp xảy ra trên phạm vi toàn cầu có thể dường như không chắc chắn hơn những năm trước: Các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Gaza có nguy cơ gây ra những tác động rộng lớn hơn, trong khi sự ổn định kinh tế và chính trị đang bị đe dọa bởi dòng người di cư ồ ạt, lo ngại về suy thoái kinh tế và tác động lan rộng của biến đổi khí hậu. Trong hầu hết các vấn đề, các chính phủ đã chật vật để chứng minh cho cử tri thấy rằng họ có câu trả lời.
Bế tắc khi xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 3
Liệu 2024 có phải là năm định mệnh của Ukraine khi phương Tây từ bỏ Kiev? Cam kết của Tổng thống Joe Biden rằng Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine “miễn là cần thiết” dường như chưa bao giờ lung lay hơn thế.
Đảng Cộng hòa đang ngăn chặn cam kết trị giá 60 tỷ USD của Tổng thống Biden về viện trợ quân sự mới mà Ukraine rất cần sau khi cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ lâu của nước này bị sa lầy trong cuộc chiến tiêu hao. Trong khi đó, EU cũng gặp bế tắc về gói viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban phản đối.
Tổng thống Volodymyr Zelensky quyết tâm rằng Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu, nhưng nếu phương Tây quay lưng, ông có thể phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc đàm phán với Nga ở thế bất lợi và việc kéo dài cuộc xung đột khiến Ukraine ngày càng cạn kiệt nguồn lực.
Hiện cả Nga và Ukraine đều không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc đạt được bước đột phá hay sẵn sàng thỏa hiệp về các mục tiêu trái ngược của họ. Ukraine đang tìm cách giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, trong khi Moskva tuyên bố thực hiện cái mà họ gọi là “phi quân sự hóa” Ukraine, cũng như ngăn chặn nguyện vọng gia nhập NATO của nước này.
Trung Đông bên bờ vực
Chiến tranh Israel - Hamas đang có nguy cơ lan rộng khi ngay ngày đầu năm 2024, Israel đẩy mạnh cuộc tấn công vào Dải Gaza để đáp trả các cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10/2023.
Áp lực quốc tế đang gia tăng đối với Israel nhằm hạn chế thời gian và cường độ giao tranh trong bối cảnh toàn cầu phản đối kịch liệt việc người dân Gaza bị mắc kẹt trong tình trạng nguy hiểm tột cùng, không có nguồn cung cấp quan trọng hoặc khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khi dịch bệnh lây lan qua các trại nhân đạo đông đúc. Bất chấp điều này, Israel đã tăng cường nỗ lực của mình và tuyên bố cuộc chiến với Hamas sẽ diễn ra ác liệt trong nhiều tháng.
Nguy cơ xảy ra xung đột rộng hơn ở Trung Đông đang leo thang trong bối cảnh ngày càng có nhiều cuộc tấn công lẫn nhau xuyên biên giới giữa lực lượng Hồi giáo Hezbollah và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở biên giới Liban - Israel.
Các cuộc tấn công ủy nhiệm của những nhóm vũ trang ở Iraq - giống như cuộc tấn công gần đây vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad - đang trở nên táo bạo và phổ biến hơn. Và các cuộc tấn công liên tiếp của Houthi tại Yemen nhằm vào các tuyến đường vận chuyển toàn cầu qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez có thể khiến giá năng lượng tăng vọt.
Ngoài ra còn có nguy cơ các nhóm cực đoan khác trong khu vực trỗi dậy do bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa cơ hội và/hoặc sự bất bình.
Sự ủng hộ từ đầu của Mỹ đối với các cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã làm tổn hại đến hình ảnh mà nước này thể hiện với tư cách là nhà bảo đảm nhân quyền và luật pháp quốc tế - một tổn hại về mặt uy tín mà Washington khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn, bất chấp sự thay đổi giọng điệu mang tính quyết định.
Bước sang năm 2024, Mỹ và các đồng minh phải đạt được sự cân bằng giữa trả đũa và ngăn chặn các cuộc tấn công ủy nhiệm, đồng thời đảm bảo các phản ứng của họ ở ngưỡng không gây ra xung đột rộng hơn.
Rõ ràng, căng thẳng cực độ đang gia tăng từ Ấn Độ Dương, qua Biển Đỏ và khắp khu vực, với quân đội và tàu chiến Mỹ trở thành mục tiêu khi các nhóm vũ trang ở Yemen, Gaza và Liban tìm cách gây áp lực lên Israel và Mỹ.
Hiện Chính phủ Israel dường như đang phớt lờ lời kêu gọi của Tổng thống Biden việc giảm cường độ trong các hoạt động ở Gaza và tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu trong nhiều tháng. Sự thống nhất giữa Mỹ và Israel dường như đang phân hóa nhanh chóng khi cuộc xung đột gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng cho ông Biden ở trong nước, với những cử tri trẻ và tiến bộ, đặc biệt là những người Mỹ gốc Arab ở bang dao động Michigan, chỉ trích khả năng lãnh đạo của ông.
Cử tri có thể thay đổi thế giới
Các cuộc bầu cử luôn có ý nghĩa quan trọng, nhưng chưa bao giờ quan trọng hơn khi có rất nhiều nước lớn tổ chức bỏ phiếu vào thời điểm toàn cầu bất ổn. Vào năm 2024, 2 tỷ cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong một năm bầu cử.
Cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5/11 tới có thể chứng kiến cựu Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng. Ông Trump đang dẫn trước các đối thủ Đảng Cộng hòa về đề cử của đảng này, nhưng phán quyết của Tòa án bang Colorado rằng ông Trump không thể tranh cử ở bang này do vụ nổi loạn năm 2021, sau đó là quyết định tương tự ở Maine, có thể báo trước những trở ngại mà ông Trump sẽ đối mặt.
Chưa có tiền lệ nào về việc một ứng cử viên tranh cử bị cáo trạng, nhưng thời gian không còn nhiều để các ứng cử viên sơ bộ của Đảng Cộng hòa lật đổ ông Trump. Trừ khi có bất ổn xảy ra trong vài tuần tới ở Iowa và New Hampshire, cựu tổng thống Trump sẽ trở thành ứng cử viên duy nhất của Đảng Cộng hòa. Do đó, những gì xảy ra vào tháng 11 tới có thể thay đổi nước Mỹ mãi mãi và gây ra những làn sóng chấn động lớn trên khắp thế giới.
Ở Nam Á, Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc bầu cử lớn nhất thế giới trong suốt tháng 4 và tháng 5. Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi cùng với Đảng Bharatiya Janata (BJP) theo chủ nghĩa dân tộc với đạo Hindu, dự kiến sẽ đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba. Bất chấp các vấn đề về lạm phát, ông Modi nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đa số người theo đạo Hindu ở Ấn Độ dựa trên lòng yêu nước và chính sách đối ngoại tự tin.
Trước đó vào tháng 3, Nga sẽ tiến hành bầu cử với dự báo sẽ không có bất ngờ nào xảy ra đối với Tổng thống Vladimir Putin. Ở những nơi khác, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu mở ra cơ hội cho các đảng cực hữu, dân túy, chống nhập cư ở Pháp, Đức, Bỉ và các nơi khác, trong khi lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cách đây ba thập kỷ, phong trào Đại hội Dân tộc châu Phi (ANC) của Nam Phi phải đối mặt với nguy cơ thực sự mất đa số trong quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2024.
Thất nghiệp, nền kinh tế bất ổn và tội phạm đã phá vỡ sự thống trị của ANC. Lãnh đạo đảng kiêm Tổng thống Cyril Ramaphosa, người nhậm chức vào năm 2018 sau khi người tiền nhiệm đầy bê bối Jacob Zuma bị cách chức, cũng đang phải đối mặt với các câu hỏi về cáo buộc tham nhũng, điều mà ông phủ nhận.
Một thực tế địa chính trị mới
Năm 2024 sẽ tăng cường sự liên kết toàn cầu mới. Các mối quan hệ khác nhau đã được định hình từ cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông và một cuộc chạy đua đang diễn ra giữa phương Tây và các đối thủ của họ để giành ảnh hưởng với các quốc gia đang phát triển ở “Nam toàn cầu”. Những liên kết địa chính trị đang thay đổi này có nghĩa là mọi cuộc khủng hoảng toàn cầu giờ đây đều trở thành phép thử cho uy tín của Mỹ.