Sau cuộc thảo luận căng thẳng xuyên đêm kéo dài 11 giờ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo rằng các nhà lãnh đạo EU “quyết tâm mạnh mẽ, đồng lòng sẻ chia” để cùng hành động nhằm đạt được 3 mục tiêu: hạ giá năng lượng, đảm bảo an ninh nguồn cung và giảm nhu cầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố “lộ trình rất tốt và vững chắc” nhưng cũng đồng thời thừa nhận đây mới chỉ là “hướng dẫn chiến lược” để các nước thành viên EU tiếp tục làm việc về chủ đề giá năng lượng. Bà hy vọng EC sẽ có các đề xuất cụ thể để bộ trưởng năng lượng các nước thành viên EU thảo luận tại hội nghị ngày 25/10.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hài lòng, cho rằng EU sẽ có các biện pháp để thực thi từ cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới. Ông Macron nhấn mạnh rằng thỏa thuận này đã gửi đi tín hiệu về sự quyết tâm và đoàn kết của khối. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá EU đã đạt được tiến triển tốt trong vấn đề năng lượng. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo gọi lộ trình là một “bước tiến lớn” và là “khoảnh khắc của sự thật”. Thông tin cụ thể hơn về lộ trình này, trang Euronews cho biết lãnh đạo các nước EU đã nhất trí tiến tới việc mua chung khí đốt và tạo ra một chuẩn giá khí đốt mới vào đầu năm 2023 để phản ánh tốt hơn tình hình thị trường. Bên cạnh đó, các bên cũng tán thành mục tiêu áp giá trần tạm thời đối với giao dịch khí đốt và kêu gọi EC "khẩn trương đệ trình các quyết định cụ thể". Ngoài ra, các nước EU sẽ tiếp tục thảo luận về “ngoại lệ Iberia” - trường hợp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha giới hạn giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, qua đó giảm giá năng lượng ở khu vực bán đảo Iberia.
Phát biểu của các nhà lãnh đạo EU đều đề cao sự đoàn kết và đánh giá tích cực về lộ trình đạt được ngày 21/10. Tuy nhiên, dư luận và giới phân tích đã ngay lập tức chỉ ra những mâu thuẫn khó dung hòa trong nội bộ EU. Tờ Politico mô tả thỏa thuận này là đặc trưng của châu Âu, nơi không ai đạt được tất cả. Theo đó, kết quả sẽ phụ thuộc vào các điều kiện, sự nhượng bộ và cần thêm nhiều tuần đàm phán. Tờ Financial Times gọi lộ trình này là sự thỏa hiệp “hoang mang”. Nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) Mikulas Peksa đánh giá thỏa thuận là “bước tiến” nhưng nhấn mạnh cần phải chờ đợi “các kế hoạch cụ thể”.
Theo giới phân tích, một trong những bất đồng lớn nhất là kế hoạch thiết lập giá trần mà các nước EU phải trả để nhập khẩu khí đốt. Hiện có 15 quốc gia EU, trong đó có Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha, Romania, Slovenia và Tây Ban Nha, ủng hộ áp giá trần khí đốt, trong khi 11 quốc gia thành viên khác, trong đó có Đức, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Hà Lan, lên tiếng phản đối. Các nước phản đối lập luận rằng biện pháp này sẽ phản tác dụng vì khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà châu Âu đang rất cần sẽ được bán cho các đối thủ sẵn sàng trả giá cao hơn. Bộ trưởng Năng lượng Luxembourg Claude Turmes từng đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì nếu các tàu chở LNG được chuyển hướng đến châu Á? Một giải pháp thay thế rẻ hơn và an toàn hơn trước hết là giảm mức tiêu thụ và chỉ giới hạn giá khí đốt được sử dụng sản xuất điện”. Phía Đức thì cho rằng khí đốt rẻ hơn sẽ không khuyến khích người dùng cắt giảm lượng tiêu thụ, điều này đồng nghĩa đi ngược lại mục tiêu giảm nhu cầu trong bối cảnh hiện nay.
Sự bất đồng về việc áp giá trần cũng có thể ảnh hưởng tới kế hoạch mua chung khí đốt. Giới chức châu Âu vẫn tự tin vào sức mạnh tập thể của kế hoạch này sẽ giúp tăng vị thế đàm phán của EU với tư cách là một bên mua duy nhất, đồng thời giảm sự cạnh tranh nội bộ giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, khi tình hình có những biến động khó lường khiến nguồn cung khan hiếm, nhu cầu lại tăng vọt (như mùa Đông lạnh hơn) thì nguy cơ “mạnh ai nấy…sống” hoặc những “ngoại lệ” hoàn toàn có thể xảy ra. Chỉ ít giờ sau khi các quan chức EU thông tin về lộ trình ứng phó khủng hoảng năng lượng, Quốc hội Đức cùng ngày 21/10 đã thông qua gói cứu trợ 200 tỷ euro (tương đương 5% GDP của Đức) nhằm bảo vệ các công ty và hộ gia đình khỏi các tác động do giá năng lượng leo thang. Số tiền này có thể được sử dụng cho đến giữa năm 2024 để tài trợ kế hoạch giảm giá khí đốt, giá điện cũng như hỗ trợ các công ty gặp khó khăn, gồm các công ty năng lượng. Báo chí Pháp mô tả gói cứu trợ của Đức là cách hành xử “riêng lẻ khỏe ăn”. Một quan chức ngoại giao EU cho rằng Đức đã chọn an ninh nguồn cung vì “có thể mua được với giá cao, nhưng nhiều nước không thể theo kịp về mặt chi phí".
Thủ tướng Hungary Viktor Orban thì tuyên bố bất kỳ kế hoạch nào của EU nhằm áp giá trần khí đốt trong tương lai cũng sẽ không áp dụng với các thỏa thuận dài hạn, trong đó có thỏa thuận mà Hungary đã ký với Tập đoàn Gazprom của Nga thời hạn 15 năm. Những bất đồng và ngoại lệ này khiến khả năng EU đạt được các giải pháp toàn diện mang tính ràng buộc để ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng càng trở nên mong manh hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lạc quan cho rằng lộ trình kiểm soát giá năng lượng sẽ tạm thời ổn định thị trường. Nhà phân tích Boris Tomciak của Finlord đánh giá, dù giá năng lượng vẫn đứng ở mức cao nhưng sự biến động sẽ giảm đáng kể và điều này sẽ cho phép các công ty và hộ gia đình lập kế hoạch tốt hơn. Trong khi đó, nhà phân tích Radim Dohnal của Capitalinked.com tỏ ra dè dặt khi nhận định việc áp giá trần sẽ dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt. Theo ông, việc áp giá trần đối với mặt hàng mà châu Âu chủ yếu phải nhập khẩu và không thể nhanh chóng tăng sản lượng nội địa là vô nghĩa.
Mỗi ngày trôi qua, người dân châu Âu càng cảm nhận rõ hơn mùa Đông đang đến gần với nền nhiệt trung bình giảm sâu. Một lộ trình gập ghềnh, thậm chí mịt mờ đang chờ đợi EU khi những bông tuyết đầu mùa sắp bao phủ “Lục địa già” và có thể khiến cho cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn.