Đó là những chủ đề thảo luận chính của Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 vừa bế mạc tại Rotterdam (Hà Lan) với mục tiêu thúc đẩy hành động để tiến tới quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, công bằng và toàn diện trên thế giới.
Năng lượng tái tạo đã và đang trở thành xu thế tất yếu khi nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, trong khi nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, khí hậu. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), công suất năng lượng tái tạo thế giới năm 2023 đã tăng 50% so với năm 2022. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng đối mặt với nhiều thách thức
Thứ nhất, đó là chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện Mặt Trời vẫn còn cao hơn so với các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng tái tạo phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên như gió và ánh nắng Mặt Trời, do đó sản lượng điện có thể bị gián đoạn bởi thời tiết xấu. Ngoài ra, nhiều quốc gia chưa có cơ sở hạ tầng lưới điện phù hợp để truyền tải điện năng từ các nhà máy năng lượng tái tạo đến các khu vực tiêu thụ. Lý do nữa là chính sách hỗ trợ cho năng lượng tái tạo ở nhiều quốc gia còn chưa đầy đủ và chưa thống nhất. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích của năng lượng tái tạo và những tác động tiêu cực của nhiên liệu hóa thạch đối với môi trường. Một số nhóm lợi ích, đặc biệt là các công ty khai thác và kinh doanh nhiên liệu hóa thạch, có thể phản đối việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vì lo ngại ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của họ. Thách thức nữa là một số công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là công nghệ lưu trữ năng lượng, vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và chưa được áp dụng rộng rãi.
Báo cáo của Viện Năng lượng có trụ sở tại Anh cho thấy năm 2022, mặc dù công suất điện Mặt Trời và điện gió đã tăng mạnh nhất từ trước đến nay, song nhiên liệu hóa thạch vẫn có tỷ trọng lớn, chiếm tới 82% nguồn cung năng lượng. Thống kê của IEA cũng cho thấy lượng khí thải CO2 liên quan đến ngành năng lượng trong năm 2023 cao kỷ lục, dù mức tăng thấp hơn so với những năm trước đó.
Trước tình hình đó, cộng đồng quốc tế đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở các cấp quốc gia lẫn quốc tế, thông qua tăng cường hỗ trợ tài chính, đầu tư vào hạ tầng và công nghệ. Từ Chương trình REPowerEU của Liên minh châu Âu (EU), đến Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ và Kế hoạch Năng lượng tái tạo lần thứ 14 của Trung Quốc đều bao gồm việc đẩy mạnh hỗ trợ để tăng tốc độ triển khai năng lượng tái tạo trong những năm tới. Kế hoạch “Đạo luật sản xuất trong tương lai tại Australia” đặt trọng tâm vào thúc đẩy đầu tư vào các nguồn tài nguyên xanh và công nghệ sạch, xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao trong lĩnh vực này. Liên minh cầm quyền ở Đức đã nhất trí một cơ chế tài chính đầu tư phát triển mạng lưới hydro trong tương lai, gia hạn thời hạn xây dựng mạng lưới này đến năm 2037. Tại Ấn Độ, Công ty Adani Green Energy Limited (AGEL) đang triển khai dự án xây dựng công viên năng lượng tái tạo Khavda với kinh phí khoảng 20 tỷ USD ở bang Gujarat. Khi được hoàn thành, đây sẽ là nhà máy điện gió và Mặt Trời lớn nhất thế giới và có thể cung cấp đủ năng lượng sạch cho 16 triệu hộ gia đình tại Ấn Độ
Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đứng trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện Mặt Trời cao nhất thế giới. Theo Quy hoạch điện VIII, tỷ lệ điện tái tạo ở Việt Nam sẽ đạt là 30,9 - 39,2% vào năm 2030 và mục tiêu đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Trong Khảo sát về các vấn đề năng lượng thế giới 2024, Hội đồng Năng lượng thế giới nhấn mạnh đến yếu tố nâng cao nhận thức, tăng cường kết nối nhằm khuyến khích người dân giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang các phương tiện, thiết bị và nguồn cung năng lượng không phát thải, tham gia nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi. Theo Viện Tài nguyên thế giới, Na Uy (80%), Iceland (41%), Thụy Điển (32%), Hà Lan (24%) và Trung Quốc (22%) hiện là 5 quốc gia có xe điện chiếm tỷ lệ cao nhất trong doanh số bán xe; phản ánh tầm nhìn chung người dân về mong muốn bảo vệ môi trường, về một tương lai không phát thải. Tại Anh, thông qua cơ chế Đảm bảo xuất khẩu thông minh (SEG), chính phủ cho phép người dân sử dụng năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời bán lại lượng điện năng dư thừa cho lưới điện. Điều này vừa giúp công ty thu mua tận dụng được nguồn điện dư thừa và giúp người dân tăng thu nhập, tránh lãng phí điện.
Thành công của quá trình chuyển đổi sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp của các nước trong việc chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ, năng lực quản lý năng lượng của toàn xã hội, cũng như việc tạo điều kiện cho người dân tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi. Tương lai của năng lượng, động lực của hòa bình và tiến bộ đòi hỏi các phương thức hợp tác mới để đảm bảo tiếp cận năng lượng công bằng và bền vững cho tất cả mọi người.