Cuộc tấn công trả đũa trực diện của Iran chống lại Israel đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai nước. Tối 13/4 (theo giờ địa phương), Iran đã mở cuộc tấn công quy mô lớn, huy động hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel. Tehran tuyên bố đây là đòn trả đũa vụ không kích ám sát một số lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ở Syria mà họ cáo buộc Israel đã tiến hành hôm 1/4.
Lúc này, giới quan sát đang tập trung vào phán đoán các phương án đáp trả của Israel. Và những tính toán của Tel Aviv được nhận định sẽ rất phức tạp. Nội các chiến tranh chỉ gồm ba người (Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Benny Gantz, lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia) của Israel ngày 14/4 đã nhóm họp, đưa ra cảnh báo cứng rắn sau cuộc tấn công của Iran.
Theo một quan chức Israel, cuộc họp nội các chiến tranh kéo dài hàng giờ và kết thúc vào tối Chủ nhật 14/4 mà không đưa ra quyết định về cách Israel sẽ phản ứng.
Quan chức này cho biết nội các chiến tranh quyết tâm đáp trả nhưng vẫn chưa quyết định về thời gian và phạm vi. Một trong những vấn đề nan giải chính mà nội các phải đối mặt là xác định xem Israel nên phản ứng nhanh như thế nào. Quan chức này cho biết quân đội Israel đã được giao nhiệm vụ đưa ra các phương án đáp trả bổ sung.
Theo tờ Foreign Policy, Israel luôn tin rằng tính răn đe “thiêng liêng” của mình là rất quan trọng đối với sự tồn tại của nhà nước và sự an toàn của công dân nước này. Hết lần này đến lần khác, Israel đã đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào, theo logic cơ bản nhất của lý thuyết răn đe: Khi ai đó đánh bạn, nếu bạn muốn chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ làm điều đó nữa, bạn hãy đánh trả họ mạnh gấp 10 lần. Thảm kịch ngày 7/10/2023 đã nhấn mạnh hơn nữa cam kết của Israel đối với cách tiếp cận này, sau nhiều năm họ cảm thấy đủ an toàn để thực hiện một số nỗ lực nhằm thu hút sự ủng hộ quốc tế lớn hơn.
Bất chấp cuộc tấn công bị cho là thất bại vừa qua của Iran (mà Tel Aviv tuyên bố đã bắn hạ 99% UAV và tên lửa phóng đến), Israel có thể vẫn cảm thấy cần phải tấn công Iran vào đâu đó để chứng minh rằng bản thân họ sẽ không bao giờ bị ngăn cản trong việc đáp trả, nhằm thể hiện khả năng răn đe của mình.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của Iran có phần được giới hạn một cách chủ đích và cơ bản bị vô hiệu hóa, đã khiến khả năng xảy ra phản ứng như vậy của Israel ít hơn, dù Israel cùng quân đội của họ đã sẵn sàng. Lúc này, cuộc chiến với Hamas vẫn đang tiếp diễn ở Gaza và Israel đã phát tín hiệu rằng họ có ý định loại bỏ “rốn tị nạn” Rafah bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả từ Washington. Hậu quả của chiến tranh là danh tiếng quốc tế của Israel đã sụt giảm, sự ủng hộ của Mỹ giảm sút và việc nối lại quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab vùng Vịnh đang bị tạm dừng. Người dân Israel có thể đã thấm thía mong muốn trở lại cuộc sống bình thường hơn, và nền kinh tế Israel đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ cả cuộc chiến tranh lẫn việc huy động ồ ạt lực lượng dự bị. Theo các nhà phân tích, hiện tại, quân đội Israel và chính phủ Israel về cơ bản đang tìm cách giải quyết các vấn đề quân sự chứ không phải là leo thang chúng.
Xem video Iran phóng tên lửa nhằm hướng lãnh thổ Israel tối 13/4/2024 (Nguồn: Dailymail)
Ngoài ra còn có những cân nhắc về kỹ thuật quân sự. Một điểm nhỏ nhưng quan trọng là vai trò của Jordan trong tất cả những điều này. Lực lượng Không quân Hoàng gia Jordan đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel không chỉ bằng cách bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Iran bay qua lãnh thổ Jordan mà còn được cho là đã mở không phận cho máy bay chiến đấu của Israel làm điều tương tự. Bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào cũng có thể làm được điều đầu tiên, nhưng hành động thứ hai lại là ngoại lệ. Người Israel chắc chắn sẽ không quên điều đó. Họ sẽ thận trọng khi tiến hành các cuộc tấn công của mình ngang qua không phận Jordan và không phận Saudi Arabia nếu không muốn làm suy yếu thêm nỗ lực bình thường hóa với Riyadh.
Cân nhắc đó khiến lựa chọn còn lại cho máy bay và tên lửa của Israel bay tới tấn công các mục tiêu Iran chỉ là tuyến Syria – Iraq hoặc Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq, và cả hai đều không phải là tuyến đường lý tưởng. Phạm vi của chúng tới nhiều mục tiêu quan trọng của Iran xa hơn các chuyến bay qua Jordan và Saudi Arabia. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của NATO với một lực lượng phòng không đáng gờm, trong khi ở Syria vẫn còn các tài sản đường không và phòng không của Nga đang hoạt động.
Về đường biển, Israel sở hữu nhóm tàu ngầm do Đức sản xuất có khả năng bắn tên lửa hành trình. Chúng có thể được triển khai ở Ấn Độ Dương, nơi tên lửa từ tàu sẽ chỉ bay qua vùng biển quốc tế và vùng biển của chính Iran. Nhưng họ chỉ có 5 chiếc với số lượng tên lửa hành trình hạn chế.
Những tính toán đó không thể ngăn cản một cuộc phản công của Israel vào Iran, bây giờ hoặc trong tương lai, nhưng nó chắc chắn làm phức tạp thêm vấn đề. Nó gợi ý rằng Israel có nhiều khả năng quay lại nhắm mục tiêu vào nhân viên và tài sản quân sự của Iran ở Syria và Liban (Lebanon), và có thể ở cả Iraq và Yemen, với mức độ ngày càng lớn hơn trong tương lai. Nói cách khác, Israel sẽ không bị cản trở bởi cuộc tấn công của Iran, nhưng có lẽ họ cũng sẽ không bị khiêu khích bởi nó.
Về phần mình, quan điểm của Mỹ rất đơn giản. Washington muốn tránh một cuộc chiến tranh khu vực có thể kéo theo lực lượng của họ, đồng thời làm rung chuyển thị trường quốc tế và làm phức tạp vị thế của các đồng minh Arab của Washington. Họ muốn bảo vệ Israel nhưng cũng muốn Israel kết thúc với chiến dịch ở Gaza. Những người đã có mặt trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng thâu đêm 13/4 có lẽ cũng là những người có niềm tin rằng cả Israel và Iran đều không có khả năng làm được gì nhiều hơn thế.
Tuy nhiên, dù cả Iran và Israel đều có lý do chính đáng để xuống thang, nền chính trị ở cả hai nước vẫn rất phức tạp, nỗi sợ hãi và sự bất ổn đang tăng cao. Một tính toán sai lầm đơn giản, chẳng hạn như niềm tin rằng kẻ thù chắc chắn sẽ leo thang, có thể khiến niềm tin đó bỗng "ứng nghiệm".