Ông Javier Milei, 53 tuổi, xuất thân là một nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do và mới chỉ tham gia chính trường trong 2 năm trở lại đây. Chính trị gia này đã có một chiến dịch tranh cử sôi nổi, với lời hứa hẹn thay đổi căn bản hiện trạng chính trị của Argentina. Những bài phát biểu của chính trị gia này nhận được sự tán thưởng của đông đảo cử tri Argentina, đặc biệt là giới trẻ.
Có thể nói, trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, lá phiếu của phần lớn cử tri cho thấy sự thất vọng của người dân Argentina đối với tình hình kinh tế đất nước khi mà vì nhiều lý do, chính phủ đương nhiệm không có được những biện pháp hiệu quả để đối phó với các vấn đề trong xã hội. Chính vì vậy, với cam kết thay đổi hiện trạng chính trị đất nước cùng lời hứa vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này, ông Milei đã giành được sự ủng hộ của đa số cử tri. Chiến thắng của ông Milei cho thấy khát khao thay đổi của cử tri Argentina trong bối cảnh đời sống của tầng lớp trung lưu và giới trẻ đang ngày càng trở nên khó khăn. Trong vài năm trở lại đây, đồng peso nội tệ liên tục lao dốc khiến giá cả của hầu hết các mặt hàng cơ bản đều tăng chóng mặt, trong khi mức lương cơ bản không được cải thiện nhiều. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, lạm phát tại Argentina đã chạm ngưỡng 120%, trong khi tỷ lệ đói nghèo đã vượt quá mức 40%.
Trước thực trạng nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn bao giờ hết, đa số người dân Argentina kỳ vọng vào một nhà lãnh đạo có khả năng dẫn dắt đất nước thoát khỏi tình trạng bất ổn về kinh tế vĩ mô do lạm phát và đói nghèo gia tăng. Trong chiến dịch tranh cử, ông Milei tuyên bố nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ “tiêu diệt’ nạn lạm phát bằng cách thay đổi các chính sách can thiệp tiền tệ của chính phủ đương nhiệm, trong đó bước khởi đầu là đóng cửa Ngân hàng trung ương, USD hóa nền kinh tế và cắt giảm mạnh chi tiêu nhà nước.
Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tổng thống tương lai của Argentina cho biết trong khuôn khổ kế hoạch giảm chi tiêu công xuống mức tối thiểu, ông sẽ tư nhân hóa Tập đoàn dầu khí quốc gia Argentina (YPF) và các cơ quan truyền thông của Nhà nước, đồng thời hủy bỏ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho dịch vụ công cộng. Tổng thống đắc cử Argentina cũng tái khẳng định quyết tâm đóng cửa Ngân hàng trung ương, nhấn mạnh biện pháp USD hóa nền kinh tế là để “loại bỏ” tổ chức tài chính mà theo ông “đã khiến vấn đề tiền tệ trở nên không thể kiểm soát”.
Theo giới phân tích chính trị, ông Milei sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức và khó khăn để có thể hiện thức hóa lời cam kết vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này trong bối cảnh chia rẽ chính trị và phân tầng xã hội như hiện nay.
Trước mắt, ông Milei sẽ phải giải quyết khoản nợ trị giá hơn 44 tỷ USD giữa Argentina và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để lại từ thời cựu Tổng thống Mauricio Macri (2015-2019) trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang lâm vào tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng. Về vấn đề trên, Tổng thống đắc cử Milei cho biết ông sẵn sàng điều chỉnh chính sách cắt giảm chi tiêu công ở mức “mạnh mẽ” hơn những gì IMF yêu cầu để có thể đạt được một thỏa thuận tái cơ cấu nợ mới với tổ chức tài chính đa phương này.
Chuyên gia phân tích chính trị Santiago Rodríguez Rey nhận định việc cắt giảm các khoản chi ngân sách dành cho dịch vụ công và các chương trình trợ cấp xã hội sẽ dẫn đến xung đột nghiêm trọng giữa chính quyền với các công đoàn và tổ chức xã hội. Một sự điều chỉnh đột ngột từ phía chính phủ với việc cắt giảm các khoản trợ cấp tương đương 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo như đề xuất của ông Milei, hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến “các cuộc nổi loạn trên đường phố”.
Đồng tình với quan điểm trên, nhà kinh tế học Hernán Bergstein, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Quilmes (Unqui) cho rằng các chính sách kinh tế của ông Milei có thể sẽ tạo ra bất ổn và những “phản ứng xã hội” trong trung và dài hạn tại Argentina.
Theo ông Bergstein, các chính sách “tân tự do” của tổng thống đắc cử sẽ tạo ra những chuyển đổi căn bản góp phần tái cấu trúc nền kinh tế Argentina, nhưng cũng gây ra mối lo ngại về phúc lợi của các tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và sự ổn định của đất nước.
Về mặt chính trị, chuyên gia Rodríguez Rey lưu ý việc ông Milei không có nhiều kinh nghiệm khi mới chỉ tham gia chính trường trong 2 năm gần đây, và thực tế là đảng Tiến bộ Tự do (LLA) do ông thành lập năm 2021 thiếu một nền tảng vững chắc ở cấp quốc gia, sẽ khiến tổng thống tương lai của Argentina gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với những tình huống cấp bách về kinh tế-xã hội.
Theo nhà phân tích chính trị Mariel Fornoni từ công ty tư vấn Management & Fit, LLA là một lực lượng chính trị non trẻ với 37 ghế nghị sĩ tại Hạ viện (chiếm 14%) và 7 ghế tại Thượng viện (chiếm 10%). Ngay cả khi nhận được sự ủng hộ từ các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của đảng Đề xuất Cộng hòa (PRO – chính đảng chủ chốt trong liên minh trung hữu cầm quyền nhiệm kỳ từ 2015-2019) theo như cam kết từ Chủ tịch đảng này là bà Patricia Bulrich và từ cựu Tổng thống Mauricio Macri, đảng phái chính trị của ông Milei vẫn chỉ chiếm thiểu số trong lưỡng viện Quốc hội Argentina và sẽ không dễ dàng gì để đa số các nhà lập pháp còn lại thông qua những đề xuất mang tính “cải cách” của nhà lãnh đạo tương lai.
Thêm vào đó, chính sách đối ngoại của tổng thống đắc cử Argentina có thể khiến quốc gia Nam Mỹ này gặp khó khăn trong việc thúc đẩy thương mại và thu hút ngoại tệ.
Ông Milei có quan điểm không ủng hộ quan hệ thương mại với Trung Quốc và Brazil, hai đối tác thương mại hàng đầu của Argentina. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu đậu tương và thịt bò lớn nhất của Argentina, trong khi phần lớn các sản phẩm công nghiệp của quốc gia Nam Mỹ này được xuất sang Brazil.
Ông Milei cũng phản đối việc Argentina gia nhập Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), đồng thời khẳng định Argentina cần phải rút khỏi Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), bởi ông đánh giá đây là một mô hình liên kết kinh tế khu vực “thất bại”.
Mặc dù ông Milei khẳng định sẽ "sát cánh cùng tất cả các quốc gia trên thế giới tự do để giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", nhà nghiên cứu chính trị Maristella Svampa đặt ra câu hỏi liệu nhà lãnh đạo tương lai của Argentina sẽ nâng tầm vị thế của quốc gia Nam Mỹ này trên trường quốc tế như thế nào khi chính sách đối ngoại của ông có phần cực đoan như vậy.
Trên thực tế, thắng lợi này của ông Milei chỉ là sự khởi đầu của giai đoạn vô cùng khó khăn trước mắt để đưa đất nước Argentina trở lại con đường phát triển như những gì người dân kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh các chuyên gia dự báo những “liệu pháp sốc” của nhà lãnh đạo này có thể gây ra những phản ứng xã hội mạnh mẽ trong thời gian tới.