Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong phiên điều trần của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC) tại Washington, ông Logan Wright, chuyên gia của công ty tư vấn rủi ro Rhodium Group, nhận định: “Mỹ không còn phải đối mặt với thách thức tăng trưởng từ Trung Quốc. Bắc Kinh không còn là mối đe dọa về nhịp độ kinh tế hay có khả năng vượt Mỹ về bất kỳ thước đo sức mạnh kinh tế quan trọng nào trong 2 thập kỷ tới”.
Ông Nicholas Borst tại Tổ chức cố vấn đầu tư Seafarer Capital Partners, bình luận rằng Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ phải tập trung cao độ vào các nỗ lực giải quyết các thách thức kinh tế nội bộ trong vài năm tới. Nước này sẽ tăng cường kiểm soát các khu vực tư nhân đã gây tổn hại cho một số lĩnh vực năng động và sáng tạo nhất của nền kinh tế.
Bình luận của các chuyên gia tại USCC được đưa ra sau một loạt dữ liệu kinh tế ảm đạm của Trung Quốc. Chẳng hạn, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, ghi nhận mức giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 282 tỷ USD - mức giảm hàng năm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.
Các số liệu chính thức gần đây nhất của Trung Quốc cho thấy doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư của nước này đều có mức tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong tháng 7. Theo số liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia hôm 18/8, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm mạnh 87% trong quý 2 năm nay.
Giới chuyên gia cho rằng những số liệu đó cho thấy Trung Quốc sẽ không còn khả năng tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Trung Đông và châu Phi, còn được gọi là các quốc gia “Nam bán cầu”.
Nỗ lực cho vay của Bắc Kinh, chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, đã giúp các nền kinh tế ở những khu vực này hội nhập chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Các khoản vay này cũng thúc đẩy Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi động các sáng kiến như Diễn đàn kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu.
Chuyên gia Wright ước tính rằng kể từ năm 2020, khoảng 78 tỷ USD trong các khoản vay này vẫn chưa được trả hoặc đang được đàm phán lại. Theo ông, cách Trung Quốc tham gia vào quá trình đàm phán chính là việc hiện thực hoá chính sách ngoại giao đối ngoại của đất nước trong bối cảnh kinh tế giảm tốc.
“Nếu Bắc Kinh không cung cấp biện pháp giảm nợ có ý nghĩa, và các quốc gia vay nợ phải vật lộn với áp lực tài chính nghiêm trọng, thì các quốc gia đó sẽ cần một số nguồn tài chính mới bổ sung”, ông Wright nói.
Với thời cơ này, ông Wright kêu gọi Quốc hội Mỹ hợp tác với những nước cho vay khu vực tư nhân “để cung cấp một số giải pháp thay thế, loại Bắc Kinh khỏi trung tâm của khía cạnh ngoại giao kinh tế đó”.
Hồi tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với các nhà lập pháp rằng Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tăng cường tham gia vào quỹ đầu tư khu vực tư nhân của Nhóm Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và Quỹ Phát triển châu Phi.
“Những khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy sự tham gia của chúng ta vào khu vực này trong thời điểm cạnh tranh địa chính trị”, bà Yellen nói trong phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện.
Đầu tháng này, Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội cấp hơn 40 tỷ USD “tài trợ khẩn cấp” để hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại của đất nước - bao gồm 2,3 tỷ USD cho các khoản đầu tư của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm đối trọng với các chương trình cho vay của Trung Quốc.
Song trong khi các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ khó vượt qua những thách thức kinh tế trong thời gian ngắn, họ đều bác bỏ đề xuất từ một trong những ủy viên của USCC, Randall Schriver, rằng Chính phủ Mỹ nên gây áp lực lên Bắc Kinh khi nền kinh tế của nước này đang suy giảm.
Chuyên gia Wright phản bác rằng cách tiếp cận đó sẽ khiến Tổng thống Biden “khó khăn hơn nhiều” trong việc duy trì liên kết với chính sách của Liên minh châu Âu về Trung Quốc, điều mà nhà lãnh đạo Mỹ đã nỗ lực xây dựng.
Ông Zongyan Zoe Liu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đồng ý với quan điểm của ông Wright. Ông nhấn mạnh rằng các động thái nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ phá hủy phần lớn sự phối hợp chính sách mà Tổng thống Biden đã nhất trí với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia Borst cho biết “các biện pháp cực đoan” nhằm cô lập Trung Quốc sẽ tăng áp lực lên Bắc Kinh về mặt kinh tế, nhưng “về lâu dài, điều này thực sự sẽ gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ”.
“Tôi vẫn nghĩ rằng một Trung Quốc bị cô lập là mối nguy hiểm lớn hơn đối với lợi ích của Mỹ so với một Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với thế giới”, ông Borst nhận định.