Chuyến công du nước ngoài của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif với nhiệm vụ tìm cách "cứu vãn" thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Mỹ vừa từ bỏ ngày 9/5 vừa qua, đã đạt được kết quả thuận lợi ban đầu khi các bên liên quan đều cam kết ủng hộ việc duy trì thỏa thuận này. Tuy nhiên, triển vọng đạt được một giải pháp lâu dài vẫn rất khó khăn.
Việc Iran và các bên tham gia cùng ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân là chuyện dễ hiểu bởi từ hơn hai năm nay, JCPOA được coi là một trong những văn kiện góp phần quan trọng kiềm chế nguy cơ leo thang xung đột không chỉ tại Trung Đông, mà còn ngăn chặn nguy cơ chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt lan rộng.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đối với cộng đồng quốc tế, thỏa thuận hạt nhân lịch sử này là sự bảo đảm, cho phép thiết lập cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran cũng như hạn chế bớt sự quyết đoán của một bộ phận bảo thủ trong chính quyền Tehran. Trong khi đó, đối với Tehran, văn kiện này giúp Iran thoát khỏi các biện pháp trừng phạt quốc tế vốn ảnh hưởng nặng nề tới quốc gia Hồi giáo này.
Trong hai năm qua, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân đã tạo điều kiện để nước Cộng hòa Hồi giáo Iran giành được lợi thế không chỉ về chính trị, được cộng đồng quốc tế thừa nhận vị thế, mà cả những lợi ích to lớn về kinh tế. Sau khi JCPOA có hiệu lực và Washington dỡ bỏ cấm vận, các công ty của châu Âu, Trung Quốc và Nga đã đổ nhiều tỷ USD vào thị trường chưa được khai phá này.
Riêng năm 2016, đầu tư nước ngoài vào Iran lên tới 3,4 tỷ USD, đưa nền kinh tế nước này tăng trưởng nhảy vọt tới 12,5%. Tuy nhiên, từ khi có những lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, đồng rial của Iran đã mất giá mạnh do đầu tư nước ngoài giảm tới 50% kể từ cuối năm 2017. Luồng tài chính chảy ra nước ngoài ồ ạt, ước tính có thể lên đến 10 -30 tỷ USD, báo hiệu nguy cơ nền kinh tế có thể sụp đổ.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran do đó gây ra những hậu quả lớn từ địa chính trị cho tới kinh tế đối với Tehran và cả các nước Liên minh châu Âu (EU), vốn là khu vực đi đầu trong hoạt động giao thương với Iran kể từ khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Năm ngoái, giá trị hàng hóa xuất khẩu của EU vào Iran đạt gần 11 tỷ euro (khoảng 13 tỷ USD), tăng 66% so với năm 2015.
Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đã đạt được hợp đồng trị giá 10 tỷ euro tại Iran, hãng dầu khí Total đầu từ hơn 3 tỷ euro vào thị trường này. Đó là lý do giải thích cho sự năng động ngoại giao chưa từng có trong mấy tuần gần đây của Iran lẫn các bên tham gia ký thỏa thuận hạt nhân nhằm tìm cách giảm thiểu những thiệt hại và hậu quả từ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Quan trọng hơn là cả Iran lẫn các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân đều nỗ lực để bảo đảm lợi ích của mình hiện đang bị đe dọa sau quyết định của Mỹ.
Trong chuyến công du nước ngoài của Ngoại trưởng Iran nhằm cứu vãn những gì còn lại của thỏa thuận hạt nhân, Tehran trước hết trông đợi đối tác mà họ cho là tiềm năng nhất: Trung Quốc. Bắc Kinh là khách hàng lớn nhất với doanh số mua dầu lửa của Iran tới 9,2 tỷ USD mỗi năm, đồng thời luôn duy trì quan hệ thương mại và đầu tư vào Tehran bất chấp tình hình khó khăn thời gian qua. Trung Quốc muốn biến Iran thành một mắt xích quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và con đường" với hàng loạt dự án lớn nhiều tỷ USD.
Việc Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif chọn Bắc Kinh làm chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du này cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc. Trước khi các biện pháp cấm vận của phương Tây được dỡ bỏ vào năm 2015, hai nước đã duy trì quan hệ kinh tế-thương mại chặt chẽ và đây là cơ sở để Tehran tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không vì áp lực của Mỹ mà từ bỏ hợp tác cùng có lợi với Iran.
Cùng với Trung Quốc, Nga vốn được xem là đồng minh thân cận của Iran không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, Moskva cũng đứng về phía Tehran trong vấn đề duy trì thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, niềm hy vọng lớn nhất của Iran trong bối cảnh hiện nay chính là EU. Đối với EU, mà cụ thể là nhóm E3, gồm Pháp, Đức và Anh, JCPOA là một trong những thành quả nổi bật của chính sách đối ngoại châu Âu, dấu ấn quan trọng về một nỗ lực chung và bền bỉ khá hiếm hoi của EU trong hàng thập kỷ nhằm thuyết phục Mỹ thay đổi lập trường cứng rắn cố hữu với Iran sang chiều hướng ôn hòa.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí ở khu vực ngay sát châu Âu, mà còn phá vỡ uy tín của EU, khiến dư luận liên tưởng tới một EU có ảnh hưởng mờ nhạt. Đó là chưa kể tới những thiệt hại to lớn về lợi ích thương mại và kinh tế mà các công ty châu Âu đang đầu tư ở Iran như Renault, Peugeot hay Siement phải hứng chịu khi thỏa thuận hạt nhân bị phá vỡ. Do đó, EU không có lựa chọn nào khác ngoài phản đối quyết liệt quyết định của Mỹ.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Iran và các ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức cùng Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại va an ninh EU Federica Mogherini là bước đi đầu tiên của sự phối hợp giữa các bên nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Đây cũng là lần đầu tiên trong vài năm gần đây, EU đạt được tiếng nói thống nhất và mạnh mẽ về một chủ đề liên quan đến an ninh quốc tế lớn. “Nếu Iran ở lại thỏa thuận, chúng tôi cũng sẽ ở lại”, bà Mogherini đã bày tỏ quyết tâm của EU. Việc EU muốn duy trì JCPOA cùng với những tuyên bố trước đó của Iran, Nga và Trung Quốc là bước khởi đầu quan trọng cho thấy một sự đồng thuận quốc tế lớn, đẩy Mỹ vào tình thế bị cô lập.
Nhân cuộc gặp này, Iran và EU đã công bố phác thảo một lộ trình nhằm tạo điều kiện cho phép Tehran tiếp tục bán sản phẩm dầu khí ra thị trường quốc tế, giao dịch ngân hàng, duy trì các tuyến đường hàng không, hàng hải, đồng thời cấp tín dụng xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư. Một trong những giải pháp để thực hiện được ý tưởng này là các công ty châu Âu phải chuyển từ giao dịch bằng USD, vốn chiếm tới 90% giao dịch tài chính quốc tế, sang dùng đồng euro, trong các thương vụ mua bán dầu với Iran.
EU cũng sẽ phải củng cố và bảo vệ “chủ quyền kinh tế” trước nguy cơ Mỹ tăng cường áp đặt luật pháp của họ vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ nhằm vào các lợi ích của châu Âu. Những bước đi cụ thể sẽ được các nhà lãnh đạo châu Âu thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bulgaria, trong đó có khả năng kích hoạt "cơ chế phong tỏa" có từ những năm 1990, giúp bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Có vẻ với quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã tạo điều kiện để hình thành một tiến trình tạo dựng liên minh tình huống mới, thúc đẩy các cường quốc châu Âu phối hợp với Trung Quốc và Nga liên kết với nhau tìm lời giải cho bài toán Iran. Sức ép từ cộng đồng quốc tế tạo ra trong những ngày vừa qua rất rộng lớn, nhưng liệu điều đó có đủ để thỏa thuận hạt nhân được bảo đảm?
Cuộc họp giữa các ngoại trưởng Iran-EU cho thấy một bước khởi đầu tốt đẹp, nhưng xét về thực chất nó không mang lại cho Tehran một sự bảo đảm nào đáng kể và cụ thể. Dù EU có tuyên bố mạnh mẽ thế nào đi nữa, trong bối cảnh hiện nay, sự thống trị của Mỹ trong nền tài chính thế giới khiến cho bất cứ ý đồ “lách” lệnh trừng phạt, đi ngược lại quyết định cấm vận của Mỹ trở nên hết sức khó khăn, nếu không muốn nói bất khả thi.
Mỹ đang khống chế các điểm quan trọng nhất của mạng lưới tài chính, trong đó có hệ thống giao dịch liên ngân hàng toàn cầu SWIFT. Việc ngân hàng Pháp BNP Paribas đã phải trả 8,9 tỷ USD tiền phạt năm 2015 và tập đoàn ZTE của Trung Quốc đang bị lao đao vì bị Mỹ cấm giao dịch với cùng lý do "làm ăn với các đối thủ của Mỹ", là những bài học nhãn tiền. Bởi vậy, đánh giá về kế hoạch hỗ trợ Iran vừa qua, một quan chức cao cấp châu Âu nhận định “rất khó để tìm ra một giải pháp phù hợp, nhất là cho các tập đoàn lớn đang có nhiều hoạt động tại Mỹ”.
Rõ ràng EU chưa có không có giải pháp nào hiệu quả để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu chống lại các chế tài của Washington, bởi ngay cả khi EU muốn duy trì thỏa thuận, thì hầu hết các công ty châu Âu đều muốn tự bảo vệ mình, nếu không sẽ phải cắt đứt mọi mối liên hệ với Mỹ, một điều không ai muốn. Không những thế, Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất mà EU không thể đánh đổi. Bản thân Iran cũng tỏ thái độ cứng rắn khi kiên quyết không lùi bước trước sức ép của Mỹ. Bởi vậy, sứ mệnh cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran mà các bên đặt ra khó có thể hoàn thành.