Kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh từ trước khi Mỹ tăng thuế

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp – sản lượng của các lĩnh vực công nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc – đã giảm từ 8,5% hồi tháng 3 xuống còn 5,4% vào tháng 4. 

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc trong kho hàng của trang web bán lẻ trực tuyến TMall.com tại Giang Môn, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: EPA

Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc rõ rệt trong tháng 4, tháng cuối cùng trước khi lệnh tăng thuế quan mới lên đến 25% của Mỹ có hiệu lực từ ngày 10/5, khi cả tăng trưởng sản xuất công nghiệp lẫn doanh thu bán lẻ đều bị sụt giảm đáng kể.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), những số liệu ngày 15/5 cho thấy kinh tế của quốc gia châu Á này đang bị mất lực đẩy như nó từng đạt được trong quý 1, tại thời điểm cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. 

Trong tuần qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lần lượt tung đòn đáp trả biện pháp tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của nhau, ngay hiện cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại trong thời gian gần – vừa mới nhen nhóm được 2 tuần – đã mờ nhạt.  

Dữ liệu yếu ớt này cũng có thể gợi lại cuộc tranh cãi liệu Chính phủ Trung Quốc cần kích hoạt thêm nhiều phương án kích thích tiền tệ và tài chính để hỗ trợ nền kinh tế hay không. Sau khi các chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1 đạt được mạnh mẽ hơn dự báo, Bắc Kinh đã hạ thấp nhu cầu kích thích thêm nền kinh tế. 

Sản xuất công nghiệp – phương pháp tính sản lượng của các ngành công nghiệp, bao gồm chế tạo, khai thác mỏ và các mặt hàng thiết yếu – đã tăng trưởng 5,4% vào tháng 4, đạt dưới cả dự báo 6,5% của các nhà kinh tế học do Bloomberg tiến hành. Đó cũng là chỉ số thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. 

Trong lĩnh vực công nghiệp, sản lượng sản xuất tháng 4 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ 8,5% của tháng 3. Tình trạng này sẽ reo rắc nỗi sợ về năng lực của các nhà sản xuất Trung Quốc để đương đầu với cuộc chiến mậu dịch leo thang với Mỹ, trong đó họ phải thuế cao hơn để nhập khẩu và xuất khẩu. 

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng mua hàng tại một siêu thị ở Hàm Đan, Hà Bắc. Ảnh: Reuters

Chính phủ Trung Quốc cũng bày tỏ sự thấu hiểu về những lo ngại này bằng việc lần đầu tiên đưa ra một cơ chế loại trừ trong đợt áp thuế mới nhất đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 1/6 nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có cơ hội nộp đơn xin miễn trừ. Theo giới phân tích, cơ chế này được thành lập để hỗ trợ các ngành công nghiệp và nhà tuyển dụng trọng yếu trong nước. 

Doanh số bán lẻ, biện pháp tính nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc, đạt tăng trưởng 7,2% trong tháng 4 so với năm trước đó. Số liệu này cũng thấp hơn mức dự đoán 8,6% trước đó, đồng thời cho thấy nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở đất nước đông dân nhất thế giới. Đáng chú ý, đây là chỉ số doanh số bán lẻ thấp nhất từ tháng 5/2003 khi đó tăng trưởng chỉ 4,3%. Điều này cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh để kích cầu tiêu dùng đang dần cạn kiệt.  

Đầu tư tài sản cố định - phương pháp tính chi tiêu vào các tài sản vật chất như bất động sản, cơ sở hạ tầng và thiết bị - tăng trưởng 6,1%, thấp hơn so với số liệu 6,3% của 3 tháng đầu năm và cũng thấp hơn dự báo của Bloomberg. 

Sự sụt giảm tổng thế này – trong khi không được giới chuyên gia dự báo – đã được minh chứng bởi những chỉ số khác. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất, thước đo sự nhanh nhạy của các nhà điều hành sản xuất, đã giảm xuống 50.1 trong tháng 4, dưới mức dự đoán trung bình của Bloomberg. 

Sản lượng xuất khẩu giảm 2,7% so với 14,2% của tháng 3 và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 6,4% trong quý đầu năm. Trong khi đó, số liệu ngày 14/5 cho thấy sản lượng và doanh thu bán xe ô tô tháng 4 cũng giảm còn 14,45%, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Số liệu này cho thấy các biện pháp kích thích của Bắc Kinh bắt đầu giảm dần. Bắc Kinh đã tiến hành nhiều đợt cắt giảm lãi suất cho ngân hàng, thúc đẩy dòng chảy tín dụng vào nền kinh tế. 

Những biện pháp trên đã dẫn đến tăng trưởng quý 1 vượt dự báo, trong đó nhiều nhà phân tích chính trị đánh giá là đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc thực hiện các chính sách thương mại mạnh mẽ hơn để trả đũa Mỹ.

Tuy nhiên, với việc 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế tăng lên 25% và áp khung thuế mới này với hầu hết các sản phẩm xuất khẩu còn lại của Trung Quốc sang Mỹ, trị giá khoảng 300 tỷ USD, hãy chờ đợi xem Bắc Kinh sẽ sử dụng “vũ khí” nào tiếp theo để bảo vệ nền kinh tế quốc gia. 

Vòng trừng phạt thuế 25% đầu tiên đã bắt đầu có hiệu lực, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Trung Quốc bị hạn chế biện pháp đối phó. Một loạt thuế quan được gọi là Danh sách 4, nhắm tới số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD còn lại – trong đó có dược phẩm và khoáng sản đất hiếm - rất có thể sẽ mất vài tháng để đi vào hoạt động.

Trong khi điều này cho các nhà đàm phán thêm thời gian để đạt được một thỏa thuận, nó cũng cho các doanh nghiệp thời gian để đẩy sớm đơn đặt hàng xuất khẩu. Vì danh sách này lần đầu đánh thuế cao đối với hàng hóa như điện thoại thông minh nên người mua ở Mỹ có thể sẽ giành giật nhau để mua điện thoại ngay thời điểm hiện tại để có giá thấp hơn.

Thực tế rằng các số liệu trên đều thấp hơn dự báo cho thấy biện pháp trừng phạt của Mỹ đang bắt đầu tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, ngay khi áp lực về vòng trừng phạt mới vừa xuất hiện. 

Xuân Chi/Báo Tin tức
Đánh giá ‘kho vũ khí’ của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Đánh giá ‘kho vũ khí’ của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Đòn đáp trả mới nhất của Trung Quốc chống lại chiêu tăng thuế quan 25% của Mỹ - tăng 60 tỷ USD tiền thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ kể từ ngày 1/6 – có thể khiến Bắc Kinh "hết đạn" trong cuộc chiến thương mại nan giải này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN