Tổng thống Ukraine khẳng định quốc gia này có quyền trở thành cường quốc hạt nhân và sẽ đảo ngược cam kết loại trừ vũ khí nguyên tử năm 1994 nếu như không được đảm bảo an ninh.
Việc Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân “nóng” trở lại
Hôm 19/2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhắc lại sự kiện Ukraine ký Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 về việc loại trừ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo an ninh sau khi Liên Xô cũ tan rã. Ông cho biết Kiev có thể đảo ngược cam kết này và bắt đầu mua sắm vũ khí hạt nhân nếu như bị đe dọa.
Trước tình hình tại miền Đông Ukraine leo thang căng thẳng với hàng trăm vụ nã đạn pháo vi phạm thỏa thuận Minsk cũng như nguy cơ nổ ra chiến tranh với Nga, ông Zelensky nhấn mạnh: “Ngày nay chúng tôi không có vũ khí và an ninh. Chúng tôi đã mất một phần lãnh thổ lớn hơn về diện tích so với Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ. Và quan trọng nhất, chúng tôi đã mất hàng triệu công dân”.
Lịch sử hạt nhân của Ukraine
Trong một quãng thời gian ngắn, Ukraine đã là một cường quốc hạt nhân. Kho vũ khí nguy hiểm là một phần di sản Ukraine được kế thừa sau khi Liên Xô sụp đổ. Belarus và Kazakhstan cũng từng sở hữu vũ khí chiến lược trước khi Liên Xô tan rã.
Về mặt kỹ thuật, Ukraine là cường quốc hạt nhân lớn thứ ba vào thời điểm đó. Đây là sự thật lịch sử mà nhà lãnh đạo Zelensky đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Đất nước này sở hữu hơn một trăm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100N trên lãnh thổ của mình, gần 50 đoàn tàu hạt nhân RT-23 Molodets cùng một đội máy bay ném bom chiến lược được trang bị vũ khí hạt nhân. Tổng cộng Ukraine đã triển khai hoặc dự trữ khoảng 1.700 đầu đạn hạt nhân, mặc dù trên thực tế, Moskva vẫn nắm quyền kiểm soát toàn bộ.
Tất cả các cường quốc phương Tây đều mong muốn loại bỏ kho dự trữ vũ khí nguy hiểm của Kiev, cũng như biến Nga trở thành quốc gia kế thừa duy nhất của Liên Xô có khả năng răn đe hạt nhân.
Bản ghi nhớ Budapest
Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã đồng ý dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ và ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), trong đó chỉ cho phép 5 quốc gia trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân: Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ. Cái gọi là bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh đã được ký kết bởi các quốc gia đồng ý giải giáp vũ khí cùng với Mỹ, Anh và Nga.
Văn bản do Kiev ký đã giải thích cách Mỹ, Anh và Nga thực hiện một số cam kết liên quan đến Ukraine, trong đó có vấn đề độc lập và chủ quyền và biên giới hiện có của quốc gia này.
Các cường quốc cũng cam kết không sử dụng đe dọa bằng vũ lực hay cưỡng ép kinh tế đối với Ukraine. Bên cạnh đó, họ sẽ sử dụng vị trí tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ nếu Ukraine trở thành nạn nhân của một hành động xâm lược hoặc đối tượng bị đe dọa xâm lược bằng vũ khí hạt nhân.
Kiev tranh cãi rằng Nga đã vi phạm thỏa thuận Budapest khi “chiếm đóng” Crimea và các phần của miền Đông Ukraine năm 2014.
Tất nhiên, Mokva phủ nhận điều này. Và người dân Crimea khẳng định họ đã thực hiện quyền tự quyết của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc, khi họ bỏ phiếu tách khỏi Ukraine và tái gia nhập Nga. Về xung đột ở Donbass, Nga cho biết đó là một cuộc nội chiến.
Phương Tây đã thất bại trong việc bảo vệ Ukraine?
Một số chính trị gia đã phóng đại các cam kết của Mỹ và Anh trong Bản ghi nhớ Budapest. Bà Yulia Tymoshenko, cựu Thủ tướng Ukraine, từng tuyên bố vào năm 2014 rằng: “Bằng cách tuyên chiến với Ukraine, Nga cũng tuyên chiến với những người bảo đảm an ninh cho chúng tôi là Mỹ và Anh”.
Các học giả pháp lý chỉ ra rằng bản ghi nhớ không bắt buộc Mỹ và Anh phải bảo vệ Ukraine trước một kẻ xâm lược nước ngoài. Nói cách khác, đó là một đảm bảo an ninh, không giống như cam kết phòng thủ chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay nghĩa vụ của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản.
Ukraine sẽ hạt nhân hóa ngay bây giờ?
Về mặt pháp lý, không có gì ngăn Ukraine rút khỏi hiệp ước NPT và phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Triều Tiên đã bước đi thành công trên con đường này, bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn của cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra còn có các ví dụ về Ấn Độ và Pakistan, hai nước láng giềng đã phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe lẫn nhau. Và Israel cũng được cho là sở hữu một kho vũ khí hạt nhân.
Năng lực kỹ thuật để sản xuất thiết bị hạt nhân của Kiev là một vấn đề khác. Ukraine có một ngành công nghiệp hạt nhân dân sự phát triển, với một số lò phản ứng kế thừa từ thời Liên Xô cũng như các cơ sở nghiên cứu hạt nhân. Nó cũng được thừa hưởng một ngành công nghiệp hàng không và vũ trụ phát triểnm, có khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Tuy nhiên, Ukraine chưa bao giờ có các cơ sở làm giàu uranium hoặc tái chế plutonium, những thứ cần thiết để sản xuất vật liệu cấp vũ khí cho lõi phản ứng. Kiev cũng không có nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân thực sự trên lãnh thổ của mình.
Quốc gia này từng hoạt động khai thác uranium từ những năm 1950, nhưng sản lượng đã giảm đáng kể trong những năm qua. Các mỏ khai thác hiện đòi hỏi sự đầu tư vốn rất lớn.
Một số quan chức Ukraine như Tướng về hưu Petro Garashchuk tuyên bố rằng Ukraine đã có đủ chuyên môn kỹ thuật để nắm giữ đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân và hệ thống chuyển giao.
Dưới quan sát của ông Ilya Kramnik, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, tuyên bố trên có thể đúng sự thật. “Về mặt kỹ thuật, Ukraine sở hữu một ngành công nghiệp mà chỉ cần thay đổi chút ít sẽ có thể tạo ra các hệ thống vũ khí hạt nhân”, ông Kramnik nói với kênh truyền hình RT. Nhưng quan trọng hơn, Kiev sẽ không thể bí mật làm việc này mà không bị phương Tây và Nga phát hiện.
Và nếu Kiev công khai ý định tái phát triển năng lực hạt nhân, họ sẽ không thể thu hút sự ủng hộ từ phương Tây cho kế hoạch này. “Cá nhân tôi tin rằng không có một cường quốc hạt nhân nào có thể giúp Ukraine đi trên con đường này. Đơn giản là vì không ai muốn đối phó với sự trỗi dậy không thể tránh khỏi của những vấn đề sẽ phát sinh vào ngày người ta biết chắc chắn rằng Ukraine đang phát triển vũ khí hạt nhân”, ông Kramnik lập luận.
Thay vì chấp thuận và giúp đỡ, Mỹ và các đồng minh nhiều khả năng sẽ chống lại ý định trên bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tình trạng kinh tế hiện tại của Ukraine cũng như sự phụ thuộc của chính phủ vào viện trợ nước ngoài khiến cho cơ hội để Kiev làm được như Bình Nhưỡng là một điều khó khả thi.
Nếu đề xuất trên là không thực tế, tại sao Tổng thống Ukraine lại đề cập?
Tuyên bố Ukraine có thể theo đuổi vũ khí hạt không phải chưa từng được nhắc đến. Ý tưởng này đã được phổ biến ở Ukraine trong nhiều năm nay. Gần đây, Đại sứ của Kiev tại Đức là ông Andriy Melnyk cũng nhắc lại.
Chính Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa ra một lời giải thích khả dĩ cho vấn đề này tại Munich: “Hãy hỗ trợ tiền vô điều kiện cho chúng tôi. Tại sao mỗi lần họ phân bổ một lượng tiền cho chúng tôi, họ lại nói các anh phải thực hiện một số cải cách?”.
“Hãy nhìn xem, chúng tôi còn có chiến tranh. Liệu có quốc gia nào khác trên thế giới sở hữu quân đội mạnh như vậy tại Đông Âu và thực hiện cải cách không? Điều này không hề dễ dàng”, ông Zelensky nói thêm.
Vì vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, tuyên bố đảo ngược phi hạt nhân hóa của Ukraine - cũng như nhiều ý kiến khác mà nước này từng lên tiếng trước đây - có thể là một phần của chiến dịch hỗ trợ tìm kiếm thông tin, chứ không phải là một lộ trình thực tế.