Tổng thống Vladimir Putin ngày 25/3 tuyên bố Nga và Belarus đã đạt được thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus. Động thái này dường như là một nỗ lực mới của Moskva nhằm nâng cao lợi ích trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Động thái trên diễn ra sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga và các quan chức hàng đầu của ông rằng Moskva sẵn sàng sử dụng "mọi phương tiện sẵn có" để bảo vệ lãnh thổ của mình. Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia có đường biên giới dài với Ukraine, có thể cho phép Nga tiếp cận các mục tiêu tiềm năng ở đó dễ dàng và nhanh chóng hơn. Phương Tây cũng lo ngại, động thái này cũng sẽ mở rộng khả năng của Nga nhằm vào một số thành viên NATO ở Đông và Trung Âu.
Tổng thống Putin giải thích như thế nào về bước đi của mình
Ông Putin cho biết Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus từ lâu đã hối thúc Moskva bố trí vũ khí hạt nhân tại Belarus, đồng minh gần gũi của Nga, từng cho phép lực lượng Nga sử dụng lãnh thổ để tiến quân tấn công nước láng giềng Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Nga đã giúp hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu Belarus với khả năng mang vũ khí hạt nhân - điều mà nhà lãnh đạo Lukashenko đã nhiều lần đề cập.
Trong bài phát biểu hôm 25/3, Tổng thống Putin cho biết nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là quyết định của Anh cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo. Ông Putin tuyên bố rằng những quả đạn như vậy có thành phần hạt nhân, và Nga sẽ có phản ứng tương xứng.
Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng, bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, Nga chỉ làm đúng những gì mà Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ qua khi đặt vũ khí hạt nhân của họ ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cáo buộc rằng động thái của Nga không vi phạm hiệp ước quốc tế cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, mặc dù trước đó Moskva lập luận rằng Mỹ đã vi phạm hiệp ước với việc triển khai vũ khí này trên lãnh thổ của các đồng minh NATO.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì
Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm tiêu diệt quân địch và các loại vũ khí trên chiến trường. Chúng có tầm bắn tương đối ngắn và công suất thấp hơn nhiều so với đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa chiến lược tầm xa có khả năng hủy diệt toàn bộ thành phố.
Không giống như vũ khí chiến lược, vốn là đối tượng của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Moskva và Washington, vũ khí chiến thuật chưa bao giờ bị hạn chế bởi bất kỳ hiệp ước nào như vậy và Nga không công bố số lượng hoặc bất kỳ chi tiết cụ thể nào khác liên quan đến kho vũ khí này.
Chính phủ Mỹ tin rằng Nga có khoảng đơn vị 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, bao gồm bom có thể mang theo trên máy bay, đầu đạn gắn tên lửa tầm ngắn và đạn pháo.
Trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược được trang bị cho các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền hoặc trên tàu ngầm luôn sẵn sàng để phóng, vũ khí hạt nhân chiến thuật được cất giữ tại một số cơ sở lưu trữ được bảo vệ nghiêm ngặt ở Nga và cần có thời gian để chuyển chúng đến các đơn vị chiến đấu.
Một số nhân vật cứng rắn của Nga từ lâu được cho là đã hối thúc Điện Kremlin phát cảnh báo tới phương Tây bằng cách di chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật đến gần các máy bay và tên lửa dự định phóng chúng.
Nga sẽ làm gì để chuẩn bị bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus?
Tổng thống Putin cho biết Nga đã giúp nâng cấp 10 máy bay của Belarus để cho phép chúng mang vũ khí hạt nhân và các phi hành đoàn sẽ bắt đầu huấn luyện sử dụng số máy bay này từ ngày 3/4. Ông lưu ý rằng Nga cũng đã cung cấp cho Belarus hệ thống tên lửa tầm ngắn Iskander có thể được trang bị các loại tên lửa thông thường hoặc gắn đầu đạn hạt nhân.
Ông Putin cũng cho biết việc xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân ở Belarus sẽ hoàn thành vào ngày 1/7, nhưng không cho biết có bao nhiêu vũ khí hạt nhân sẽ được đặt ở đó hoặc khi nào chúng sẽ được triển khai.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng Moskva sẽ giữ quyền kiểm soát đối với bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được triển khai tới Belarus, giống như Mỹ kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trên lãnh thổ của các đồng minh NATO.
Nếu Moskva gửi vũ khí hạt nhân tới Belarus, thì đây sẽ là lần đầu tiên nước này triển khai loại vũ khí này bên ngoài biên giới Nga kể từ đầu những năm 1990.
Belarus, Ukraine và Kazakhstan đều được thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 nhưng đã đồng ý chuyển giao lại chúng cho Nga trong những năm sau đó.
Mục đích của Nga và hậu quả tiềm tàng
Hãng tin AP cho rằng, với tuyên bố mới nhất của mình, Tổng thống Putin đã phát cảnh báo về mối đe dọa hạt nhân để báo hiệu Moskva sẵn sàng với các tình huống leo thang chiến sự ở Ukraine.
Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia có biên giới dài 1.084 km với Ukraine, sẽ cho phép máy bay và tên lửa của Nga tiếp cận các mục tiêu tiềm năng ở đó dễ dàng và nhanh chóng hơn nếu Moskva quyết định sử dụng chúng. Động thái này cũng sẽ mở rộng khả năng của Nga nhằm vào một số thành viên NATO ở Đông và Trung Âu.
Quyết định của Nga được công bố trong bối cảnh Kiev đang sẵn sàng cho một cuộc phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ đã mất kiểm soát .
Ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tuần trước đã cảnh báo rằng những nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại quyền kiểm soát Crimea là mối đe dọa đối với "sự tồn tại của nhà nước Nga", và sẽ khiến nước này phải đáp trả bằng hạt nhân. "Mỗi ngày phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine khiến ngày tận thế hạt nhân đến gần hơn", ông Medvedev nói.
Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov cho biết mục tiêu của Tổng thống Putin là ngăn cản các đồng minh phương Tây của Ukraine cung cấp thêm vũ khí cho Kiev trước bất kỳ cuộc phản công nào.
Ông Zhdanov nói: "Ông Putin đang sử dụng hạt nhân nhằm gây ảnh hưởng đến tình hình chiến trường và buộc các đối tác phương Tây giảm cung cấp vũ khí và thiết bị trước mối đe dọa leo thang hạt nhân".
Trong khi đó, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng đây là nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm răn đe các nước NATO. Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ nhận định, đây có thể là một “hoạt động thông tin” của Nga và ít gây nguy cơ leo thang căng thẳng. Tờ New York Times nhận định, “ông Putin đang cố gắng xoáy sâu vào nỗ lo sợ leo thang xung đột hạt nhân của phương Tây”.
Tuy nhiên, ông Pavel Podvig – một chuyên gia nghiên cứu về lực lượng hạt nhân của Nga cho rằng, khó có khả năng Moskva sẽ đưa các đầu đạn hạt nhân tới Belarus. Chuyên gia Podvig tỏ ra hoài nghi về việc cơ sở hạt nhân tại Belarus sẽ sẵn sàng được đưa và hoạt động vào tháng 7/2023 bởi đến nay chưa có hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng diễn ra tại Belarus.
Phản ứng của Ukraine và phương Tây
Ukraine đã phản ứng trước động thái của Putin bằng cách kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. "Thế giới phải đoàn kết chống lại kẻ gây nguy hiểm cho tương lai của nền văn minh nhân loại", Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết ngày 27/3 các quan chức Mỹ "chưa thấy bất kỳ chuyển động nào của bất kỳ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào hoặc bất kỳ thứ gì thuộc loại đó" kể từ say tuyên bố của ông Putin về Belarus. Ông Kirby nói rằng Washington không thấy gì có thể thúc đẩy sự thay đổi trong tư thế răn đe chiến lược của nước này.
NATO đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Putin rằng Nga chỉ đang làm những gì Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ, đồng thời nói rằng các đồng minh phương Tây hành động với sự tôn trọng đầy đủ đối với các cam kết quốc tế của họ.
Người phát ngôn của NATO, Oana Lungescu, cho biết: "Những lời hoa mỹ về hạt nhân của Nga là nguy hiểm và vô trách nhiệm", đồng thời cho biết thêm rằng liên minh vẫn chưa nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong "tư thế hạt nhân" của Nga.
Bộ Ngoại giao Nga đã đáp lại những lời chỉ trích của phương Tây bằng cách chỉ ra rằng Washington, D.C. và các đồng minh của họ đã phớt lờ những lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Nga về việc rút vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu. Bộ này tái khẳng định quyền của Moskva trong việc thực hiện "các bước bổ sung cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga và các đồng minh".