Iraq, mặt trận mới trong cuộc xung đột Israel – Iran

Gần bốn thập niên sau khi phá hủy lò phản ứng hạt nhân của chính quyền Tổng thống Saddam Hussein, Israel một lần nữa đối mặt với những mối đe dọa từ các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Iraq.

Chú thích ảnh
Máy bay F-35 của Israel trên bầu trời Căn cứ không quân Hatzerim, ngày 27/6/2019. Ảnh: AFP/Getty Images

Học thuyết Khởi đầu

Vụ tấn công năm 1981 của Israel nhằm vào lò phản ứng hạt nhân Osirak tại Iraq là một vụ việc lịch sử, đặt ra tiền lệ cho cái được gọi là “Học thuyết Khởi đầu”, đặt theo tên của Thủ tướng Israel khi đó là Menachem Begin. Học thuyết này trao cho Israel quyền ngăn chặn một nhà nước thù địch tìm cách có được vũ khí hạt nhân.

Học thuyết từ năm 1981 của Israel là duy trì tấn công bí mật và không bao giờ công khai nhận trách nhiệm. Thời điểm đó chỉ cách vài tuần trước cuộc tổng tuyển cử tại Israel, vì thế cuộc tấn công là một nỗ lực chủ ý của ông Begin nhằm ghi điểm với cử tri. Chiến dịch này đã vấp phải phản ứng đáng kể từ Washington, bao gồm tuyên bố lên án Tel Aviv và đình chỉ chuyển giao phi đội F-16 thứ ba cho Israel.

năm sau, Israel dường như đã một lần nữa tấn công vào lãnh thổ Iraq. Vụ không kích hôm 20/8 gần căn cứ không quân Balad của Iraq là lần thứ tư trong một loạt các vụ oanh tạc gần đây nhằm vào những căn cứ tại Iraq được cho là do Iran hậu thuẫn. Loạt vụ nổ này nhằm vào các cơ sở chứa tên lửa chính xác cũng như các hệ thống dẫn đường tiên tiến, mà Israel cho là của Iran.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa phòng không Bavar-373 trưng bày tại Tehran, Iran ngày 22/8/2019. Ảnh: Reuters

Đợt tấn công mới nhất diễn ra khi chỉ còn 3 tuần nữa là Thủ tướng Benjamin Netanyahu bước vào cuộc tổng tuyển cử, và liên minh cánh hữu của ông dường như đang bị bỏ lại phía sau. Khi được hỏi liệu Israel có tấn công các mục tiêu Iran tại Iraq nếu cần không, ông Netanyahu tuyên bố: “Chúng tôi đang hành động, không chỉ nếu cần, chúng tôi đang hành động trên nhiều lĩnh vực chống lại một nhà nước muốn hủy diệt chúng tôi. Tất nhiên tôi đã cho phép lực lượng an ninh rảnh tay hành động và chỉ đạo họ làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn các kế hoạch của Iran”. Dù không phải là lời thừa nhận trách nhiệm về loạt vụ tấn công hôm 20/8, tuyên bố này cũng gần với điều đó.

Phản ứng của Washington với các sự kiện mới nhất cũng tương tự như phản ứng của họ với cuộc không kích của Israel năm 1981: để rò rỉ thông tin liên quan đến bên chịu trách nhiệm và lên án ngầm. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không lên án Israel một cách trực tiếp và có vẻ như ông không ngạc nhiên trước loạt vụ tấn công. Theo tờ Foreign Policy, dường như Israel cũng đã phối hợp với các nhân vật hàng đầu ở Washington D.C, mặc dù các nhân vật khác trong Chính phủ Mỹ dường như không hài lòng về hoạt động của họ ở Iraq, vì cho rằng lính Mỹ đóng quân ở đây sẽ bị đẩy vào rủi ro.

Vì sao Israel và Iran mở mặt trận mới tại Iraq?

Để hiểu được logic đằng sau loạt vụ không kích gần đây, cần phải đặt chúng vào bối cảnh của những nỗ lực lớn hơn từ Israel nhằm ngăn Iran triển khai các tên lửa chính xác cao, đạt tới sai số chỉ trong bán kính 5-10 mét, trên khắp khu vực. Những loại vũ khí này được cho là nguy hiểm hơn tên lửa thông thường, vốn đòi hỏi phải bắn số lượng rất lớn để trúng được mục tiêu dự định. Israel cho rằng Iran đang tìm cách cung cấp hàng ngàn tên lửa tiên tiến với tầm bắn 160-900km cho các đồng minh của họ tại Liban, Syria và Iraq.

Xem video kho tên lửa Qiam do Iran tự sản xuất (Nguồn: Press TV)

Israel coi các vũ khí tiên tiến đang được cung cấp cho Hezbollah ở Liban, các nhóm vũ trang thân Iran ở Iraq và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ở Syria là mối đe dọa chiến lược. Quyết tâm của Iran hậu thuẫn cho các lực lượng này có thể buộc Israel phải xem xét mức độ sẵn sàng ngăn chặn, cũng như cân nhắc liệu tên lửa chính xác của Iran có đặt ra mối đe dọa đủ để áp dụng “Học thuyết Bắt đầu”, vốn trước đây chỉ nhằm vào vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc nội chiến kéo dài ở Syria, Iran đã tìm cách xây dựng một mặt trận khác chống lại Israel trên lãnh thổ Syria kể từ năm 2017. Nhưng người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Tướng Qassem Suleimani đã không tính đến ưu thế trên không và khả năng tình báo của Israel. Theo các quan chức Israel, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành hơn 200 cuộc không kích ở Syria nhằm vào các kho dự trữ vũ khí và cơ sở sản xuất được cho là của Iran kể từ năm 2017; và còn tiến hành các chiến dịch trả đũa quy mô lớn, quét sạch hàng chục mục tiêu Iran tại Syria.

Chú thích ảnh
Thành viên Lực lượng bán quân sự Hashd al-Shaabi của Iraq diễu hành ở Basra hôm 31/5/2019. Ảnh: AFP/Getty Images

Trong khi đó, bất chấp việc để Israel lấn lướt trong vòng đầu chiến dịch mở rộng ảnh hưởng của Iran tại Syria từ năm 2017 đến 2018, Tehran vẫn kiên quyết và kiên nhẫn. Họ cố gắng học những bài học liên quan đến khả năng và giới hạn của Israel. Quan trọng hơn, Iran sẽ tìm kiếm các địa điểm khác ít có lợi thế hơn với Israel để thúc đẩy dự án tên lửa chính xác cao, chẳng hạn như Liban và Iraq.

Cách tiếp cận thứ hai này đã dẫn đến việc Iran chuyển một phần đáng kể hoạt động liên quan đến tên lửa sang Liban, nơi họ tin rằng Israel ít có khuynh hướng tấn công để tránh gây ra xung đột với Hezbollah và Iraq.

Iran cũng đã đạt được một số lợi thế quan trọng từ hoạt động ở Iraq so với ở Syria. Trước hết, Iraq nằm cách xa biên giới Israel, và không bị Tel Aviv xếp vào danh sách khu vực trọng tâm kể từ khi chính quyền Saddam Hussein sụp đổ năm 2003. Do vậy, Iran cho rằng lợi thế vượt trội về tình báo và không quân của Israel cũng không “ăn thua”. Thứ hai, Israel đã thiết lập và duy trì tiền lệ rằng họ có thể tấn công các mục tiêu Iran ở Syria mà không gây ra phản ứng nào ngoài hỏa lực phòng không, nhưng không có tiền lệ nào như vậy tồn tại ở Iraq và việc tạo ra một tiền lệ, dù Israel có thể làm được, cũng rất phức tạp và đầy rủi ro nếu tính toán sai lầm.

Chú thích ảnh
Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tuần tra tại ngôi làng Kfar Kila, Liban nằm giáp biên giới Israel ngày 29/8/2019. Ảnh: AFP/Getty Images

Trái ngược với khi Israel đặt ra luật chơi ở Syria, tình hình ở Iraq phức tạp hơn rất nhiều bởi thực tế là bối cảnh ở đây bao gồm nhiều thành phần thù địch ở địa phương, cũng như cả lực lượng Mỹ và Iran vốn đang trong căng thẳng. Các lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Iraq chính là những mục tiêu rõ ràng để các nhóm vũ trang thân Iran tấn công trả thù cho các cuộc không kích của Israel nhằm vào họ. Điều này có thể gây căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Israel.

Vấn đề nan giải tiếp theo đối với chính phủ Israel là nhóm Hezbollah của Liban liên quan đến dự án tên lửa chính xác của Iran. Nếu các cơ sở do Iran xây dựng ở Liban đã đi vào hoạt động và việc chuyển chúng qua Iraq và Syria không còn cần thiết nữa, thì Israel sẽ phải đối mặt với một quyết định không thể chối cãi: hoặc tấn công để phá huỷ kho vũ khí nguy hiểm của Hezbollah và gây nguy cơ chiến tranh cao ở Liban, hoặc tìm cách nâng cấp khả năng phòng thủ tên lửa của mình (bao gồm các hệ thống như Vòm Sắt, David's Sling và Mũi tên) và đảm bảo rằng khả năng răn đe sẽ giảm nguy cơ xảy ra một cuộc chiến khác giữa Israel với Liban.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Iran phát triển vệ tinh nghiên cứu phục vụ chương trình hàng không vũ trụ
Iran phát triển vệ tinh nghiên cứu phục vụ chương trình hàng không vũ trụ

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami ngày 29/5 cho biết Iran đang phát triển một số vệ tinh nghiên cứu phục vụ chương trình hàng không vũ trụ của nước này, bất chấp những áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN