"Các kẻ thù của Nga nên suy nghĩ lại". Đó là thông điệp của Tổng thống Vladimir Putin khi ông thị sát vụ phóng thử thành công tên lửa xuyên lục địa Sarmat cực kỳ tiên tiến của Nga – được phương Tây định danh là Satan 2. Tên lửa này có thể “vượt qua mọi phương tiện phòng thủ tên lửa hiện đại”, ông Putin phát biểu trên truyền hình Nga.
Mặc dù điều đó có thể cho thấy sức mạnh quân sự to lớn của Moskva, nhưng khi quân đội Nga phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu chiến dịch quân sự tại Ukraine, thì siêu phẩm vũ khí đáng sợ này được cho là sẽ không tạo được sự khác biệt trên chiến trường ở Donbas ngay lập tức.
Satan 2, tên chính thức là Sarmat, là tên lửa đạn đạo lớn nhất trong lịch sử. Nó đã được phát triển trong gần hai thập kỷ và là một vũ khí đáng sợ với tầm bắn hơn 10.000km, tốc độ tiềm năng Mach 20 (gấp 20 lần tốc độ âm thanh) cùng với khả năng đánh lừa và né tránh các hệ thống phòng thủ chống tên lửa bằng cách thay đổi vận tốc và cơ động liên tục. Satan 2 cũng có khả năng triển khai tới 15 đầu đạn hạt nhân chỉ trong một cuộc tấn công. Giả sử, nếu được bắn vào Tây Âu, một tên lửa Satan có thể tàn phá 15 thành phố ở nhiều quốc gia!
Xem video Nga phóng tên lửa Satan 2 (Sarmat) từ vùng Plesetsk, tây bắc Nga, dưới sự theo dõi của Tổng thống Putin ngày 20/4 vừa qua: (Nguồn: The Sun)
Không nghi ngờ gì nữa, vụ phóng thử tên lửa Satan sẽ làm dấy lên cảnh báo với một số người ở phương Tây rằng nước Nga có thể "tiến tới [vũ khí] hạt nhân”. Nhưng trong cuộc xung đột đang diễn ra tại khu vực Donbas, miền đông Ukraine, hoạt động hậu cần và các loại vũ khí tiên tiến thông thường nhỏ hơn, rẻ hơn, mới tạo nên sự khác biệt thực sự, chứ không phải tên lửa xuyên lục địa.
Đó cũng là lý do giới chức và công chúng Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí, lời kêu gọi vừa nhận được phản hồi từ Mỹ với việc Tổng thống Biden công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 800 triệu USD hôm 21/4. Gói viện trợ này sẽ bao gồm 72 pháo và xe kéo, 144.000 viên đạn pháo và hơn 120 máy bay không người lái được thiết kế riêng cho nhu cầu của Ukraine.
Khi các lực lượng Nga tìm cách mở rộng quyền kiểm soát của hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, đồng thời thiết lập một cầu nối đất liền với bán đảo Crimea, thì giới quan sát nhận định, chính những loại vũ khí như máy bay không người lái do thám và vũ trang, pháo chống tăng, vũ khí chống tăng hạng nhẹ như NLAW của Anh, mới quyết định kết quả của các cuộc giao tranh sắp tới.
Có thể nhìn lại vụ chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga vào ngày 14/4. Phía Ukraine tuyên bố tên lửa Neptune do nước này tự sản xuất đã tấn công con tàu. Neptune là tên lửa chống hạm có từ thời Liên Xô, mới được Ukraine đưa vào trang bị cách đây hơn một năm. Cũng có một số báo cáo cho rằng một máy bay không người lái vũ trang Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có thể đóng một vai trò nào đó trong số phận của con tàu.
Các quan chức Ukraine ước tính khoảng một nửa số xe tăng của Nga thiệt hại kể từ khi bắt đầu xung đột ngày 24/2 đã bị vô hiệu hóa hoặc bị phá hủy bởi tên lửa chống tăng vác vai “bắn và quên” NLAW của Anh, hoặc phiên bản nặng hơn một chút, Javelin của Mỹ. Cả hai loại vũ khí này đều tự động dẫn đường tới mục tiêu sau khi phóng, cho phép xạ thủ di chuyển nhanh sau khi khai hỏa, và khiến đối phương rất khó để xác định nhanh vị trí phóng. Theo các quan chức, Anh đã gửi hơn 4.200 quả tên lửa NLAW và Mỹ cung cấp trên 2.000 quả Javelin cho Ukraine, thêm 2.000 quả khác đang trên đường chuyển giao.
Tuy vậy, quân đội Ukraine thừa nhận rằng, những loại vũ khí này dù đạt hiệu quả cao trong các trận chiến ở giai đoạn đầu, khi xung đột chủ yếu tập trung ở vùng đông bắc và phía đông thủ đô Kiev, nhưng có thể khó phát huy lợi thế ở Donbas. Vùng nông thôn rộng rãi, bằng phẳng của khu vực này tương phản với cảnh quan nhiều cây cối, rừng rậm rạp bao quanh thủ đô Kiev, vốn phù hợp hơn cho lối đánh phục kích. Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từng đề cập đến điều kiện địa hình khác biệt ở Donbas khi ông công bố gói viện trợ vũ khí mới.
Do vậy, các quan chức Ukraine và chiến lược gia quân sự phương Tây đều đồng ý rằng cuộc chiến ở Donbas có thể dựa vào máy bay không người lái. Đội quân này sẽ quyết định liệu chiến dịch của Nga sẽ thành công hay bị đẩy lùi. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn là bên nào sẽ có đủ lực lượng drone vũ trang. Theo một nhà hoạch định chính sách quân sự Anh thì lực lượng Nga có khả năng cạn nguồn cung drone nhanh hơn.
Tầm quan trọng này của máy bay không người lái được nhấn mạnh trong gói vũ khí mới nhất của Mỹ, bao gồm 112 máy bay không người lái Phoenix Ghost tối tân, được bảo mật cao. Chúng có thể hạ gục xe tăng và các phương tiện bọc thép khác, tự dẫn đường đến mục tiêu và chỉ sử dụng một lần. Người ta biết rất ít về khả năng đầy đủ của “Bóng ma Phượng hoàng”, chỉ biết rằng chi phí sản xuất chúng tương đối rẻ.
Kiev cho biết các lực lượng Nga đã triển khai thêm máy bay không người lái trinh sát Orlan-10 ở Donbas, để lập bản đồ phòng thủ của Ukraine và xác định mục tiêu cho các cuộc pháo kích. Nhưng Orlan-10 bay thấp và dễ bị bắn hạ. Tương tự như vậy, các máy bay không người lái Bayraktar của Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cũng đối mặt rủi ro lớn hơn nhiều ở miền đông Ukraine – theo đánh giá của chuyên gia Justin Bronk tại Viện Các lực lượng Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức tư vấn quốc phòng của Anh.
Ông Bronk nói: “Mật độ các hệ thống phòng không trên mặt đất của Nga cũng lớn hơn nhiều”. Và ông cảnh báo rằng "Nga có thể sẽ chiếm ưu thế trên không cục bộ ở Donbas trong giai đoạn tiếp theo của chiến dịch trên bộ”.
Ông Bronk dự đoán các máy bay không người lái tấn công của Nga sẽ tự do hoạt động trên bầu trời Donbas nhiều hơn so với khi ở gần Kiev. Chúng sẽ được bảo vệ tốt hơn bởi các hệ thống phòng không trên mặt đất.
Tuy nhiên, ông Bronk và các nhà phân tích quân sự khác đặt câu hỏi liệu lực lượng không quân Nga có thực sự có khả năng khai thác quyền tự do cơ động lớn hơn này hay không, vì họ đang thiếu đạn dẫn đường chính xác và các phi công không có đủ giờ huấn luyện để học các kỹ năng phức tạp cần thiết về hỗ trợ gần cho phi đội drone.