Trung Quốc đang nhân đôi đặt cược vào chiến lược Zero-Covid (không COVID) trong bối cảnh biến thể mới Omircon cùng với bùng phát lây nhiễm trên thế giới sẽ đóng vai trò là bài kiểm định đối với năng lực phòng vệ y tế của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) Mi Feng ngày 30/11 cho biết số ca mắc mới COVID-19 đang tăng trên toàn cầu, với số lượng tính theo ngày gần bằng mức đỉnh tại các làn sóng lây nhiễm trước đó.
“Biến thể Omicron cũng đang lây lan ở một số nước và khu vực, tạo thêm sức ép ngày một lớn đối với Trung Quốc trong việc ngăn chặn biến thể mới xâm nhập vào Trung Quốc”, bà Mi Feng nói. Trung Quốc từ đầu hè đến nay cũng đã trải qua một số đợt dịch do biến thể Delat gây ra.
Giới chức Trung Quốc hiện chưa có bất kỳ thay đổi nào trong phương thức chống dịch, ngay cả khi Omicron xuất hiện và làm thế giới hốt hoảng. Với người từ nước ngoài, Trung Quốc vẫn chọn cách đóng cửa biên giới một phần, hạn chế người nhập cảnh. Trung Quốc cấm hầu hết người nước ngoài, từ du khách đến sinh viên, nhập cảnh, nhưng vẫn duy trì một số đường bay quốc tế trong suốt đại dịch. Số hành khách ít ỏi được nhập cảnh, cũng như những công dân Trung Quốc về nước, phải đi cách ly tập trung ít nhất 14 ngày, thậm chí có thể bị kéo dài tới 28 ngày, tiếp đó là thời gian theo dõi y tế tại nhà.
NHC cho biết các biện pháp phòng bệnh hiện hành - dựa nhiều vào đóng cửa tức thời, xét nghiệm thường xuyên, cách ly, đeo khẩu trang bắt buộc, vẫn sẽ hiệu quả trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, chính quyền sẽ tăng cường giám sát tại các khu vực biên giới, cửa khẩu, tập trung kiểm soát nhóm ngành nghề và khu vực thuộc diện nguy cơ cao.
“Chúng ta phải bám sát xu hướng dịch bệnh ở các nước và khu vực liên quan. Phải tích hợp dữ liệu về khách nhập cảnh, hàng hóa nhập khẩu và giám sát môi trường ở những khu vực then chốt, tăng cường phân tích và cảnh báo sớm”, ông Cui Gang, chuyên gia cao cấp của NHC nói.
Chuyên gia Cui Gang cũng cho biết người và hàng hóa đến từ những nước có “diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng” có thể sẽ thuộc diện đối tượng tăng cường kiểm soát, xét nghiệm cũng như những hạn chế khác, kể cả lệnh dừng bay. Xét nghiệm COVID-19 với nhân viên, người lao động ở khu vực nguy cơ cao như khu vực sân bay, cửa khẩu sẽ được mở rộng, tăng cường hơn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt Omicron là “biến thể đáng quan ngại” sau khi các nhà khoa học khám phá ra những thay đổi trong cấu trúc của virus. Điều này đồng nghĩa với việc Omicron có khả năng lây nhiễm cao, kháng được vaccine, phác đồ điều trị cũng như các biện pháp phòng dịch y tế cộng đồng. Thay đổi lớn nhất ở Omicron chính là số lượng đột biến tăng mạnh tại protein gai (spike protein) – bộ phận đóng vai trò then chốt để virus xâm nhập vào cơ thể người và cũng chính là điểm mà vaccine và liệu pháp điều trị nhắm tới.
Nhưng các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem liệu Omicron có nguy hiểm như lo ngại ban đầu hay không. Xu Wenbo, Viện trưởng Viện Kiểm soát và Phòng chống các bệnh do virus thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho rằng Omicron không chỉ xuất hiện ở châu Phi, mà còn ở nhiều quốc gia khác ngoài châu Phi và có thể đang lây lan trong cộng đồng.
Điều này có nghĩa biến chủng có cơ hội cao đang xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, nhưng chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc vẫn đủ sức để ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng do biến thể Omicron – ông Wenbo bày tỏ. Chuyên gia này cũng khẳng định biện pháp và công cụ xét nghiệm hiện hành giúp Trung Quốc có thể xác nhận bất kỳ ca nhiễm Omicron nào.
Chiến lược "không Covid" được Trung Quốc duy trì suốt từ đầu dịch cho tới nay, ngay cả khi phần lớn thế giới dần chấp nhận sống chung với đại dịch. Truyền thông nhà nước cùng giới chuyên gia Trung Quốc gần đây ca ngợi Zero-Covid là hướng đi đúng đắn, đặc biệt là trong bối cảnh những biến chủng như Omicron xuất hiện.