“Beirut chưa sẵn sàng đối phó với xung đột leo thang”
Tiến sĩ Ohannes Geukjian, Phó Giáo sư nghiên cứu chính trị và giải quyết xung đột tại Đại học Mỹ ở Beirut, nhận định bất chấp việc quân đội Israel thường xuyên pháo kích vào các khu vực đông dân cư ở miền nam Liban, gần biên giới Israel, nước này vẫn chưa sẵn sàng bị lôi kéo vào một cuộc chiến toàn diện với nước láng giềng.
Theo ông Geukjian, khu vực phía nam Liban chưa được chuẩn bị để tiếp tục tham gia vào các hoạt động thù địch với Israel. Hơn nữa, Beirut hoàn toàn chưa sẵn sàng đối phó với diễn biến như vậy. Lập trường của một số đảng phái ở Liban và chính phủ lâm thời hiện tại không ủng hộ chiến tranh với Israel. Trong bối cảnh đang đối mặt với khủng hoàng tài chính và kinh tế nghiêm trọng, đất nước này không thể đối phó với hậu quả của một cuộc chiến khác.
“Liban đang trên bờ vực sụp đổ và chính phủ lâm thời khó có đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu của người dân. Hơn nữa, chúng tôi không ở năm 2006, khi các quốc gia vùng Vịnh vẫn còn tài trợ cho việc tái thiết các khu vực bị tàn phá và cơ sở hạ tầng của đất nước”, ông Geukjian giải thích.
Tuy nhiên, ông Amal Abou Zeid, cựu thành viên Quốc hội Liban, cựu cố vấn của cựu Tổng thống Liban Michel Aoun về các vấn đề Liban – Nga, cho rằng người dân Liban sẽ cùng nhau chung tay chống lại bất kỳ hành động thù địch nào từ phía Israel, nhưng chắc chắn sẽ không bước vào cuộc chiến, ngay cả khi phải sống trong hoàn cảnh tài chính và xã hội khó khăn.
“Liban đang sống trong hoàn cảnh khó khăn về mặt xã hội, tài chính. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi có thể trụ vững nếu xảy ra một cuộc tấn công vào Liban. Tuy nhiên, người dân Liban sẽ cùng nhau chống lại bất kỳ hành động gây hấn hoặc thù địch nào từ phía Israel. Chúng tôi sẽ không bắt đầu chiến tranh. Nhưng nếu chúng tôi bị tấn công, toàn bộ người dân Liban, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, sẽ đứng sau Liban và đứng sau quân đội Liban trong cuộc kháng chiến và bảo vệ đất nước”, ông nói.
Các chính trị gia Liban có thể ngăn chặn xung đột leo thang?
Trước những sự kiện gần đây, vào tháng trước, một số đảng phái ở Liban đã viết đơn phản đối khả năng Liban vướng vào xung đột khu vực. Người dân cũng gửi thư trực tuyến kêu gọi chính phủ không bị lôi kéo vào cuộc chiến. Bức thư đã thu thập được 9.333 chữ ký. Tuy nhiên, cuộc pháo kích của Israel vào biên giới phía nam Liban đã gây nhiều thương vong. Cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế đang diễn ra ở Liban cũng đặt ra câu hỏi liệu các chính trị gia nước này có thể ngăn chặn chiến tranh leo thang hơn nữa hay không?
Theo ông Geukijan, các đảng phái ở Liban và một số lượng lớn chính trị gia không thể ngăn chặn xung đột leo thang. Điều này xảy ra do tình trạng bất ổn của chính phủ và ảnh hưởng chính trị yếu kém.
“Quyết định chiến tranh là đặc quyền của Hezbollah và Iran. Tuy nhiên, Hezbollah cũng không ủng hộ tình trạng leo thang vì họ chưa sẵn sàng giải quyết những tác động của chiến tranh. Hiện một cuộc chiến tranh hạn chế đã xảy ra dọc biên giới Israel nhằm giảm bớt áp lực quân sự của Tel Aviv ở Gaza. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Mỹ đã gửi thông điệp rõ ràng tới tất cả các bên, bao gồm cả Israel, không leo thang vì điều đó sẽ khiến xung đột lan ra toàn khu vực”, ông giải thích.
Người dân Liban ủng hộ hoà bình
Bối cảnh chính trị và xã hội của Liban được định hình phức tạp bởi các yếu tố tôn giáo. Điều này có nghĩa là các nhóm tôn giáo khác nhau trong nước không chỉ duy trì những niềm tin khác nhau, mà còn khác nhau về mong muốn chính trị. Do đó, điều này đặt ra thêm nhiều thách thức cho xã hội Liban.
Tuy nhiên, cựu nhà lập pháp Liban Amal Abou Zeid nhấn mạnh bất kể đảng phái tôn giáo hay chính trị nào, tất cả người dân Liban đều thống nhất ủng hộ người dân Palestine và khát vọng đối với một Nhà nước Palestine độc lập.
“Dù tôi là người theo đạo Thiên chúa hay người theo đạo Hồi thì cũng như vậy. Tất cả chúng tôi đều ủng hộ người Palestine. Chúng tôi có gần 400.000 người Palestine, người tị nạn ở Liban. Và chúng tôi ủng hộ quyền trở về quê hương của người Palestine, về đất nước của họ, nơi họ đã sống trước năm 1948. Vì vậy, tôi tin rằng điều tốt nhất cần làm là những nỗ lực chính trị, ngoại giao từ tất cả các quốc gia liên quan. Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu, gây áp lực lên tất cả các bên để đạt được khả năng này, rằng chúng ta đang đạt được hoặc có một nhà nước Palestine độc lập thực sự để giúp toàn khu vực này được sống trong hòa bình trong nhiều năm tới”, chính trị gia Zeid cho hay.