Tập trung vào ý tưởng “thế giới là một gia đình” cho nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm 2023, kết quả hội nghị đã phần nào nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ trong việc thúc đẩy hợp tác và đoàn kết quốc tế.
Đây có thể coi là thành công của nước chủ nhà Ấn Độ bởi giới quan sát từng cho rằng vấn đề Ukraine sẽ cản trở các nhà lãnh đạo G20 đạt đồng thuận về mọi tuyên bố chung, chứ đừng nói đến khả năng ra được một tuyên bố sớm. Trước đó, sự chia rẽ liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine đã được thể hiện qua việc hàng loạt cuộc họp cấp bộ trưởng G20 không thể ra được tuyên bố chung. Bên cạnh đó, việc nguyên thủ Nga và Trung Quốc vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng khiến dư luận cho rằng Ấn Độ sẽ gặp khó trong lần đầu tiên tổ chức sự kiện quan trọng này. Những khó khăn nói trên làm dấy lên suy đoán rằng Hội nghị G20 do Ấn Độ đăng cai có thể đi vào lịch sử là hội nghị đầu tiên không đưa ra được tuyên bố của các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề sẽ quyết định uy tín quốc tế của G20.
Tuyên bố chung của hội nghị tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và đã đưa ra kế hoạch hành động phù hợp. Tuyên bố dự tính một hiệp ước phát triển xanh cho một tương lai bền vững, ủng hộ các nguyên tắc cấp cao về lối sống để phát triển bền vững... Tuyên bố chung nêu rõ mỗi năm, thế giới cần tổng cộng 4.000 tỷ USD hỗ trợ ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, kêu gọi tăng cường nỗ lực hướng tới việc giảm dần sử dụng than đá. Các nước G20 nhất trí hỗ trợ các ngân hàng phát triển đa phương cải cách nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đồng thời chấp nhận đề xuất về các quy định chặt chẽ hơn đối với tiền điện tử.
Liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, tuyên bố kêu gọi tất cả các nước duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định. G20 khẳng định hoan nghênh tất cả các sáng kiến liên quan và mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Tuyên bố cũng kêu gọi khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm đảm bảo nguồn cung an toàn của ngũ cốc, thực phẩm, phân bón từ Ukraine và Nga ra thị trường thế giới.
Nội dung tuyên bố chung cho thấy Ấn Độ có thể dung hòa được tất cả các thành viên G20. Ấn Độ đã thể hiện khả năng vận dụng ngôn từ uyển chuyển trong tuyên bố để tất cả các bên đều cảm thấy rằng quan điểm của mình được phản ánh một cách cân bằng, thỏa đáng.
Nhiều chuyên gia coi các kết quả đạt được và Tuyên bố New Delhi là một thành công trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Narendra Modi khi ông thúc đẩy tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ trên trường thế giới. Theo ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, việc đạt đồng thuận về Tuyên bố New Delhi - đặc biệt trong thời điểm phân cực toàn cầu hiện nay - là sự tôn vinh những nỗ lực của Chủ tịch G20. Ông cho rằng điều này “cũng phản ánh vai trò của Ấn Độ với tư cách là nhà lãnh đạo của khu vực Nam bán cầu và các nước đang phát triển, cho thấy khả năng của Ấn Độ với tư cách là người xây dựng cầu nối, về mặt chính trị và địa lý”.
Đồng quan điểm với ông Dujarric, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá hội nghị thượng đỉnh G20 là một thành công đối với Ấn Độ cũng như Nam bán cầu. Trong khi đó, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Tập đoàn Rand, bình luận: “Tuyên bố New Delhi thể hiện tiếng nói của khu vực Nam bán cầu mới nổi....”. Ông Michael Schuman - thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhấn mạnh với cách tiếp cận ngoại giao của mình, Ấn Độ đã trở thành nhân tố đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Theo chuyên gia này, chính quyền của Thủ tướng Modi đã cho thấy một tầm nhìn khác về mối quan hệ giữa các nước phát triển và đang phát triển, đó là mối quan hệ không mang tính đối đầu. Là một trong số ít nước có mối quan hệ lâu dài với các quốc gia đang phát triển và gần đây đã nhanh chóng tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia phương Tây, Ấn Độ được đánh giá là có khả năng kết nối các bên đối đầu nhau. Đây là một trong những lý do khiến ảnh hưởng của New Delhi ngày càng tăng trong G20.
Tuyên bố New Delhi mang lịch sử của G20 một lần nữa chứng minh rằng giới lãnh đạo Ấn Độ có khả năng tạo ra sự đồng thuận, dựa trên mối quan hệ với các bên chủ chốt, sự hiểu biết sâu sắc về điều gì thúc đẩy họ và khả năng gia tăng giá trị cho bất kỳ bên nào thông qua việc sử dụng ngôn ngữ của lợi ích chung và riêng. Bên cạnh đó, tuyên bố cũng cho thấy các thành viên G20 có khả năng đạt sự đồng thuận về bất cứ vấn đề gì nếu đoàn kết và hợp tác, gạt đi những khác biệt để cùng nhau giải quyết những thách thức chung.