Theo mạng tin Eurasianet.org ngày 1/9, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, dù là đối tác trong nhiều lĩnh vực, lại không hẳn mặn mà khi bàn đến năng lượng, và điều này đang tạo cơ hội cho Turkmenistan nổi lên như một bên hưởng lợi chính.
Trong bối cảnh chiến lược năng lượng đầy biến động, Trung Quốc có thể đang cân nhắc chuyển hướng sang Turkmenistan để tìm nguồn cung cấp khí đốt bổ sung, nguy cơ ảnh hưởng đến kế hoạch hợp tác khí đốt giữa Bắc Kinh và Moskva.
Chỉ vài tháng trước, Nga và Trung Quốc đã tiến gần đến việc ký kết một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới mang tên "Power of Siberia 2", kết nối hai nước qua lãnh thổ Mông Cổ. Đường ống này dự kiến vận chuyển tới 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ phía Tây Siberia đến Trung Quốc, mang lại nguồn thu rất cần thiết cho Nga, đặc biệt trong bối cảnh Mosckva đang gánh chịu chi phí khổng lồ cho cuộc chiến tại Ukraine.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy dự án này có thể không diễn ra như kế hoạch. Một quyết định mới đây của chính phủ Mông Cổ không đưa khoản tài trợ cho việc xây dựng đường ống vào kế hoạch kinh tế 5 năm của nước này đã dấy lên những nghi ngờ rằng Trung Quốc đang xem xét lại cam kết với "Power of Siberia 2".
Sự trì hoãn của dự án đường ống "Power of Siberia 2" là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không hoàn toàn "không có giới hạn" như tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mặc dù Trung Quốc đã và đang là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Nga, giúp Moskva vượt qua các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, Bắc Kinh dường như vẫn có những giới hạn riêng trong hợp tác với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với Turkmenistan. Các hoạt động đào tạo sinh viên Turkmenistan tại các trường đại học dầu khí hàng đầu của Trung Quốc, như Đại học Dầu khí Bắc Kinh, là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang ngày càng thắt chặt.
Ngoài ra, theo chuyên gia khu vực Alexey Chigadayev, việc xây dựng một đường ống mới kết nối Trung Quốc và Turkmenistan sẽ mang lại nhiều lợi ích chiến lược hơn cho Bắc Kinh so với việc hợp tác với Nga. Trung Quốc sẽ có mức độ kiểm soát lớn hơn đối với đường ống này trong cả giai đoạn xây dựng và vận hành. Hơn nữa, việc đàm phán với giới lãnh đạo Turkmenistan cũng dễ dàng hơn nhiều, bởi nền kinh tế nhỏ và đơn giản hơn.
Tính đến năm 2024, Turkmenistan đã vượt qua Nga trong việc cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, xét về doanh thu. Theo báo cáo từ Spot.uz, Turkmenistan đã trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7/2024, với kim ngạch xuất khẩu lên tới 5,67 tỷ USD. Trong khi đó, Nga đứng ở vị trí thứ hai với doanh số 4,69 tỷ USD, và Kazakhstan đứng thứ ba với hơn 730 triệu USD. Con số này cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc đang ngày càng dựa vào Turkmenistan để đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng của mình.
Sự thay đổi trong chiến lược năng lượng của Trung Quốc có thể xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào Nga. Việc hợp tác với Turkmenistan cho phép Trung Quốc có thêm sự lựa chọn trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đầy biến động. Đồng thời, điều này cũng thể hiện tính toán của Bắc Kinh trong việc duy trì sự cân bằng và linh hoạt trong chính sách năng lượng, khi vừa hợp tác với Nga vừa không ngần ngại tìm kiếm các đối tác khác để đảm bảo an ninh năng lượng.
Như vậy, những trục trặc trong thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Trung Quốc đã mở ra cánh cửa cho Turkmenistan, cho thấy một cuộc cạnh tranh năng lượng đầy phức tạp và chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực. Trong khi Nga đang gặp khó khăn trong việc duy trì vị thế của mình, Trung Quốc lại đang tận dụng cơ hội để mở rộng quan hệ với các nước cung cấp khác, đặc biệt là Turkmenistan, để đảm bảo nguồn cung năng lượng đa dạng hơn.