Theo tạp chí Financial Times (Anh), giá nhiên liệu tăng cao tại Mỹ đang gây báo động ở Nhà Trắng ngay khi Tổng thống Joe Biden đẩy mạnh nỗ lực tái tranh cử thông qua cam kết kiềm chế lạm phát thấp hơn và tăng cường sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Chi phí xăng dầu tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng sau khi giá dầu thô toàn cầu tăng 20% trong mùa hè này, do ảnh hưởng từ việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung. Động thái này đã làm trỗi dậy những dự báo về mức giá 100 USD/thùng trong năm nay, cùng với những lo ngại mới về hậu quả chính trị.
Ông Bob McNally, người đứng đầu công ty tư vấn Rapidan Energy Group có trụ sở tại Washington và là cựu cố vấn của tổng thống George W Bush, cho biết: “Nhà Trắng đang ở trong tình trạng hoảng loạn toàn diện. Bất kỳ tổng thống đương nhiệm nào cũng bị đe dọa khi giá xăng dầu tăng lên vì ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng cũng như tỷ lệ ủng hộ của tổng thống”.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền đang tiếp tục giám sát chặt chẽ giá xăng dầu, song lưu ý rằng giá vẫn giảm hơn 1 USD kể từ mức cao nhất của mùa hè năm ngoái.
Tuần trước, Riyadh đã có nguy cơ chọc giận Nhà Trắng khi thông báo rằng họ sẽ gia hạn và cân nhắc cắt giảm sâu hơn nữa sản lượng dầu hiện nay, bất chấp việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) cảnh báo rằng thị trường dầu thô sẽ thắt chặt đáng kể trong những tháng tới. Ngày 5/8, Riyadh tiếp tục tăng giá bán dầu ở thị trường châu Á.
Trong hai năm qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi Saudi Arabia bơm thêm dầu. Năm ngoái, Washington cáo buộc nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (Opec+) liên kết với Nga trong việc tiến hành giai đoạn cắt giảm nguồn cung hiện tại.
Lần tăng giá nhiên liệu gần nhất tại Mỹ bao gồm cả dầu diesel - một chi phí đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp - xuất hiện khi có hy vọng rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) có thể thiết kế một cú “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ sau nhiều tháng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Tổng thống Biden những tuần gần đây đã mạnh mẽ ca ngợi chính sách kinh tế “Bidenomics” của ông, dựa trên tín hiệu hạ nhiệt lạm phát và tạo ra số lượng việc làm kỷ lục.
Nhưng các đối thủ thuộc đảng Cộng hòa của ông Biden trong cuộc bầu cử năm 2024 đã bám vào vấn đề tăng giá nhiên liệu gần đây để đổ lỗi cho chính quyền về điều mà Thống đốc Florida Ron DeSantis gọi là “cuộc chiến tranh năng lượng của Mỹ”. Đó là một tín hiệu cho thấy các đòn tấn công của đảng Cộng hòa trong tương lai nếu giá xăng tiếp tục tăng.
Dầu thô chuẩn quốc tế Brent chạm mức cao nhất trong 4 tháng là 86,65 USD/thùng vào hôm 4/8 sau vụ máy bay không người lái của Ukraine tấn công các tàu quân sự tại cảng dầu Novorossiysk của Nga ở Biển Đen. Một tàu chở dầu của Nga sau đó cũng bị tấn công gần Crimea, làm gia tăng lo ngại rằng cuộc phản công của Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng. Giá dầu của Mỹ và quốc tế gần đạt mức cao nhất trong năm.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tuần trước cho biết nhu cầu dầu toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới là 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7, trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không và đường bộ tăng mạnh vào mùa hè, khả năng phục hồi kinh tế ở Mỹ và Ấn Độ cũng như nhu cầu dầu mạnh hơn dự kiến từ Trung Quốc.
Ông Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman cho biết: “Những lo ngại về suy thoái kinh tế và sự bùng nổ của Trung Quốc đã giảm đi rất nhiều trong 3 - 4 tuần qua và điều đó đã khiến các nhà đầu tư quan tâm trở lại dầu mỏ”.
Công ty tư vấn Enverus tin rằng nhu cầu toàn cầu tăng cao và tăng trưởng nguồn cung yếu sẽ đưa dầu Brent lên 100 USD/thùng trước cuối năm nay.
Giá xăng dầu trung bình của Mỹ đã giảm vào năm ngoái sau khi tăng lên ngưỡng kỷ lục do ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine. Nhưng chúng đã tăng gần 10% trong tháng qua, lên 3,83 USD/gallon và vẫn cao hơn khoảng 60% so với thời điểm ông Biden nhậm chức.
Các chính trị gia từ Washington đến châu Âu đang chuẩn bị cho hậu quả từ đợt tăng giá nhiên liệu mới. Chính phủ của ông Rishi Sunak ở Anh trong tuần này đã nuôi hy vọng rằng các mỏ dầu và khí đốt ở Biển Bắc có thể giúp họ tăng cường an ninh năng lượng, bất chấp các cam kết về biến đổi khí hậu.
Phó chủ tịch tập đoàn S&P Global Dan Yergin nhận định: “Nếu chúng ta bước vào mùa thu với nhu cầu tăng và nguồn cung khan hiếm, điều đó sẽ tiếp tục gây ra áp lực tăng giá. Và bạn đã có thể thấy nỗi lo ngại xuất hiện Washington”.
Những người theo dõi thị trường cũng lo ngại rằng Nga có thể vũ khí hóa xuất khẩu dầu vào năm tới để cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Mỹ, theo cách tương tự như quyết định cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vào năm ngoái.
Ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố ông sẽ cố gắng buộc Ukraine đàm phán với Nga nếu thắng cử, và giá xăng dầu tăng có khả năng ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử sắp diễn ra.
Các nhà phân tích cho rằng Nhà Trắng sẽ có ít sức mạnh để ngăn chặn các đợt tăng giá mới sau khi xả kho dự trữ khẩn cấp vào năm ngoái để hạ nhiệt thị trường dầu mỏ, khiến Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược ở mức thấp nhất kể từ năm 1984.
Giới phân tích nhận định Mỹ có thể cần phải nhờ nhà lãnh đạo OPEC là Saudi Arabia giúp đỡ một lần nữa, mặc dù ông Biden ít có khả năng gây ảnh hưởng đến chính sách cung cấp dầu của Riyadh hơn ông Trump.
Chuyên gia Helima Croft tại tập đoàn RBC Capital Markets cho rằng khi mà việc xả kho dự trữ không còn là một lựa chọn dễ dàng để giảm giá dầu, một giải pháp khác của Nhà Trắng là đảm bảo có mối quan hệ tốt hơn với Saudi Arabia để đảm bảo Riyadh can thiệp nếu giá dầu vượt quá tầm kiểm soát.