Jordan đối mặt với kịch bản xấu khi xung đột Israel - Hamas leo thang

Xung đột Israel - Hamas leo thang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Jordan.

Chú thích ảnh
Cuộc xung đột Israel - Hamas có tác động lớn đối với địa chính trị, kinh tế và xã hội của Jordan - nước có nửa dân số là người gốc Palestine. Ảnh: Anadolu

Bình luận với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, chuyên gia Recep T. Teke thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông (ORSAM) cho rằng cuộc khủng hoảng mới nổ ra ở Trung Đông giữa Israel và Hamas có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với các nước Arab láng giềng của Israel. Đứng đầu trong số các quốc gia này là Jordan, nơi có một nửa dân số là người gốc Palestine.

"Ranh giới đỏ" với Jordan

Xung đột giữa Israel - Palestine, vốn có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả chính sách đối nội và đối ngoại của Jordan trong lịch sử, tiếp tục đặt ra những vấn đề an ninh quan trọng nhất của vương quốc này. Do đó, diễn biến của cuộc chiến Israel - Hamas và cách chính quyền Jordan ứng phó với cuộc khủng hoảng này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với sự ổn định của Jordan. 

Việc Israel gây sức ép buộc người Palestine di tản và các cuộc biểu tình phản đối Israel ở Jordan là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với ổn định chính trị. Ngoài ra, việc kéo dài hoặc mở rộng xung đột có thể đe dọa ổn định kinh tế của Jordan khi làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế mà nước này đang đối mặt.

Do đó, Jordan tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel - Palestine. Theo Jordan, việc đạt được hòa bình công bằng và lâu dài trong khu vực sẽ chỉ có thể thực hiện được bằng cách thành lập một nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.

Quốc vương Jordan Abdullah II, trong tuyên bố ngay sau vụ tấn công của Hamas ngày 7/10, đã khẳng định tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước và lưu ý rằng cần chấm dứt tình trạng chiếm đóng của Israel để đạt được hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, chiến dịch tấn công trên bộ của Israel vào Gaza có nguy cơ dẫn đến việc Israel tái chiếm Gaza, chứ chưa nói đến giải pháp hai nhà nước. 

Trên thực tế, trước chiến dịch trên bộ của Israel nhằm vào Hamas, khả năng di tản “tạm thời” thường dân Palestine sống ở Gaza đến bán đảo Sinai của Ai Cập đã được đưa ra. Tuy nhiên, Quốc vương Abdullah kiên quyết phản đối việc đưa người tị nạn Palestine đến Ai Cập hoặc Jordan và nhấn mạnh rằng vấn đề này là "ranh giới đỏ" đối với họ, vì Jordan cho rằng việc định cư của người Palestine ở Gaza tại Sinai có thể tạo tiền lệ cho việc đưa người Palestine sống ở Bờ Tây đến Jordan.

Chính quyền Jordan coi việc di dời như vậy là "mối đe dọa hiện hữu" đối với an ninh quốc gia và ổn định chính trị của đất này. Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi thậm chí còn cứng rắn hơn, coi việc đẩy người Palestine sống ở Bờ Tây sang Jordan là “hành động chiến tranh” và thể hiện rõ quyết tâm của Jordan trong vấn đề này.

Tác động về chính trị, kinh tế và xã hội

Sự xuất hiện của hàng trăm nghìn người tị nạn Palestine tới Jordan sau cuộc chiến tranh Arab - Israel năm 1948 và 1967 đã có tác động tiêu cực đến Jordan về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, đồng thời gây ra sự thay đổi nghiêm trọng trong cơ cấu nhân khẩu học của Jordan.

Lo ngại rằng các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza sẽ mở đường cho một kịch bản tương tự, chính quyền Jordan đã công khai tuyên bố rằng vấn đề này tạo thành một "lằn ranh đỏ" đối với họ và bất kỳ nỗ lực nào theo hướng này sẽ bị coi là "gây chiến" khi Israel buộc người Palestine rời khỏi Gaza hoặc Bờ Tây. Ngoài ra, các quan chức Jordan lập luận rằng vấn đề Palestine cần được giải quyết trên vùng đất của người Palestine, lưu ý Jordan không phải là "quê hương thay thế" của người Palestine. 

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau cuộc không kích của quân đội Israel xuống thành phố Gaza, ngày 25/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Một trong những mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị ở Jordan là các cuộc biểu tình phản đối Israel. Cái chết của hàng nghìn thường dân Palestine trong các cuộc tấn công trả đũa của Israel vào Dải Gaza sau ngày 7/10 đã vấp phải phản ứng dữ dội của người dân Jordan. Trong các cuộc biểu tình phản đối Israel, hàng trăm người Jordan đã đổ xô đến biên giới Israel và yêu cầu chính phủ mở cửa biên giới để qua Bờ Tây.

Người Jordan cũng tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Israel ở Amman sau cuộc tấn công của Israel vào bệnh viện Baptist Al-Ahli ở Gaza. Người dân Jordan đang yêu cầu chính phủ nước này đóng cửa Đại sứ quán Israel và đáp trả hành động của Israel đối với người Palestine ở Gaza và Bờ Tây. Các cuộc biểu tình phản đối Israel ở Jordan vẫn chưa đến mức nhắm trực tiếp vào chính quyền, nói cách khác là đe dọa an ninh của chế độ. Tuy nhiên, việc Israel tiếp tục tấn công vào Gaza và Chính phủ Jordan không có phản ứng bảo vệ người Palestine sống ở Gaza có thể khiến sự phản kháng của người Jordan gia tăng.

Trong bối cảnh như vậy, rất có thể sự tức giận của người dân Jordan sẽ hướng tới các quan chức chính phủ. Nếu diễn biến leo thang theo chiều hướng này, chính quyền Jordan có thể cân nhắc các phương án đóng cửa đại sứ quán Israel hoặc thậm chí đình chỉ quan hệ với Israel để xoa dịu dư luận. Bởi vì nếu Chính phủ Jordan ngần ngại thực hiện các bước đi cụ thể đối với Israel, điều đó có nghĩa là họ sẽ đối đầu với người dân Jordan, những người rất nhạy cảm về vấn đề Palestine.

Ngoài ra, xung đột Israel - Hamas khiến ổn định kinh tế của Jordan gặp nguy hiểm. Cuộc khủng hoảng Israel - Palestine có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của Jordan. Những diễn biến khu vực và toàn cầu trong 10 năm qua đã khiến nền kinh tế Jordan ngày càng trở nên mong manh.

Các cuộc khủng hoảng toàn cầu như dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine cũng như các cuộc khủng hoảng khu vực như chiến tranh Syria và vấn đề Palestine là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế ở Jordan. Một cuộc chiến ngày càng leo thang giữa Israel và Hamas ở Gaza sẽ giáng một đòn mới vào nền kinh tế Jordan, vốn khá dễ bị tổn thương trước những cú sốc khu vực và toàn cầu.

Điều này cũng có khả năng khiến Jordan bất đồng với các đồng minh phương Tây về vấn đề Gaza và những khác biệt về chính sách giữa các bên liên quan đến cách tiếp cận với Israel sẽ ngày càng sâu sắc. Trong trường hợp như vậy, Jordan có thể bị tước đi các khoản vay, đầu tư và trợ cấp từ phương Tây mà nước này rất cần để ổn định kinh tế. 

Tóm lại, có thể thấy xung đột Israel - Hamas đã và đang khiến Jordan đối mặt với một số thách thức địa chính trị và kinh tế. Nhưng Jordan không có nhiều lựa chọn chính sách để giải quyết những thách thức này. Jordan, quốc gia có ảnh hưởng chính trị đối với cả Israel lẫn Hamas, nhưng lại không có khả năng tác động đến diễn biến của cuộc xung đột. Hơn nữa, Quốc vương Abdullah, người đã gặp nhiều nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế, cũng không thể thuyết phục được phương Tây kiềm chế Israel.

Do đó, chính quyền Jordan đang ở trong tình thế rất dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa an ninh do xung đột Israel - Hamas gây ra. Đặc biệt, hoạt động trên bộ cùng mong muốn thay đổi hiện trạng ở Gaza và Bờ Tây của Israel có thể dẫn đến bất ổn ở Jordan. Sự bất ổn của Jordan, nơi được mệnh danh là “pháo đài ổn định” ở Trung Đông, sẽ gây ra hậu quả tàn khốc đối với khu vực, đặc biệt là với Đông Địa Trung Hải cũng như vùng Vịnh. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo aa.com.tr)
Jordan và WFP thúc đẩy nỗ lực tăng cường viện trợ cho Gaza
Jordan và WFP thúc đẩy nỗ lực tăng cường viện trợ cho Gaza

Quốc vương Jordan Abdullah II ngày 22/10 đã gặp Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Cindy McCain tại Amman để thảo luận về vấn đề cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN