Các quốc gia như Bosnia, Bulgari, Serbia và Croatia đều từng cảm nhận tình cảnh khốn khổ khi Moskva khoá van khí đốt trong vụ tranh chấp hợp đồng vào năm 2009. Trên khắp vùng Balkan, các nhà máy đóng cửa, mạng lưới sưởi ấm đô thị chật vật tìm nhiên liệu thay thế, thậm chí một số người dân đã phải chặt cây để làm củi.
13 năm sau, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine lại làm dấy lên nguy cơ bất ổn nguồn cung năng lượng từ Nga. Đây sẽ là bài kiểm tra xem Đông Nam Âu có thể nhanh chóng kết hợp với các nhà cung cấp thay thế như Azerbaijan, mở rộng sản xuất tại địa phương và thúc đẩy chuyển giao khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hay không.
Trên thực tế khu vực này đã đạt được một số tiến bộ, họ có các giải pháp thay thế cho độc quyền khí đốt của tập đoàn Gazprom, Nga. Hy Lạp đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga xuống còn khoảng 40% từ 82% vào năm 2009. Sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng Bulgari dự kiến sẽ mở một đường liên kết khí đốt quan trọng qua biên giới Hy Lạp vào đầu tháng 7 cho phép nhiều khí đốt không phải của Nga vào khu vực.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết trong cuộc họp gần đây với Ngoại trưởng Israel Yair Lapid tại Athens: “Tất cả chúng ta đều cố gắng đa dạng hóa các nguồn để tránh xa dầu và khí đốt của Nga, nên vùng Đông Địa Trung Hải càng trở nên quan trọng hơn. Tất cả các dự án kết nối ở Đông Địa Trung Hải, cho dù thông qua đường ống, LNG hay kết nối điện, đều phải được chúng tôi xem xét rất cẩn trọng”.
Nhưng điều đó không có nghĩa là người Balkan có thể chia tay Gazprom một cách dễ dàng.
Cuộc chia tay không dễ dàng
Một dự án lớn nhằm đưa thêm LNG vào Hy Lạp sẽ chưa hoàn toàn sẵn sàng cho đến cuối năm 2023 và các kế hoạch phát triển mỏ khí đốt dưới biển Đông Địa Trung Hải đã bị trì hoãn nhiều do căng thẳng địa chính trị và thiếu khả năng kinh tế.
Mặc dù Azerbaijan muốn tự coi mình là vị cứu tinh tiềm năng cho châu Âu, nhưng vẫn còn vài năm nữa họ mới có thể tăng cường xuất khẩu một cách đáng kể thông qua Đường ống xuyên Adriatic (TAP), chạy qua Hy Lạp và Albania và ngầm dưới biển Adriatic tới Italy. Đường ống này có thể vận chuyển 10 tỷ mét khối khí mỗi năm và nó đã gần hết công suất.
Các nước trong khu vực đang hết sức cảnh giác với việc EU tấn công Nga bằng các biện pháp trừng phạt khí đốt. Nếu như khoảng 40% tổng nhu cầu khí đốt của châu Âu đến từ Nga, các quốc gia như Bulgaria, Serbia, Bắc Macedonia và Bosnia hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu khí đốt Nga. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nói "không" thẳng thừng với các lệnh trừng phạt khí đốt của EU; Bulgaria đang tìm cách miễn trừ bất kỳ hành động nào như vậy và Thủ tướng Mitsotakis của Hy Lạp cảnh báo rằng lệnh cấm vận năng lượng sẽ “đau đớn” với người châu Âu hơn là với Nga.
Sức mạnh của sự đa dạng
Một cuộc chạy đua ở Đông Nam Âu đang diễn ra nhằm thúc đẩy sản xuất địa phương và kết nối khí đốt để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.
Đường ống TAP được cho là sẽ tăng gấp đôi công suất lên 20 tỉ mét khối/năm trong vòng 5 năm tới. Một cảng tiếp nhận LNG nổi tại Alexandroupolis ở miền bắc Hy Lạp, với công suất 5,5 tỉ mét khối/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm sau. Dự trữ khí đốt ở Đông Địa Trung Hải có khả năng cung cấp khoảng 10 tỉ mét khối/năm nếu các quốc gia trong khu vực đồng ý về phương thức vận chuyển đến châu Âu.
Nhưng ngay cả khi kết hợp các biện pháp trên với nhau cũng không thể thay thế hoàn toàn 150 tỉ mét khối khí đốt/năm đến từ Nga.
Gabriel Mitchell, Giám đốc nghiên cứu của Đại học Notre Dame tại Tantur, Jerusalem, cho biết: “Đông Địa Trung Hải, cùng với. những nguồn khí khác từ các hành lang phía nam, chỉ là một giọt nước trong cái xô cho châu Âu”.
Mặc dù điều đó là đúng, nhưng đây vẫn là lượng bù đắp đáng kể đối với khu vực. Hy Lạp tiêu thụ 5 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm; Bungari 3 tỉ mét khối. Khối lượng tương đối khiêm tốn cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng ở Balkan hoàn toàn trái ngược với ở Italy, nước có mức tiêu thụ hàng năm là 70 tỉ mét khối và nhập khẩu 21 tỉ mét khối từ Nga trong năm 2020. Rome cũng mua từ Azerbaijan và đang “lùng sục” châu Phi để tìm các lựa chọn thay thế khí đốt Nga.
Các kế hoạch dài hạn về nguồn cung cấp mới bao gồm những cuộc thảo luận với Iran, Iraq và Trung Á. Các chuyên gia đều đồng ý rằng nguồn cung đa dạng sẽ tốt hơn nhiều. Lithuania (Litva) là một ví dụ điển hình về một quốc gia đã cố gắng thương lượng để giảm giá khí đốt cao của Nga chỉ bằng cách thay thế một thiết bị một cổng tiếp nhận LNG. Lithuania hiện đã ngừng toàn bộ nhập khẩu khí đốt Nga mà không gây bất ổn cho mạng lưới của họ.
“Bạn vẫn có thể phụ thuộc khí đốt của Nga, nhưng bạn sẽ không còn dễ bị tổn thương bởi nó nữa. Đó là khi có nhiều lựa chọn thay thế hơn, có tác dụng đòn bẩy trong các giao dịch thương mại khí đốt”, Elai Rettig, Phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Chính trị tại Đại học Bar-IIan của Israel, nhận xét.
Các đường ống sẽ biến mất!
Không lâu trước khi Nga đưa quân vào Ukraine, Mỹ đã ủng hộ đường ống dẫn khí EastMed, một dự án trị giá 6 tỷ euro nhằm vận chuyển khí đốt từ các mỏ ngoài khơi Israel và Ai Cập qua Cyprus (Síp) và Hy Lạp tới các thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, chiến tranh đã đưa dự án này trở lại các cuộc tranh luận của công chúng. Ý tưởng về một giải pháp thay thế rẻ hơn nhiều chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hồi sinh sau khi Tổng thống Israel, Isaac Herzog gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Ankara vào tháng trước. Erdogan cho biết ông "rất, rất hy vọng" vào hợp tác năng lượng với Israel và ông sẽ thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Israel, Naftali Bennett sau khi tháng Ramadan kết thúc vào ngày 1/5.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết cả hai kịch bản đường ống trên sẽ mất quá nhiều thời gian để đến lúc vận hành được. Trong một chuyến đi đến khu vực, bà Nuland đã kêu gọi các giải pháp nhanh hơn với việc tăng các lô hàng LNG từ tàu biển.
Không có công ty nào sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng lâu dài, trong một khu vực có quá nhiều xung đột và không có sự đảm bảo về thời gian sử dụng lâu dài, khi EU đã có kế hoạch về một tương lai không phát thải khí carbon vào năm 2050.
“Bất kỳ đường ống nào trong khu vực này sẽ mất gần 5 năm để được xây dựng và nó sẽ cần khoảng 20 năm tiếp tục sử dụng để trở nên khả thi về mặt kinh doanh. Nhưng khi đó thì đã đến mốc 2050”, ông Harry Tzimitras, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo Cyprus Centre, giải thích.
Một số lựa chọn hiện đang được thảo luận, bao gồm chuyển khí đốt đến Ai Cập và sau đó vận chuyển nó ở dạng hóa lỏng đến châu Âu, hoặc xây dựng các cơ sở LNG mới - có thể nổi trên biển - ở Israel hoặc Síp. Việc xây dựng những cơ sở này sẽ nhanh hơn so với đường ống, nhưng vẫn cần vài năm.
Tại Balkan, đường ống nối Hy Lạp - Bulgaria hiện đang ở đoạn cuối cùng và khí đốt Azerbaijan được cho là sẽ bắt đầu chảy vào tháng 9. Một đường ống khác đang được xây dựng bên ngoài thành phố Thessaloniki, miền bắc Hy Lạp và sẽ vận chuyển khí đốt từ Đường ống xuyên Adriatic tới Bắc Macedonia, với triển vọng tới Kosovo hoặc Serbia.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ngắn hạn đang thúc đẩy các quốc gia từ Hy Lạp đến Ba Lan và Cộng hòa Séc kéo dài tuổi thọ các nhà máy nhiệt điện than của họ. Các nước cũng mở chiến dịch săn tìm tài nguyên. Tuần này, Hy Lạp thông báo sẽ đẩy nhanh các dự án thăm dò khí đốt để hiểu rõ hơn về trữ lượng vào cuối năm 2023. Liên doanh Eni-Total giữa Pháp – Italy cũng tuyên bố sẽ tiếp tục khoan ngoài khơi Síp.