Toàn cầu hóa đã xóa bỏ hoàn toàn ranh giới đối với hàng hóa. Thế nhưng, đối với con người, mối lo an ninh và mong muốn ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp đang làm xuất hiện hàng loạt tường rào thép gai ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại các nước châu Âu – nơi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất trong nhiều năm nay.
Binh sĩ Hungary và các công nhân dựng hàng rào dây thép gai gần Asotthalom. Ảnh: THX/TTXVN |
Điều đáng nói là những hàng rào này sẽ mang lại hiệu quả như thế nào. Liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề người nhập cư?
Hungary đã dựng xong tường rào dây thép gai dọc biên giới với Serbia. Nước này cũng đã đóng cửa một ga đường sắt ở Budapest để ngăn những người di cư tìm cách nhảy tàu sang Áo. Những biện pháp cứng rắn trên đều nhằm mục tiêu chặn dòng người tị nạn đang chạy trốn khỏi Syria, Iraq hay Afghanistan.
Cách đây một phần tư thế kỷ, trên thế giới chỉ có 16 bức tường ngăn bảo vệ các đường biên giới, nhưng hiện tại, số tường rào đã lên tới 65. Nó không còn là những bức tường chắn giữa những quốc gia đối địch mà đã trở thành công cụ để ngăn dòng người nhập cư.
Tháng 7/2015, Chính phủ Hungary đã gây chấn động cả châu Âu khi khởi công xây dựng một hàng rào cao 4 mét dọc biên giới kéo dài 175 km với Serbia. Serbia chưa phải là thành viên của EU và đang trong qua trình đàm phán, trong khi Hungary là thành viên của khối Schengen được tự do đi lại trong Liên minh châu Âu (EU).
Zoltán Kovács, người phát ngôn của Chính phủ Hungary nhấn mạnh: “Đây là việc làm cần thiết. Chúng tôi cần làm như vậy để chặn đứng dòng người di cư từ Serbia". Trước Hungary, Bulgaria vào đầu năm nay cũng thông báo kế hoạch xây tường rào dài hơn 160 km t rên đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ Anh gần đây cũng chi 10 triệu USD để dựng lên hai hàng rào dây thép gai bao quanh nhà ga xe lửa Eurotunnel để ngăn người di cư vượt qua đường hầm Channel vào Anh. Các hàng rào biên giới tương tự cũng đã được dựng lên ở Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Trên thực tế, những bức tường trên dường như chỉ mang tính biểu tượng vì hiệu quả của chúng chỉ ở mức tương đối. Không ít chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của các hàng rào này trong dài hạn. Bất chấp trở ngại từ các hàng rào thép gai, nhiều người nhập cư vẫn tìm cách vượt qua dù bị đâm gây nhiều thương tích.
Rõ ràng, những bức tường trên chẳng làm thay đổi được nguyên nhân sâu xa của việc mất an ninh hay làn sóng người nhập cư.
Việc dựng lên các chướng ngại vật, tăng cường lính gác tại khu vực biên giới hay bỏ tù những người vi phạm vẫn không dập tắt được quyết tâm của những người di cư - những người rời bỏ quê hương vì chiến tranh, loạn lạc hay khó khăn kinh tế để tới châu Âu, nơi họ hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những thảm cảnh hàng ngày xảy ra trên Địa Trung Hải đã và đang chứng minh rằng biện pháp đó sẽ thất bại. Tường rào và cảnh sát chống bạo động không phải là câu trả lời bởi lẽ những người di cư tuyệt vọng sẽ lại đổ về những khu vực biên giới và cảng biển không được bảo vệ.
Người di cư tại nhà ga Keleti ở Budapest, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kể từ đầu năm đến nay, hàng trăm nghìn người tị nạn chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông đã đổ bộ lên Italy và Hy Lạp bằng đường biển. Trên bộ, hàng chục nghìn người mượn con đường Balkan vượt biên giới Serbia vào Hungary, sau đó chạy sang Áo và Đức. Tình hình càng nghiêm trọng hơn vì nhiều người dân Balkan cũng lợi dụng cơ hội, bỏ làng, gia nhập đội quân xin tị nạn.
EU đang đứng trước một bài toán nan giải. Hình ảnh từng đoàn người bồng bế vợ con, kéo nhau đi bộ, tràn lên xe lửa gây xúc động cho toàn thế giới. Hiện 28 nước EU vẫn chia rẽ trước thềm hội nghị khẩn cấp các bộ trưởng nội vụ và tư pháp vào ngày 14/9 tới. Với tình trạng bế tắc hiện nay, châu Âu có thể trở thành "pháo đài" ngày một rõ nét.
Thay vì tốn thời gian và công sức dựng tường rào, các nước châu Âu nên tăng cường tìm kiếm giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng người nhập cư.
Cả thế giới đang chờ đợi các quốc gia châu Âu sớm đạt được sự đồng thuận trong chính sách và hành động thực tế nhằm đối phó với làn sóng người nhập cư, hiện được coi là thách thức lớn có nguy cơ đe dọa sự ổn định về kinh tế và xã hội của "lục địa già" trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế vừa mới có dấu hiệu tạm thời lắng dịu.