Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã thực hiện Kế hoạch Marshall để giúp Tây Âu phục hưng kinh tế, can thiệp sâu vào các vấn đề của châu Âu. Đồng thời, Mỹ cũng bắt tay với Canada và các nước thành viên Hiệp ước Brusells (Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg) thành lập một liên minh quân sự mang tên NATO, với Hiệp ước Washington ký ngày 4/4/1949.
Mục đích ban đầu của tổ chức gồm 12 nước phương Tây này là tạo đối trọng với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu.
Sự ra đời của NATO đã dẫn đến việc năm 1952, Liên Xô và các nước Đông Âu ký Hiệp ước Vacsava để thiết lập một khối quân sự đối trọng hùng mạnh, khiến châu Âu hình thành 2 khối quân sự đối đầu kéo dài trong suốt nửa sau của thế kỷ XX. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 dẫn đến sự giải thể của khối Hiệp ước Vacsava và Liên Xô tan rã năm 1991, kéo theo sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, NATO vẫn tồn tại, tiếp tục mở rộng phạm vi địa lý và ảnh hưởng địa chính trị dù lý do ban đầu đã biến mất. Thậm chí tổ chức này còn kết nạp thêm thành viên, bao gồm các nước Đông Âu và một số nước CH thuộc Liên Xô trước đây, nâng tổng số thành viên hiện nay lên 32 nước.
Nhằm biện minh cho sự tồn tại và mở rộng, NATO liên tục tìm cách điều chỉnh học thuyết bằng việc đề cập đến các nguy cơ mới đe dọa lợi ích quốc gia của các nước thành viên, chẳng hạn xung đột sắc tộc ở LB Nam Tư trước đây, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố quốc tế hoặc cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Với những điều chỉnh này, NATO đã mở rộng phạm vi hoạt động qua nhiều chiến dịch can thiệp quân sự ở bên ngoài lãnh thổ các nước thành viên, như tại Bosnia - Herzegovina (1992 - 1995), tiến hành không kích CH Serbia (1999). Sau các vụ tấn công 11/9/2001 tại Mỹ, với lý do "tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố", NATO can thiệp quân sự tại Afghanistan, Iraq và Libya.
Mặc dù vậy, học thuyết của NATO qua các thời kỳ luôn hàm chứa Nga như một thách thức tiềm tàng, kể cả trong những năm 2010, khi Nga trở thành một đối tác của khối này (sau sự ra đời của Hội đồng NATO - Nga) và quan hệ giữa hai bên được cho là êm ả nhất. Hiềm khích thường trực giữa Nga và NATO chủ yếu bắt nguồn từ việc liên minh quân sự này, bất chấp các cam kết với Moskva, liên tục mở rộng về phía Đông, kết nạp cả các nước sát biên giới Nga.
Như một hệ quả, căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm khi Ukraine công khai ý định gia nhập NATO và Nga triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn chưa từng có dọc biên giới với nước láng giềng vào năm 2021. Động thái của Nga và sự cứng rắn của NATO đã tạo nên một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ hai bên kể từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine tháng 2/2022 đã hối thúc NATO “đoàn kết hơn bao giờ hết” hướng tới mục tiêu bằng mọi giá phải làm Nga thất bại về mặt chiến lược. Kết quả, Hội đồng NATO - Ukraine ra đời và các nước thành viên ra sức viện trợ quân sự cho Kiev, đẩy căng thẳng giữa Nga và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương lên đỉnh điểm.
Trải qua 75 năm tồn tại, có thể nói lịch sử của NATO gần như là lịch sử gắn với cái gọi là “mối đe dọa” Nga (trước đây là Liên Xô). Với cuộc chiến tại Ukraine, NATO đã thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển chấm dứt chính sách trung lập và không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập niên để nhanh chóng gia nhập liên minh này.
Qua 3/4 thế kỷ, thông qua việc kết nạp thêm 20 thành viên và mở rộng ảnh hưởng tới sát biên giới Nga, NATO đã có cơ hội "hồi sinh" theo đúng nghĩa sau giai đoạn được cho là suy yếu và đứng trước nguy cơ "rã đám" khi ông Donald Trump nắm quyền tại Mỹ. Thậm chí khi đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn tuyên bố tổ chức này đã “chết não” và đề nghị thay thế bằng một hệ thống phòng thủ châu Âu tự chủ hơn.
Việc tăng thành viên cũng khiến sức mạnh phòng thủ của NATO được thúc đẩy, nhất là khi các nước NATO ở châu Âu nâng ngân sách quốc phòng lên mức từ 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trở lên. Với chiến lược “Đông tiến”, từ chính trị đến kinh tế và cuối cùng là quân sự - quốc phòng, NATO đã dần thu hút các nước thuộc không gian hậu Xô Viết trở thành thành viên, qua đó triển khai lực lượng và vũ khí ở quy mô đáng kể tại sườn phía Đông giáp Nga.
Không chỉ liên tục mở rộng về phía Đông, tăng mạnh số quốc gia thành viên, NATO ngày càng thể hiện tham vọng vươn tầm ảnh hưởng ngoài không gian châu Âu-Đại Tây Dương và những mục tiêu truyền thống. Khả năng NATO trở thành một tổ chức mang tính toàn cầu đã được một số người nghĩ tới trước những dấu hiệu NATO tìm cách thúc đẩy liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong Khái niệm chiến lược mới công bố năm 2022, ngoài việc xem Nga là "mối đe dọa rõ rệt và trực tiếp nhất đối với an ninh của khối", NATO cũng đề cập đến Trung Quốc như một thách thức và một đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, qua 3/4 thế kỷ, NATO đã trải qua không ít chia rẽ, lục đục nội bộ. Hình ảnh của NATO cũng phần nào bị tổn hại do những chiến dịch can thiệp quân sự được cho vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ, gây thương vong cho dân thường. Năm 1999, với lý do "bảo vệ người gốc Albania ở Kosovo", NATO mở chiến dịch ném bom kéo dài 78 ngày ở Serbia, mặc dù không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chấp thuận.
Các máy bay NATO tiến hành 2.300 vụ không kích, tấn công 995 mục tiêu khác nhau, khiến 3.500 - 4.000 người Nam Tư thiệt mạng, 10.000 bị thương, trong đó 2/3 là dân thường. Năm 2011, NATO từng can thiệp dẫn đến sự thay đổi chế độ ở một quốc gia có chủ quyền. Quy mô chiến dịch của NATO ở Libya khi đó đã bị đặt dấu hỏi. Theo báo cáo của NATO, các máy bay chiến đấu của khối đã thực hiện trung bình 150 đợt không kích mỗi ngày tại Libya. NATO thừa nhận hàng trăm hoặc thậm chí là hàng nghìn dân thường thiệt mạng trong các đợt không kích này.
Bên cạnh đó, quá trình Đông tiến của NATO, dù giúp liên minh tăng cường sức mạnh, song cũng gây hệ lụy đối với an ninh châu Âu. Cuộc “Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0” giữa NATO và Nga đang gây chia rẽ và phân cực sâu sắc, không chỉ cản trở hợp tác quốc tế trong việc giải quyết hàng loạt thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, mà còn đẩy hai bên vào thế đối đầu trực tiếp với nguy cơ của một cuộc "Chiến tranh nóng" có thể gây hậu quả khôn lường đối với khu vực và thế giới.
Ở cột mốc kỷ niệm 75 năm thành lập, có thể thấy NATO vẫn là khối quân sự lớn nhất thế giới, với vai trò và ảnh hưởng đáng kể tới cục diện an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, việc tăng sức mạnh qua chiến dịch Đông tiến có thực sự đem lại sự bảo đảm về an ninh cho các nước thành viên hay không, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.