Cho tới nay, cùng với chính sách phong tỏa về ngoại giao, các quốc gia Arab vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu còn thực thi một loạt biện pháp cô lập về kinh tế, tài chính, ngân hàng, giao thông (đường không, đường bộ và đường biển)... nhằm gia tăng sức ép buộc Qatar phải thay đổi chính sách liên quan đến các vấn đề khu vực. Thậm chí, để siết chặt "vòng vây" cô lập Qatar, Saudi Arabia mới đây còn sử dụng đòn bẩy "hỗ trợ kinh tế" để hối thúc Iraq và Sudan tham gia chiến dịch phong tỏa Qatar, đồng thời kêu gọi một số đối tác thương mại ngừng các mối quan hệ làm ăn với Doha. Đỉnh điểm của căng thẳng là việc 4 nước láng giềng Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đưa ra "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách buộc Qatar thực hiện để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ. Động thái trên đã "đổ thêm dầu vào lửa" bởi Doha coi "tối hậu thư" này không nhằm mục đích giải quyết vấn đề khủng bố, mà là xâm phạm chủ quyền và làm suy yếu Doha.
Ngoại trưởng bốn nước Arab gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain trong cuộc họp khẩn tại Cairo. Ảnh: THX/ TTXVN |
Trên thực tế, thái độ cứng rắn mang tính đe dọa của các nước Arab đối với Qatar đang khiến viễn cảnh giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh ngày càng trở nên mờ mịt bởi khó có khả năng Doha sẽ chấp nhận những điều kiện như đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar và chấm dứt tài trợ các tổ chức như Anh em Hồi giáo. Qatar cũng thể hiện thái độ kiên quyết kiểu "ăn miếng trả miếng", một mặt bác bỏ cáo buộc của các nước Arab, mặt khác đưa ra "điều kiện ngược lại" và đe dọa rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), liên minh kinh tế và chính trị liên chính phủ của các nước Arab vùng Vịnh.
Tình thế bế tắc của cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đã và đang tác động xấu đến các bên và đương nhiên Qatar là nước chịu tổn thất nhiều nhất. Tình trạng bị cô lập đang gây thiệt hại một cách toàn diện đến nền kinh tế Qatar và có nguy cơ đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Kinh tế Qatar được dự báo sẽ giảm 1,2% trong năm 2017 và 2% năm kế tiếp. Nếu căng thẳng ngoại giao kéo dài, nền kinh tế và tài chính của Qatar chắc chắn phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng. Giá cả leo thang và những hiểm nguy của lạm phát sẽ là những thách thức lớn.
Vì là nhà nhập khẩu thực phẩm chủ chốt, giá cả các loại hàng hóa, thậm chí giá các thực phẩm cơ bản, gia tăng đáng kể ở Qatar. Bên cạnh đó, tình trạng "tháo chạy" của các nguồn tiền gửi, trong đó riêng Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã rút 16 tỷ USD tiền gửi ngắn hạn từ các ngân hàng Qatar, cũng sẽ làm gia tăng chi phi đi vay. Trong khi thị trường chứng khoán lao dốc, đồng nội tệ riyal của Qatar tiếp tục mất giá. Rạn nứt ngoại giao cũng gây hiệu ứng tiêu cực tới các hoạt động giao thương, du lịch cũng như dòng chảy của các luồng vốn, nhân tố có thể làm đình trệ các dự án hạ tầng với vốn đầu tư hơn 200 tỷ USD mà Qatar đang triển khai để đăng cai World Cup 2022, nhất là khi Doha phụ thuộc vào tuyến đường bộ để vận chuyển vật liệu xây dựng từ Saudi Arabia. Thậm chí, Qatar có nguy cơ mất quyền đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh vì nhiều công ty thầu khoán nước ngoài có thể rút khỏi các dự án nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục bế tắc.
Về phía các nước Arab vùng Vịnh, mâu thuẫn với Qatar có thể không gây tổn thất đáng kể về kinh tế, song một khi quan hệ ngoại giao sứt mẻ, sự ổn định tạm thời giữa các nước đồng minh trong GCC sẽ bị phá vỡ, ảnh hưởng tới vị thế và uy tín của GCC. Sự chia rẽ giữa các nước Arab Hồi giáo trong khu vực ngày càng lộ rõ, trong khi thế cân bằng địa chính trị tại khu vực đang thay đổi do Qatar có xu hướng xích lại gần Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ, những nước công khai ủng hộ Doha trong cuộc xung đột ngoại giao tại vùng Vịnh. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn lợi ích vốn âm ỉ giữa các quốc gia vùng Vịnh có nguy cơ càng phức tạp trong vòng xoáy tranh giành ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran.
Có thể nói, diễn biến cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh rất khó dự báo, song kịch bản "xung đột vũ trang toàn diện" giữa Qatar và các nước Arab vùng Vịnh ít có khả năng xảy ra bởi nhiều lý do. Trước hết, do còn đang "mắc kẹt" trong cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh ở Yemen, Saudi Arabia không muốn "sa lầy" thêm nữa trong các cuộc xung đột khu vực. Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế do giá dầu thấp, Saudi Arabia đang cố gắng thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện kế hoạch cải tổ sâu rộng "Tầm nhìn kinh tế 2030" với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ.
Chiến tranh và xung đột sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và đây là điều không mong muốn của Riyadh. Trong khi đó, Mỹ vẫn cố gắng thúc đẩy các nỗ lực hòa giải và không sẵn sàng cho "kịch bản chiến tranh" khi Qatar hiện là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid lớn nhất của Washington ở Trung Đông với khoảng 10.000 quân. Hơn nữa, hai nước có quan hệ kinh tế khá tốt và Qatar cũng là thị trường vũ khí đáng kể của Mỹ tại Trung Đông. Mặt khác, Washington đang muốn duy trì mối quan hệ đồng minh với tất cả các nước Arab vùng Vịnh, trong đó Saudi Arabia và Qatar đều nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực. Quan trọng hơn nữa, mọi động thái của Saudi Arabia cùng các nước Arab chỉ nhằm mục tiêu buộc Qatar phải "thay đổi chính sách" và các nước này có thể sẽ không dám "đi quá xa" vì Saudi Arabia nói riêng và các thành viên GCC nói chung thực sự không muốn mất đồng minh Qatar về tay Iran, một địch thủ khu vực của Riyadh.
Tuy nhiên, nếu không sớm được giải quyết, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh có nguy cơ rơi vào vùng xoáy rủi ro mới kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng hơn, tác động tới nhiều bên và gây ra những thiệt hại nặng nề. Để giải quyết mối bất hòa hiện nay, các nước Arab vùng Vịnh và Qatar cần phải có sự thỏa hiệp và nhượng bộ nhất định, dựa trên lợi ích hài hòa của các bên.