Libya chưa thấy 'ánh sáng ở cuối đường hầm'

Từ tháng 6/2014 đến nay, Libya chìm trong cuộc nội chiến tàn khốc, buộc cộng đồng quốc tế phải tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp kiềm chế bạo lực. Theo nhận định của "Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế" (IISS) ngày 6/10, cuộc nội chiến ở Libya vẫn chưa thể thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm".

Lực lượng “Bình minh Libya” nã đạn tại Wershfana, thủ đô Tripoli ngày 29/9. Ảnh: THX-TTXVN.


Liên minh "Bình minh Libya", gồm nhiều nhóm Hồi giáo khác nhau, đang chiếm đóng thủ đô Tripoli, thành phố Benghazi và Misrata trong khi Quốc hội nước này - với sự hậu thuẫn của phương Tây cũng như một số cường quốc khu vực - vẫn nắm quyền kiểm soát nguồn dầu mỏ và được phương Tây cũng như một số cường quốc khu vực hậu thuẫn.

Xung đột bắt đầu nổ ra sau khi phong trào "Anh em Hồi giáo" thất bại nặng nề tại cuộc bầu cử hồi tháng 6. Lực lượng dân quân ủng hộ các phe phái Hồi giáo nổi dậy chiếm đóng thủ đô và một số thành phố lớn ở Libya. Hàng trăm dân thường bị giết hại, sân bay bị tấn công, chính phủ trốn chạy, quốc hội phải nhóm họp ở thành phố miền Đông Tobruk, làn sóng bạo lực đã nhấn chìm Libya trong cảnh hỗn loạn. Khác với những chi nhánh ở Ai Cập và Tunisia, Phong trào Anh em Hồi giáo ở Libya không đủ khả năng giành được đa số sự ủng hộ của cử tri.

Trong bối cảnh đó, Liên minh "Bình minh Libya" ngày 17/7 tuyên bố sẽ tấn công và nắm quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Họ tự nhận là những chiến binh cách mạng có sứ mệnh bảo vệ thủ đô thoát khỏi "tàn dư của thời kỳ Muammar Gaddafi". Tuy nhiên, các thành phố mà lực lượng "Bình minh Libya" đang chiếm đóng lại không có bất cứ ngành công nghiệp nào đáng kể để đủ sức vực dậy và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nhiều tài sản giá trị và nguồn thu lớn từ dầu mỏ hiện nằm trong tay Quốc hội Libya, và họ đang nỗ lực khôi phục sức mạnh quân sự.

Cuộc nội chiến ở Libya đã bộc lộ nhiều khía cạnh phức tạp và nguy hiểm khi các phe phái cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích nên rất khó có thể tìm được một giải pháp thỏa mãn tất cả các phe phái. Sau khi chiếm đóng Tripoli và một số thành phố lớn khác, Liên minh "Bình minh Libya" đã tự đẩy mình vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Không được cộng đồng quốc tế công nhận và nguồn tài chính chưa đủ mạnh, Liên minh "Bình minh Libya" có thể phải tìm giải pháp cực đoan hơn để củng cố vị thế của mình trước khi quân chính phủ phản công.

Những bước đi sắp tới của Liên minh "Bình minh Libya" phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán về một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với quốc hội. Thỏa thuận này có thể giúp liên minh "Bình minh Libya" đảm bảo an toàn cho các nhóm Hồi giáo và chia sẻ nguồn lợi từ dầu mỏ. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, khả năng đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực vẫn là mục tiêu xa vời, bởi nội bộ liên minh "Bình minh Libya" và phong trào "Anh em Hồi giáo" vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn.

Đối với liên minh "Bình minh Libya", căng thẳng giữa các nhóm Hồi giáo và lực lượng thế tục đang gia tăng. Nếu quốc hội tỏ ý sẵn sàng tự do hóa thương mại và chia sẻ nguồn lợi dầu mỏ thì lực lượng thế tục có thể sẽ rút khỏi liên minh, khiến các nhóm Hồi giáo suy yếu nhanh chóng.

Đối với phong trào "Anh em Hồi giáo", họ vẫn hy vọng rằng Quốc hội Libya sẽ nhượng bộ về quyền lực và nguồn lợi dầu mỏ để tìm kiếm hòa bình. Nếu không đạt được mục tiêu, phong trào "Anh em Hồi giáo" sẽ tiếp tục gây chiến và làn sóng bạo lực có nguy cơ lan rộng. Trong khi đó, trọng tâm sáng kiến mà Đặc phái viên người Anh Jonathan Powell và Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc Bernardino Leon đưa ra là thuyết phục các nghị sỹ Hồi giáo quay trở lại quốc hội. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao bác bỏ yêu sách chia sẻ quyền lực mà liên minh "Bình minh Libya" đưa ra, bởi họ lo ngại một thỏa thuận như thế có thể sẽ đẩy Quốc hội Libya đến chỗ tan rã.

Nhiều lựa chọn được tính đến, nhưng không dễ đạt được sự đồng thuận từ các phe phái tham gia trong cuộc nội chiến ở Libya. Bạo lực và xung đột có nguy cơ lan rộng khi các phe phái không tìm được tiếng nói chung. Vì thế, có thể nói rằng cuộc nội chiến hiện nay ở Libya vẫn chưa có lối thoát.


Lê Phương
(P/v TTXVN tại Anh)
Phiến quân Libya phóng thích con tin người Anh
Phiến quân Libya phóng thích con tin người Anh

Anh xác nhận một công dân nước này bị phiến quân bắt cóc tại Libya hồi tháng 5 đã được phóng thích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN