Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời một số quan chức Iran cho biết thông tin trên. Nội dung then chốt của Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 - là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này. Nhưng Iran cảnh báo sẽ không tuân thủ thỏa thuận nếu các bên quay trở lại áp dụng trừng phạt.
Reuters dẫn lời một số quan chức cấp cao Iran giấu tên cho biết lãnh đạo nước này quyết tâm tuân thủ cam kết của thỏa thuận hạt nhân, đồng thời hy vọng trong trường hợp cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng tại cuộc bầu cử ngày 3/11 thì JCPOA sẽ được cứu vớt.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận xét rằng khoảng thời gian vài tuần và vài tháng tới là thời điểm then chốt cho thỏa thuận hạt nhân 2015.
Một quan chức giấu tên chia sẻ: “Quyết định ở thời điểm hiện tại là duy trì thỏa thuận ngay cả khi Mỹ mắc sai lầm là tái áp dụng cơ chế trừng phạt. Chúng tôi vẫn sẽ ở đây nhưng ông Trump có khả năng sẽ phải rời Nhà Trắng trong vài tháng tới”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân từ năm 2018 và dự kiến trong tuần này khuyến khích Liên hợp quốc tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran. Đức, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đã phản đối động thái này.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Biden nói rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông có thể đưa Mỹ gia nhập lại thỏa thuận hạt nhân kèm theo điều kiện tiên quyết là Iran cũng phải tuân thủ thỏa thuận. Thỏa thuận hạt nhân 2015 đạt được dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi đó ông Biden là Phó Tổng thống.
Một quan chức Iran khác đánh giá: “Chúng tôi phải thông minh và không rơi vào cái bẫy của Mỹ muốn đẩy Iran rời xa thỏa thuận”. Để đáp trả lại chiến dịch “áp lực tối đa” của Mỹ nhằm đẩy Iran đàm phán thỏa thuận mới, Tehran đã bỏ qua một số điều khoản về giới hạn trong thỏa thuận năm 2015.
Theo điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015, Iran đồng ý sở hữu không quá 300kg urani làm giàu ở mức 3,67%. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân 2015, Iran đã làm giàu urani lên tới mức 20% và nắm giữ 10.000kg urani được làm giàu. Về lý thuyết, urani làm giàu cấp độ này có thể được dùng để phát triển vũ khí hạt nhân.
Để tái áp đặt lệnh trừng phạt Liên hợp quốc lên Iran, Mỹ sẽ đệ đơn khiếu nại tới Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên với nội dung Tehran đã không tuân theo thỏa thuận hạt nhân.
Các chuyên gia cho rằng quá trình tái áp đặt lệnh trừng phạt này sẽ khó khăn bởi Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ phản đối.
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nhận xét rằng việc Mỹ muốn tái áp đặt mọi lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc sẽ tạo rủi ro hủy hoại thỏa thuận hạt nhân.