Cuộc đối đầu trên diễn ra xung quanh việc các nước châu Âu có cho phép người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei lắp đặt hệ thống mạng viễn thông thế hệ thứ năm, hay 5G, tại cựu lục địa hay không.
Công nghệ 5G được cho là sẽ thay đổi thế giới, cung cấp cho hàng tỉ người khả năng kết nối nhanh như chớp và cho phép hàng tỉ thiết bị khác, từ điện thoại di động đến xe tự lái, thậm chí cả robot phẫu thuật, hoạt động tốt hơn. Hay nói cách khác, công ty nào cung cấp 5G cho bạn sẽ chạm đến gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn.
Các nước châu Âu muốn Huawei xây dựng mạng 5G trên đất nước họ vì một lý do đơn giản: Nhà mạng Trung Quốc cung cấp một trong những dịch vụ tốt nhất với giá rẻ. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump lại có quan điểm hoàn toàn khác. Washington lo ngại việc cho phép một công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như vậy là một rủi ro an ninh quốc gia nghiêm trọng, và đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng mạng lưới này để theo dõi thế giới.
Mỹ đã cấm Huawei thực hiện bất kỳ dự án nào với các cơ quan chính phủ cũng như với các nhà thầu của chính phủ. Washington cũng thúc ép các nhà lãnh đạo châu Âu làm điều tương tự, thậm chí đe dọa ngừng chia sẻ thông tin tình báo với chính phủ nào hợp tác với Huawei.
Tuy nhiên, ngày 19/3 vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel đã phớt lờ áp lực từ Mỹ, tuyên bố rằng Đức sẽ không loại trừ Huawei khỏi hoạt động đấu thầu các hợp đồng 5G. Đức là nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, vì thế quyết định của bà Merkel có thể mở đường cho các quốc gia châu Âu khác chấp nhận các sản phẩm của Huawei.
Điều đó, tất nhiên không thể khiến Mỹ hài lòng, không chỉ vì những lo ngại về an ninh và tổn thất về kinh doanh đối với các công ty Mỹ, mà còn vì những gì ý nghĩa chiến lược khác trong tương lai khi sức mạnh công nghệ Trung Quốc "chiếm lĩnh" được châu Âu.
Đây là một cuộc chiến về chuyển giao “hệ thống thần kinh của không chỉ nền kinh tế trong tương lai, mà cả xã hội rộng lớn, cho một quốc gia độc quyền", “một đối thủ cạnh tranh kinh tê và chiến lược với Mỹ” - chuyên gia về công nghệ và an ninh quốc gia Peter Singer, làm việc tại tổ chức tư vấn New America (ở Washington) nhận xét trên tờ Vox.
Điều đó có nghĩa là quyết định của Thủ tướng Merkel đã đưa Đức và châu Âu đứng vào trung tâm của một cuộc đối đầu Mỹ - Trung, mà kết quả của nó có thể quyết định diện mạo thế giới trong thời gian tới.
Tại sao châu Âu muốn 5G từ các công ty Trung Quốc, thay vì Mỹ
Theo Vox, ước tính tới năm 2024, khoảng 40% dân số thế giới, và khoảng 22 tỉ thiết bị, từ ô tô, tủ lạnh cho đến điện thoại di động, đèn giao thông, sẽ tham gia mạng lưới 5G. Với tốc độ nhanh hơn 100 lần so với công nghệ 4G hiện nay, các loại xe cộ sẽ hoạt động dễ dàng hơn ở chế độ tự lái, robot có thể tiến hành phẫu thuật thay bác sĩ, người dân có thể tải về những bộ phim dài độ phân giải cao chỉ trong vài giây.
Các công ty Mỹ như Verizon và AT&T hiện đã cung cấp truy cập 5G cho các khách hàng của mình. Vấn đề là họ không có đủ sức cạnh tranh khi đấu với những tập đoàn Trung Quốc như Huawei. Lý do là các công ty Trung Quốc đã tiếp cận với nhiều băng thông rộng kỹ thuật số hơn, khiến cho dịch vụ của họ nhanh hơn và đáng tin cậy hơn.
Điều này không xảy ra ngẫu nhiên. Các công ty được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã đầu tư mạnh để dẫn đầu về công nghệ 5G nhằm cung cấp dịch vụ rẻ nhất và tốt nhất cho hàng triệu người, thậm chí hàng tỉ người, trước khi các đối thủ Mỹ có thể bắt kịp. Nếu điều này xảy ra, các công ty viễn thông Trung Quốc sẽ lớn mạnh về cả vốn và uy tín, đủ sức cạnh tranh với những người khổng lồ Mỹ như Apple và Microsoft.
Trong khi đó, châu Âu đã tụt hậu rất xa đằng sau cả Mỹ và Trung Quốc trong công nghệ 5G, thậm chí có thể không triển khai được công nghệ này cho đến tận năm 2020 hoặc 2021. Vậy làm thế nào để thúc đẩy việc triển khai nhanh hơn? Rõ ràng, chỉ cần hợp tác với các nhà cung cấp 5G hàng đầu như của Trung Quốc để xây dựng nền tảng.
Chuyên gia Erik Brattberg, thuộc Quỹ Carnegie Vì hòa bình thế giới (CEIP - tại Washington) nhận định Huawei hiện đã bắt rễ sâu tại châu Âu và đã trở thành một phần quan trọng trong cách con người ở đây kết nối không dây. Vì vậy việc cho phép Huawei phát triển 5G tại châu Âu sẽ là một lựa chọn tự nhiên.
“Về cách nào đó, đã quá muộn để nói về một lệnh cấm”, ông Brattberg nói. Một ví dụ cho điều đó là Huawei đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với ít nhất 8 quốc gia châu Âu và đang tiến hành các thử nghiệm tại ít nhất 12 nước khác.
Mặc dù vậy cũng có những trở ngại. Ba Lan không mở cửa cho công nghệ 5G của Huawei. Anh đang xem xét lại toàn bộ sản phẩm của công ty này để đảm bảo sẽ không có lỗ hổng về an ninh, trong khi tình báo Đức khẳng định Huawei không đáng tin cậy.
Ba lý do để Mỹ lo ngại Huawei
Việc các nước châu Âu lựa chọn hợp tác với Huawei ở mức độ như thế nào sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa họ với Mỹ. “Nếu một quốc gia tiếp nhận [công nghệ Trung Quốc] và triển khai trong những hệ thống thông tin quan trọng của mình, chúng ta sẽ không thể tiếp tục hợp tác với họ”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo khi phát biểu với kênh Fox Business hồi tháng 2.
Khi được hỏi cụ thể Mỹ sẽ làm gì nếu các nước châu Âu chấp nhận công nghệ Huawei, ông Pompeo nói ông không bình luận cụ thể nhưng bổ sung rằng: “Chúng tôi sẽ không đặt thông tin của Mỹ vào rủi ro”.
Vox dẫn nhận định của chuyên gia Peter Singer cho rằng có ba lý do để Washington lo ngại về sự phát triển của công nghệ 5G từ Huawei.
Trước hết là mối quan tâm về an ninh mạng truyền thống. Mỹ lo ngại bất kỳ điều gì đi qua công nghệ Huawei đều có thể trở thành thông tin tình báo cho Trung Quốc, mặc dù công ty này đã phủ nhận họ sẽ làm gián điệp cho chính phủ. "Bất chấp những nỗ lực nhằm tạo ra nỗi sợ hãi về Huawei và dùng chính trị để can thiệp vào phát triển công nghiệp, chúng tôi tự hào nói rằng các khách hàng vẫn tiếp tục tin tưởng chúng tôi”, ông Ken Hu, một chủ tịch luân phiên của Huawei từng phát biểu với phóng viên hồi tháng 12/2018.
Tuy nhiên luật pháp Trung Quốc cho phép chính phủ sử dụng bất cứ thứ gì họ cần để theo dõi thông tin vì mục đích an ninh quốc gia. Vì vậy nếu Bắc Kinh muốn sử dụng Huawei để hoạt động gián điệp, thì điều đó vẫn có khả năng xảy ra.
Thứ hai, ngày hôm nay bạn hầu như có thể đảm bảo an ninh – giống như kiểm tra xem có bất kỳ “cửa sau” nào không - nhưng điều đó chỉ kéo dài cho đến khi cập nhật phần mềm tiếp theo. Cho tới lúc này, không có bằng chứng công khai nào về việc Huawei thực sự hoạt động gián điệp cho Trung Quốc, nhưng tình hình có thể thay đổi.
Thứ ba là, khi Huawei và các công ty Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, họ càng có nhiều quyền lực trên thế giới. Điều đó làm tăng nguy cơ độc quyền, đồng nghĩa với mối nguy hiểm tiềm tàng khi các công ty này liên quan tới chính phủ.
Cho đến nay nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn các đồng minh sử dụng công nghệ Huawei đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia. Nhật Bản, Australia và New Zealand đã cấm các sản phẩm của Huawei, và Canada hồi tháng 12/2018 đã bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ với lý do vi phạm lệnh trừng phạt chống Iran.
Tuy nhiên thông báo mới nhất của Thủ tướng Đức cho thấy cuộc đối đầu Mỹ - Trung vẫn căng thẳng và sẽ còn tăng cao hơn khi những người bạn của Mỹ cân nhắc sử dụng công nghệ của đối thủ.