Kết quả trên cho thấy EU đã đạt được sự đoàn kết cần thiết để bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn sau đại dịch cũng như các tác động của việc nước Anh rời khỏi khối, trong lộ trình thực hiện tham vọng "EU địa chính trị".
Cuối ngày làm việc đầu tiên, các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ) đã đạt được thỏa thuận để hai nước thành viên Ba Lan và Hungary từ bỏ quyền phủ quyết đối với ngân sách giai đoạn 2021-2027 và kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 với tổng trị giá hơn 1.800 tỷ euro. Hồi tháng 7, sau 4 ngày đàm phán cam go, EU đã đi đến một thỏa thuận về gói tài chính khổng lồ này, nhưng cuối cùng vẫn bị Vácsava và Budapest cản trở.
Phải mất nhiều thời gian thảo luận kể từ khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3, lặp đi lặp lại các kịch bản tâm lý và mặc cả đến từng dấu phẩy để đi đến đích, các thành viên EU cuối cùng có thể tự chúc mừng vì đã đưa ra được hình hài cho kế hoạch phục hồi kinh tế chưa từng có tại châu Âu, xét trên nhiều phương diện.
Kế hoạch ngân sách này lấy kinh phí từ một khoản vay chung và sẽ triển khai viện trợ cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nhiều nhất của COVID-19. Nó cũng đặt nền tảng cho việc xây dựng cộng đồng một cách tổng thể và đoàn kết hơn, giúp thiết lập một cơ chế liên kết, dẫu chưa hoàn hảo, giữa tôn trọng pháp quyền với vấn đề thụ hưởng ngân sách và bảo vệ các giá trị của liên minh.
Về cơ bản, đây là một cơ chế có điều kiện cho việc thụ hưởng ngân quỹ, đó là phải tôn trọng nguyên tắc pháp quyền, điều từng bị Ba Lan và Hungary coi là “độc đoán và trái với các hiệp ước EU”. Bất đồng chủ chốt này từng đe dọa khiến dự án của châu Âu đi chệch hướng.
Để đạt thỏa hiệp, các nhà lãnh đạo EU đã gây sức ép với Hungary và Ba Lan, đe dọa rằng hai thành viên này không những bị đưa ra khỏi kế hoạch phục hồi mà còn có thể bị cắt giảm đáng kể trong kế hoạch ngân sách, như các quỹ gắn kết mà cả hai được hưởng lợi rất nhiều. Cuộc mặc cả đã thành công và Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cũng như người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki cuối cùng đã hài lòng với những chi tiết về việc thực hiện cơ chế về tôn trọng pháp quyền được ghi trong một thông cáo diễn giải.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hân hoan tuyên bố giờ đây EU có thể khởi động việc triển khai thực hiện ngân sách và xây dựng lại nền kinh tế của liên minh. Kế hoạch phục hồi lịch sử sẽ cho phép EU thúc đẩy chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, hai ưu tiên chính của liên minh trong những năm tới.
Tuần tới, Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến sẽ thông qua tất cả các văn bản của kế hoạch phục hồi châu Âu và ngân sách dài hạn. Bước cuối cùng phải được thực hiện trước khi tiền được giải ngân, đó là sự phê chuẩn của nghị viện các nước thành viên (khoảng 40 nghị viện ở châu Âu) đối với văn bản cho phép Ủy ban vay nợ để tài trợ cho kế hoạch phục hồi. Nhưng nếu chỉ thiếu cái gật đầu của một trong các nghị viện thì toàn bộ kế hoạch sẽ sụp đổ.
Tiếp theo, sau một đêm trắng đàm phán, các lãnh đạo EU cũng nhất trí được mục tiêu mới về giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Để đạt mức độ trung hòa CO2 vào năm 2050 như đã cam kết vào tháng 12/2019, lãnh đạo 27 nước đã quyết định tăng cường nỗ lực giảm lượng khí thải xuống dưới 55% so với mức năm 1990, chứ không phải là 40% như mục tiêu từ trước đến nay.
Đối với các quốc gia có nền kinh tế vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than, trong đó nổi bật nhất là Ba Lan, mục tiêu này là không thể đạt được nếu thiếu khoản bù đắp tài chính. Do đó, Vácsava đã dẫn đầu nhóm phản đối. Nhưng các nước khác cho rằng Ba Lan và những nước đồng minh đã được hưởng lợi sau thỏa thuận vào tháng 12/2019. Khi đó, vì mục đích này, EU đã tạo ra một quỹ "chuyển đổi phù hợp" trị giá 17,5 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027 - và do vậy EU không cần phải làm gì thêm.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cuối cùng đã giành phần thắng, với cơ chế phân bổ trợ cấp CO2 thuận lợi hơn cả mong đợi. Ngoài ra, việc giảm lượng khí thải được EU nhất trí là mức giảm ròng (không giống như kế hoạch 40% cho đến nay), có nghĩa là có tính đến vấn đề “sự hấp thụ của các bể chứa CO2 như đất và rừng”, do đó những nỗ lực thực tế có thể được giảm nhẹ một vài điểm phần trăm.
Với thỏa thuận này, EU sẽ trở thành đối tác đầu tiên có lượng phát thải lớn nhất chính thức đưa ra mục tiêu sửa đổi cao hơn so với yêu cầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tự hào khẳng định châu Âu là đối tác đi đầu trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Trong kết luận của Hội nghị, EU tuyên bố mong muốn hợp tác với Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề tăng cường phản ứng toàn cầu nhằm chống lại đại dịch COVID-19, giải quyết biến đổi khí hậu, tăng cường phục hồi kinh tế, hợp tác về các vấn đề kỹ thuật số và công nghệ, tăng cường thương mại lẫn nhau, giải quyết tranh chấp thương mại, cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương cũng như hòa bình và an ninh. EU bày tỏ sẵn sàng thảo luận về các ưu tiên được chia sẻ với tổng thống mới của Mỹ.
Các cuộc đàm phán thương mại hậu Brexit giữa EU và Vương quốc Anh hầu như không được chú ý nhiều trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày này. Kết luận chung của hội nghị đã im lặng về vấn đề này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen cũng nhắc lại rằng lập trường của EU và Vương quốc Anh vẫn khác nhau về các vấn đề cơ bản, đó là quyền đánh bắt cá hay các điều kiện cạnh tranh bình đẳng.
Cho tới nay, EU đã liên tục nhắc lại với đối tác Anh rằng nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng là điều kiện tiên quyết để đổi lấy đặc quyền tiếp cận thị trường châu Âu. EC cũng đề xuất 4 biện pháp khẩn cấp có mục tiêu, giúp giải quyết vấn đề liên quan đến vận tải đường bộ và hàng không trong ngắn hạn, cũng như đề xuất đảm bảo quyền tiếp cận có đi có lại trên các vùng biển quốc gia. Tuy nhiên, London tuyên bố không đồng ý với những đề xuất của EU.
Các đoàn đàm phán của EU và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục công việc cho đến ngày 13/12. Chừng nào các nhà đàm phán vẫn đang tiếp tục làm việc, thì hy vọng đạt được thỏa thuận vẫn là một khả năng. Tuy nhiên, bất kể là có thỏa thuận thương mại hay không, thì việc Anh cắt đứt hẳn với EU cũng sẽ để lại một khoảng trống lớn trong liên minh.
Có thể nói rằng nỗ lực khéo léo và không ngừng nghỉ của nước chủ tịch luân phiên EU Đức với mục tiêu xây dựng một châu Âu địa chính trị đã gặt hái kết quả sau hội nghị cuối năm đầy bộn bề này, mà điều quan trọng nhất là EU đang thể hiện được sự thống nhất. Ít nhất thì các nước EU cũng hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay, không quốc gia nào trong số 27 thành viên EU có thể tự mình khẳng định được lợi ích trên trường quốc tế.
Có lẽ tinh thần này là hành trang mà EU sẽ phải chuẩn bị để có thể tiếp tục con đường phía trước nhằm thực hiện những dự án đầy tham vọng nhưng cũng không ít chông gai, như Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nhấn mạnh: châu Âu phải là một cực đảm nhận trách nhiệm của mình trong một thế giới đa cực.