Theo CNN, năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đề nghị chi 100 triệu USD để xây dựng khu vườn Trung Hoa được trang trí công phu tại Vườn ươm Quốc gia ở thủ đô Washington DC. Với những đền, chòi và một ngôi chùa cao 21 mét, dự án đã khiến các quan chức địa phương phấn khích với hy vọng nó sẽ thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm.
Nhưng khi các quan chức phản gián Mỹ bắt đầu tìm hiểu kỹ về dự án, họ phát hiện những chi tiết đáng ngờ. Họ lưu ý rằng chùa được đặt ở vị trí chiến lược tại một trong những điểm cao nhất ở Washington DC, chỉ cách Điện Capitol của Mỹ chừng hai dặm, một địa điểm hoàn hảo để thu thập thông tin tình báo.
Các nguồn tin cho CNN hay điều đáng báo động nữa là các quan chức Trung Quốc muốn xây dựng ngôi chùa bằng vật liệu được chuyển đến Mỹ trong các túi ngoại giao, mà Hải quan Mỹ bị cấm kiểm tra.
Các quan chức liên bang đã âm thầm loại bỏ dự án trước khi quá trình xây dựng được tiến hành. Khu vườn bị hủy bỏ là một phần của hoạt động phản gián do FBI và các cơ quan liên bang khác tập trung vào cái mà họ gọi là sự leo thang mạnh mẽ của hoạt động gián điệp Trung Quốc trên đất Mỹ trong thập kỷ qua.
Kể từ ít nhất là năm 2017, các quan chức liên bang đã điều tra việc mua đất của Trung Quốc gần các cơ sở hạ tầng quan trọng, đóng cửa một lãnh sự quán cấp cao trong khu vực mà Chính phủ Mỹ cho là liên quan hoạt động gián điệp và ngăn chặn đặt các thiết bị nghe lén gần các cơ sở nhạy cảm quân sự và chính quyền.
Trong số những điều đáng báo động nhất mà FBI đã phát hiện ra có liên quan đến thiết bị do công ty Huawei sản xuất đặt trên đỉnh tháp thông tin di động gần các căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng Trung Tây. Theo nhiều nguồn thạo tin, FBI xác định thiết bị này có khả năng bắt và làm gián đoạn liên lạc bí mật cao của Bộ Quốc phòng, bao gồm cả những thiết bị được Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát vũ khí hạt nhân của nước này, sử dụng.
Mặc dù những lo ngại về thiết bị Huawei đặt gần các cơ sở quân sự của Mỹ đã được biết đến nhiều, nhưng sự tồn tại của cuộc điều tra này và những phát hiện của nó chưa từng được công bố. Cuộc điều tra khởi nguồn ít nhất là từ thời Tổng thống Barack Obama. Đài CNN đã tìm hiểu từ hơn một chục nguồn tin, bao gồm cả các quan chức an ninh quốc gia hiện tại và cựu quan chức an ninh quốc gia, để hé lộ về cuộc điều tra này.
Không rõ liệu cộng đồng tình báo Mỹ có xác định được liệu có dữ liệu nào thực sự bị chặn và gửi đi từ những tòa tháp viễn thông có gắn thiết bị Huawei kể trên hay không.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ mọi cáo buộc về nỗ lực do thám Mỹ. Trong một tuyên bố với CNN, Huawei cũng phủ nhận rằng thiết bị của họ có khả năng hoạt động trong bất kỳ phổ thông tin liên lạc nào được phân bổ cho Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra nói với CNN rằng không có nghi ngờ gì khi thiết bị Huawei có khả năng chặn không chỉ lưu lượng thông tin thương mại mà còn cả các sóng radio bảo mật cao được dùng trong thông tin liên lạc của Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ.
Một cựu quan chức FBI am hiểu về cuộc điều tra cho biết: “Việc này liên quan đến một số điều nhạy cảm nhất mà chúng tôi làm. Nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng của chúng tôi trong chỉ huy và kiểm soát thiết yếu với bộ ba hạt nhân”.
Các cựu quan chức coi những phát hiện của cuộc điều tra là rất quan trọng. Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách cấp cao trong Nhà Trắng và các nơi khác trong chính phủ đã không được báo cáo về sự tồn tại của nó cho đến năm 2019, theo hai nguồn tin am hiểu với vấn đề này.
Vào mùa thu năm đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã ra quy định cấm các hãng viễn thông nhỏ sử dụng thiết bị của Huawei và một số thương hiệu khác của Trung Quốc. Tiếp đó, năm 2020, Quốc hội Mỹ phê duyệt kế hoạch 1,9 tỷ USD để loại bỏ công nghệ di động của Huawei và ZTE, Trung Quốc trên nhiều vùng nông thôn nước Mỹ.
Nhưng hai năm sau, vẫn không có thiết bị nào trong số đó được gỡ bỏ và các công ty viễn thông nông thôn vẫn đang chờ đợi khoản tiền bồi hoàn của liên bang. FCC đã nhận được đơn yêu cầu loại bỏ khoảng 24.000 thiết bị liên lạc do Trung Quốc sản xuất - nhưng theo cập nhật ngày 15/7 từ ủy ban, số tiền mà tổ chức này cần để hoàn trả cho tất cả các công ty đủ điều kiện là hơn 3 tỷ USD.
Không được Quốc hội duyệt thêm tiền, FCC cho biết họ có kế hoạch chỉ hoàn trả khoảng 40% chi phí loại bỏ thiết bị Huawei. FCC không chỉ định khung thời gian khi nào tiền sẽ được giải ngân.
Cuộc điều tra nhằm vào Huawei
Vào cuối năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã chuyển những lo ngại an ninh quốc gia về thiết bị của Huawei lên Bộ Thương mại và cung cấp thông tin về nơi thiết bị được đặt ở Mỹ - theo một cựu quan chức thực thi pháp luật cấp cao nói với CNN.
Sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra riêng đối với Huawei để xác định xem có cần phải hành động khẩn cấp hơn để loại bỏ nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc khỏi các mạng viễn thông của Mỹ hay không. Tùy thuộc vào những gì Bộ Thương mại phát hiện, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Mỹ có thể buộc phải nhanh chóng gỡ bỏ thiết bị của Huawei hoặc đối mặt với án phạt tiền hay các hình phạt khác.
Các quan chức phản gián Mỹ gần đây không e ngại công khai các mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong tháng này, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo đối với các doanh nghiệp Mỹ và chính quyền địa phương và tiểu bang về những gì họ cho là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thao túng để ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ.
Giám đốc FBI Christopher Wray vừa đến London dự cuộc họp chung với các quan chức thực thi pháp luật hàng đầu Anh nhằm kêu gọi sự chú ý đến các mối nguy cơ từ Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, ông Wray cho biết cứ sau mỗi 12 tiếng, FBI lại mở một cuộc điều tra phản gián mới nhằm vào Trung Quốc. Ông nói: “Có lẽ là khoảng 2.000 cuộc điều tra”, và lưu ý rằng vào năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi kiện Huawei với cáo buộc âm mưu gian lận và âm mưu đánh cắp bí mật thương mại.
Thiết bị giá rẻ của Huawei tràn ngập vùng nông thôn Mỹ
Trong nhiều năm, các nhà cung cấp viễn thông nhỏ ở nông thôn Mỹ đã lắp đặt các bộ định tuyến (router) rẻ hơn, do Trung Quốc sản xuất và các công nghệ khác trên đỉnh tháp di động (Cell Tower) và các nơi khác. Trên hầu hết các khu vực thưa thớt dân cư ở miền Tây Mỹ, các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ này là lựa chọn duy nhất để phủ sóng di động. Và nhiều nơi đã chuyển sang dùng thiết bị Huawei vì chi phí rẻ và ổn định hơn.
Bắt đầu từ cuối năm 2011, Viaero, nhà cung cấp viễn thông lớn nhất trong khu vực, đã ký hợp đồng với Huawei để cung cấp thiết bị cho việc nâng cấp lên 3G. Một thập kỷ sau, công ty này đã lắp đặt công nghệ của Huawei trên toàn bộ tháp của mình, khoảng 1.000 công trình trải rộng trên 5 bang miền Tây.
Khi thiết bị của Huawei hiện diện gần các căn cứ quân sự của Mỹ, các nhà điều tra liên bang bắt đầu chú ý. Điều đặc biệt quan tâm là Huawei thường bán thiết bị giá rẻ cho các nhà cung cấp ở nông thôn trong những trường hợp có vẻ như không có lợi cho họ, nhưng lại đặt thiết bị của mình gần các tài sản quân sự Mỹ.
Kiểm tra các thiết bị của Huawei, các nhà điều tra FBI xác định nó có thể nhận ra và làm gián đoạn liên lạc phổ DOD — ngay cả khi đã được FCC chứng nhận, theo một nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra.
Sau khi kết quả của cuộc điều tra được thông báo cho Nhà Trắng thời Tổng thống Trump vào năm 2019, FCC đã yêu cầu các công ty viễn thông nhận trợ cấp liên bang cung cấp dịch vụ di động cho các khu vực hẻo lánh — các công ty như Viaero — phải "tách bỏ và thay thế" các thiết bị của Huawei và ZTE.
Vấn đề lúc này là chi phí bồi hoàn có thể cao hơn gấp đôi con số 1,9 tỉ USD đã được phê duyệt và khi không có khoản trích lập bổ sung từ Quốc hội, FCC chỉ có kế hoạch hoàn trả cho các công ty viễn thông một phần chi phí.
DiRico, Giám đốc điều hành của Viaero, cho biết chi phí "loại bỏ và thay thế" thiết bị Huawei là rất cao và ông không tin số tiền hoàn trả đủ để bù đắp. Nhưng theo FCC, Viaero dự kiến bắt đầu loại bỏ thiết bị trong năm tới.