Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz đã gặp người đồng cấp Pháp hôm 5/2, cảnh báo ông rằng “thời gian không còn nhiều để tìm giải pháp ngoại giao ở Liban” đồng thời cho biết rằng đất nước ông đã sẵn sàng tham chiến nếu ngoại giao thất bại.
Nguyên nhân là vì, kể từ ngày 7/10, Hezbollah, nhóm vũ trang ở Liban có liên hệ với Iran, đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công vào các mục tiêu của Israel. Lo sợ làn sóng phiến quân có khả năng xâm chiếm và chinh phục nhiều vùng của đất nước, khoảng 60.000 người miền Bắc Israel đã chọn rời đi, tìm nơi ẩn náu ở trung tâm, tránh xa các cuộc xung đột.
Atalia Regev, cư dân làng Abirim, cách biên giới Israel với Liban khoảng 5 km, đã rời nhà vào ngày 7/10, khi hàng nghìn chiến binh Hamas tấn công miền nam Israel, tàn sát khoảng 1.200 người và làm bị thương hơn 5.000 người.
“Hồi đó, chúng tôi tin chắc rằng mặt trận phía Bắc sẽ [sớm] mở ra, và chúng tôi cũng sẽ phải đối mặt với việc chiếm đóng Galilee, một kịch bản đã được nói đến từ rất lâu. Có quá nhiều nỗi sợ hãi. Vì vậy, chúng tôi thu dọn đồ đạc, mang theo bọn trẻ và rời đi”, Regev nhớ lại.
Cô không phải là người duy nhất. Khi giao tranh ở miền nam với Hamas ngày càng gia tăng, khoảng 60.000 người Israel cũng đã rời bỏ các cộng đồng ở phía bắc, tìm nơi ẩn náu ở trung tâm và ở Jerusalem, với hy vọng rằng tên lửa của lực lượng dân quân Hezbollah sẽ không bắn tới họ ở đó.
Cho đến nay, các cuộc tấn công của Hezbollah vẫn còn hạn chế và có chừng mực. Theo báo cáo, phong trào này đã tổ chức hơn 1.000 cuộc tấn công chống Israel kể từ khi bắt đầu chiến sự ở Gaza. Họ cũng đã nhắm mục tiêu vào 48 địa điểm biên giới và ít nhất 17 cộng đồng. Đối với Regev, đây là lý do chính đáng để cô ở lại vị trí hiện tại.
“Ngay cả khi mọi thứ đã lắng xuống [ở miền Nam], chúng tôi nhận ra rằng mình không thể quay trở lại. Khu vực của chúng tôi luôn bị đe dọa. Các cơ sở giáo dục dành cho trẻ em vẫn đóng cửa cho đến gần đây. Điện mất nhiều lần do hư hỏng cơ sở hạ tầng bởi các cuộc tấn công, có lúc chúng tôi bị mất điện nhiều giờ liền.”
Tiếng trống chiến tranh
Tuy nhiên, giờ đây Regev lo ngại, mọi chuyện còn có thể còn tồi tệ hơn. Vào ngày 3/1, một vụ nổ làm rung chuyển vùng ngoại ô Beirut, giết chết Salah Al Arouri, một thủ lĩnh cấp cao của Hamas. Mặc dù Israel không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng lời đổ lỗi nhắm vào Tel Aviv, và thủ lĩnh Hezbollah, Nasrallah thề sẽ không bỏ qua vụ ám sát này.
Kể từ khi Al Arouri bị sát hại, Israel đã tăng cường hiện diện dọc biên giới phía bắc, chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh toàn diện có thể xảy ra.
Tel Aviv có lý do để lo lắng. Theo ước tính, Hezbollah sở hữu kho vũ khí lên tới 150.000 rocket và tên lửa. Nhiều trong số đó tên lửa tầm xa, có thể vươn tới miền trung và miền nam Israel. Ngoài ra, nhóm Hồi giáo này còn tự hào có một đội quân chiến binh được huấn luyện bài bản và một đơn vị biệt kích – lực lượng Radwan – đang chờ lệnh tấn công kẻ thù.
“Trong nhiều năm, Hezbollah đã tiếp cận biên giới với Israel mà không bị cản trở. Biến cố ngày 7/10 đã khiến chúng tôi nhận ra rằng chuyện gì xảy ra ở miền Nam cũng có thể xảy ra ở miền Bắc. Chỉ có một điểm khác biệt: lực lượng Radwan thành thục hơn, kinh nghiệm hơn và có tổ chức hơn nhiều” - Regev nói.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với những lo ngại đó. Mohammed Hassan Sweidan, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Beirut, tuyên bố việc Hezbollah tích lũy vũ khí luôn nhằm mục đích phòng thủ chứ không phải để tấn công.
“Việc tích lũy vũ khí và huấn luyện Hezbollah chủ yếu nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực cần thiết để ngăn chặn Israel. Tiền lệ lịch sử chứng minh rằng Israel có xu hướng mở rộng ảnh hưởng và theo đuổi lợi ích ở Liban khi quốc gia này bị coi là yếu kém. Vì vậy, điều có lợi về mặt chiến lược cho Beirut là Israel vẫn thận trọng về những hậu quả tiềm ẩn của bất kỳ hành động gây hấn nào trong tương lai”, ông Sweidan bình luận.
Ông tuyên bố rằng viễn cảnh chiến tranh không được bất kỳ bên nào ở Liban chấp nhận. Trong những năm gần đây, quốc gia này rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc do Covid-19 và các quyết định chính trị sai lầm gây ra. Kết quả là, ước tính có khoảng 80% người Liban sống trong cảnh nghèo đói, 35% sống dướng ngưỡng nghèo khổ.
Một cuộc đối đầu toàn diện với Israel sẽ giáng một đòn lớn hơn nữa vào nền kinh tế vốn đã mong manh. Nó có thể đẩy sự bất mãn của người dân lên cao và gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ, điều mà Hezbollah không thể chấp nhận.
Tuy nhiên, những gì nó có thể thực hiện được là các cuộc tấn công lẻ tẻ vào các mục tiêu của Israel, và chuyên gia Sweidan tin rằng hành động như vậy là nhằm mục đích đánh lạc hướng Israel khỏi Gaza.
Nỗ lực hòa giải
Trong khi đó, trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, Mỹ và Liên minh châu Âu đang tìm kiếm các nỗ lực hòa giải với hy vọng ít nhất có thể xoa dịu căng thẳng. Tháng trước, khu vực đã chào đón Amos Hochstein, Đặc phái viên và Điều phối viên đặc biệt của Mỹ về các vấn đề Năng lượng Quốc tế. Liban chứng kiến chuyến thăm của Josep Borrell, Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU.
Cuối tuần qua, ông Borrell đã gặp các quan chức Israel và Liban. Kế hoạch mà ông đề xuất rất đơn giản: thứ nhất, Hezbollah sẽ ngừng tấn công Israel và di chuyển lực lượng ra khỏi biên giới nước này, lùi sâu vào lãnh thổ Liban khoảng 10 km. Người Israel từ các cộng đồng phía Bắc sẽ được phép trở về nhà của họ và lực lượng gìn giữ hòa bình UNIFIL sẽ được triển khai.
Trong giai đoạn thứ hai, Israel và Liban sẽ bắt đầu đàm phán về biên giới đất liền vĩnh viễn, trong đó Washington hứa hẹn mang lại lợi ích cho nền kinh tế Liban để đổi lấy những nhượng bộ.
Các báo cáo cho thấy đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy nỗ lực hòa giải quốc tế sẽ mang lại kết quả. Đặc phái viên Hochstein một lần nữa được kỳ vọng sẽ có mặt tại khu vực này trong những ngày tới và được cho là sẽ đạt được bước đột phá. Nhưng ông Sweidan tỏ ra không mấy lạc quan.
Israel đang thúc giục các nhà hòa giải đẩy Hezbollah tiến sâu vào lãnh thổ Liban 10 km, vượt ra ngoài sông Litani. Nhưng cho đến nay, nhóm Hồi giáo vẫn từ chối nhượng bộ những yêu cầu này.
Regev cũng không tin vào nỗ lực hòa giải. Đối với cô, Hezbollah là đồng minh của Iran và không công nhận bất kỳ sự hiện diện nào của Israel trong khu vực, và vì vậy họ cần phải chiến đấu.
“Chúng ta cần tạo ra một thực tế là Hezbollah bị đẩy ra ngoài sông Litani. Chúng tôi cần một dải an ninh hoặc phải triển khai quân đội để tạo thành một loại vùng đệm nhằm bảo vệ chúng tôi”, người phụ nữ nói.
Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, cô và gia đình vẫn sẽ tránh xa biên giới để “ở bên phía an toàn”.