Lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông dưới góc nhìn của học giả

Phát biểu tham luận tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông do Đại sứ quán Philppines tại Ấn Độ phối hợp với Đại học Jawahalar Nehru (JNU) tổ chức ngày 7/8 vừa qua tại thủ đô New Delhi, Giáo sư G.V.C Naidu, giảng viên trường nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc JNU khẳng định Ấn Độ có lợi ích kinh tế và chiến lược ở khu vực Biển Đông.

Giáo sư G.V.C Naidu. Ảnh: ifri.org


Giáo sư G.V.C Naidu đồng thời cho rằng trong bối cảnh môi trường an ninh, địa chính trị ở khu vực đang thay đổi nhanh chóng, New Delhi cần thể hiện sự can dự sâu hơn vào khu vực Đông Á, Đông Nam Á thông qua thúc đẩy triển khai chính sách “Hành Động phía Đông”.

Theo Giáo sư Naidu, sự thay đổi môi trường an ninh, nhất là an ninh hàng hải trong khu vực xuất phát từ một số lý do sau:

Một là, quá trình toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng ở khu vực Đông Nam Á đã khiến vai trò thương mại trở nên quan trọng hơn. Do đó, các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào các tuyến thương mại quan trọng trên biển, chú trọng tăng cường sức mạnh và phạm vi ảnh hưởng hàng hải.

Hai là, sự nổi lên của các cường quốc hàng hải mới (như Trung Quốc, Ấn Độ) đã dẫn đến sự thay đổi cán cân quyền lực và môi trường an ninh khu vực.

Ba là, sự hồi sinh của Nhật Bản với Luật an ninh mới khẳng định sự thay đổi chính sách an ninh và vai trò của Nhật Bản trong khu vực.

Bốn là, sự hiện diện ngày càng tăng của Hải quân Mỹ trong khu vực thông qua việc triển khai chính sách “tái cân bằng” khu vực châu Á.

Giáo sư Naidu cho rằng sự thay đổi môi trường an ninh khu vực cùng với các tranh chấp hàng hải tại khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông ngày càng phức tạp và căng thẳng, kéo theo đó là sự gia tăng hiện diện quân sự của các quốc gia ở khu vực biển tranh chấp đã dẫn đến sự không chắc chắn về an ninh ở khu vực, gây ra nguy cơ bất ổn và xung đột quân sự cao.

Tập trận chung Malabar 2007 Ấn Độ-Nhật Bản. Ảnh: wikipedia


Theo Giáo sư Naidu, lợi ích của Ấn Độ ở khu vực được phản ánh chủ yếu ở hai góc độ - lợi ích kinh tế và lợi ích chiến lược. Ấn Độ có lợi ích kinh tế quan trọng ở khu vực Biển Đông bởi vì: (1) Tốc độ tăng trưởng thương mại của Ấn Độ với các nước Đông Á là nhanh nhất so với các khu vực khác (28%), đạt mức 250 tỷ USD trong năm 2014.

Một số nhà đầu tư hàng đầu tại Ấn Độ hiện nay đến từ khu vực Đông Á; (2) nhiều dòng chảy thương mại của Ấn Độ đi qua khu vực Biển Đông, trong đó có tuyến đường nhập khẩu dầu thô quan trọng từ khu vực Sakhalin của Nga; (3) Ấn Độ đang thúc đẩy chính sách “Hành động phía Đông”, nỗ lực trở thành một phần trong chuỗi cung ứng giá trị ở khu vực Đông Nam Á để tạo sự kết nối lớn hơn với khu vực. Ấn Độ hiện đã ký kết nhiều thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) và thỏa thuận Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) với nhiều nước, khu vực trong đó có ASEAN.

Bên cạnh đó, New Delhi cũng đang tích cực tham gia vào các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mở rộng trong khu vực như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); (4) Đông Nam Á là khu vực năng động nhất trên thế giới, Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia trong khu vực này. Đáng chú ý hiện nay Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) cũng đang hợp tác với Việt Nam tham gia thăm dò, khai thác dầu khí tại Biển Đông. Tất cả những nội dung trên cho thấy tầm quan trọng của Biển Đông cũng như khu vực Đông Á, Đông Nam Á đối với sự ổn định và phát triển kinh tế của Ấn Độ.

Về lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở Biển Đông, có thể nhìn nhận dưới một số góc độ sau:

Một là, Biển Đông là trung tâm của Đông Nam Á, là tuyến đường vận tải biển quan trọng của khu vực. Do đó, bất kỳ quốc gia nào kiểm soát được khu vực Biển Đông đều tạo ra được những lợi thế chiến lược to lớn.

Hai là, Trung Quốc đang nổi lên như “người chơi thống trị” trong khu vực với những hành động quyết đoán và ngang ngược, phớt lờ sự phản đối cũng như lợi ích của các nước trong khu vực.

Ba là, sự gia tăng hiện diện của Hải quân Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng như các quốc gia liên quan ở khu vực Biển Đông có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Trong tình huống đó, đây không còn là cuộc chiến giữa 2 hoặc 3 quốc gia với nhau mà sẽ có sự tham gia của nhiều cường quốc và sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực cũng như ảnh hưởng đến lợi ích của Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ cần đóng vai trò lớn hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, đồng thời tạo ra sự cân bằng chiến lược cần thiết cho ổn định và phát triển ở khu vực.

Giáo sư Naidu cho rằng Ấn Độ cần tăng cường hợp tác và phối hợp với Mỹ trong duy trì và đảm bảo an ninh, hòa bình ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bên cạnh đó tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Việt Nam cũng như mở rộng hợp tác với Indonesia để tăng cường vai trò, ảnh hưởng của New Delhi ở khu vực cũng như đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, New Delhi cũng cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương như Ấn-Mỹ-Nhật, Ấn-Việt-Nhật, trước mắt chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, tham gia các cuộc tập trận hải quân chung, tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, dần dần hướng tới các cuộc đối thoại chính sách chiến lược đa phương góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

TTK
Chiến lược của Ấn Độ đối phó sức mạnh Hải quân Trung Quốc
Chiến lược của Ấn Độ đối phó sức mạnh Hải quân Trung Quốc

Mạng Phân tích quốc phòng Ấn Độ đăng bài viết phân tích sự gia tăng sức mạnh của Hải quân Trung Quốc và chiến lược của Ấn Độ để đối phó với xu hướng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN