Trong bối cảnh giữa các nước thành viên vẫn còn tồn tại một số bất đồng, việc ngoại trưởng các nước tìm được tiếng nói chung trong cách thức tiếp cận các vấn đề quốc tế cấp bách được giới quan sát đánh giá là kết quả thành công, qua đó tạo nền tảng cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới.
Là nước giữ vai trò Chủ tịch G7 trong năm nay, Nhật Bản đã thể hiện vai trò tích cực, chủ động trong việc hàn gắn và thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên, cũng như thực hiện chủ trương, hành động nhằm nâng cao vai trò và vị thế của nhóm trong việc giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu. Ngay trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã nhấn mạnh rằng Hội nghị ngoại trưởng G7 sẽ thúc đẩy mối quan hệ cá nhân và lòng tin giữa ngoại trưởng các nước, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên.
Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thể hiện sự thống nhất mạnh mẽ của các nước G7 trong việc tái khẳng định cam kết cùng nhau giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, mất đa dạng sinh học, y tế, an ninh lương thực và năng lượng, cũng như duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ). Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các đối tác cùng tham gia trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách và hợp tác để xây dựng một tương lai tốt đẹp, thịnh vượng và an toàn hơn.
Là khu vực chiếm hơn một nửa dân số thế giới với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nhiều tuyến đường biển, đường hàng không huyết mạch mang ý nghĩa sống còn đối với thương mại và kinh tế toàn cầu, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng mang tính chiến lược đối với các nước trên thế giới, trong đó có G7. Điều này lý giải vì sao khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành một trong những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này. Tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 khẳng định lập trường đề cao tầm quan trọng của việc đoàn kết giải quyết những vấn đề địa chính trị đang ngày càng phức tạp trong khu vực, đồng thời hợp tác để hiện thực hóa một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, thịnh vượng, an toàn, giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Trong định hướng tăng cường hợp tác liên quan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nhà ngoại giao hàng đầu của G7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác với Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và như một phần trong khuôn khổ G7, thường xuyên tiến hành thảo luận và tăng cường hợp tác liên quan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc đảo Thái Bình Dương cũng được nêu bật như một trong những ưu tiên của các nước G7 nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Bên cạnh quan điểm khá cứng rắn trong các vấn đề liên quan tới Trung Quốc hay Nga, các ngoại trưởng G7 cũng nỗ lực tìm kiếm một cách tiếp cận cân bằng, hài hòa hơn. G7 phản đối "hoạt động quân sự hóa" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng ghi nhận sự cần thiết hợp tác với Trung Quốc trong các thách thức toàn cầu cũng như các lĩnh vực cùng quan tâm, bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, an ninh y tế toàn cầu và bình đẳng giới, đồng thời khẳng định sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định thông qua đối thoại và thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tương tự, trong quan hệ với Nga cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine, G7 tuyên bố sẽ tăng cường phối hợp để ngăn chặn các nước cung cấp vũ khí hoặc giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, G7 đã không công bố biện pháp trừng phạt mới nào đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine, qua đó phần nào tránh làm gia tăng thêm căng thẳng.
Ngoài trọng tâm là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các ngoại trưởng G7 cũng khẳng định sự hợp tác để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Trung Đông - Bắc Phi; hướng tới tăng cường hợp tác với các quốc gia Trung Á để giải quyết các thách thức trong khu vực; làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với các quốc gia châu Phi. G7 cũng đề cao tầm quan trọng của việc củng cố sự hợp tác với các nước ở Mỹ Latinh và Caribe nhằm giải quyết những thách thức kinh tế, thiên tai và biến đổi khí hậu, thúc đẩy thương mại, đầu tư.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nữa tại hội nghị lần này là ngoại trưởng các nước G7 đã bày tỏ sự đồng thuận trong vấn đề an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, qua đó thể hiện vai trò đi đầu của các cường quốc trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và bền vững. Tuyên bố chung nêu rõ G7 tái khẳng định quyết tâm giảm mức tiêu thụ năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, đẩy nhanh quá trình phát triển và triển khai năng lượng sạch, an toàn và bền vững, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhằm đẩy nhanh quá trình loại bỏ carbon khỏi các hệ thống năng lượng toàn cầu. G7 cũng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và bền vững nhằm đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C.
Là cuộc họp quan trọng cho vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại, kết quả thảo luận của các ngoại trưởng G7 lần này được xem là bản phác thảo cho chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới ở Hiroshima, Nhật Bản. Trong bối cảnh những thách thức mà G7 nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt ngày càng phức tạp và cấp bách, quan trọng hơn cả là G7 tìm ra cách phối hợp các hoạt động tập thể để biến nội dung các cam kết thành hành động có ý nghĩa thực sự. Đây cũng là điều mà Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới cần hướng đến.