Theo báo Deutsche Welle (Đức), chưa đầy một tuần sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, một chiếc máy bay chở hàng Ilyushin Il-76, thuộc hãng hàng không chở hàng Nga Volga-Dnepr, đã bay qua Belarus và Ba Lan trước khi hạ cánh xuống Slovakia.
Chiếc máy bay bí ẩn cất cánh từ Nga này đã khiến những người theo dõi chuyến bay bất ngờ vì chỉ một ngày trước, EU đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không và máy bay tư nhân của Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự của Moskva nhằm vào Kiev.
Ngay sau đó, rõ ràng là chiếc máy bay đã được miễn lệnh cấm vận vì nó đang vận chuyển nhiên liệu hạt nhân quan trọng cho bốn lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế ở Slovakia.
Khoảng một tháng sau, một chiếc máy bay cùng loại của Nga lại bay xa hơn đến Hungary để vận chuyển nhiên liệu hạt nhân. Giống như Slovakia, Hungary hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu nguyên tử từ Nga để cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện hạt nhân của mình.
Các chuyến bay trên là một dấu hiệu khác của việc châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong nhiều thập kỷ. Nhiên liệu hạt nhân có nguồn gốc từ tập đoàn hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga và các đơn vị của công ty giúp tạo ra gần một nửa tổng lượng điện được sản xuất ở Slovakia và Hungary và hơn một phần ba ở CH Séc và Bulgaria.
Trong khi EU tìm cách từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga, thì khối này đang phải vật lộn để từ bỏ thói quen sử dụng hạt nhân của Nga. Kết quả là hàng trăm triệu euro tiếp tục chảy vào ngân sách của Moskva.
EU nhận thấy việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp hạt nhân dân sự của Nga là không phù hợp về mặt chính trị. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi EU ít nhất trừng phạt Rosatom, công ty có liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực quốc phòng của Nga và đã tiếp quản quyền quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
"Một năm trước, tôi đã nói rằng khí đốt của Nga sẽ là thứ khó loại bỏ nhất đối với EU, nhưng bây giờ có vẻ như hạt nhân của Nga có thể là thứ khó loại bỏ nhất. EU có rất nhiều yếu tố cần phụ thuộc: vấn đề kỹ thuật rất phức tạp. Tiếp đó là toàn bộ vấn đề về tiêu chuẩn và an toàn", Niclas Poitiers từ tổ chức tư vấn Bruegel nói.
Sự phụ thuộc của EU bắt nguồn từ ảnh hưởng quá lớn của ngành công nghiệp hạt nhân Nga trên toàn cầu. Nga chiếm hơn 45% công suất làm giàu uranium của thế giới, cung cấp nhiên liệu nguyên tử cho các nhà máy điện hạt nhân ở một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, quốc gia bất chấp lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Moskva, vẫn tiếp tục trả 1 tỷ USD (hơn 900 triệu euro) mỗi năm để mua nhiên liệu từ Rosatom.
Dữ liệu của Cơ quan Cung cấp Euratom cho thấy gần 20% lượng uranium thô mà EU nhập khẩu đến từ Nga, với 23% khác đến từ Kazakhstan, nơi Rosatom cũng có ảnh hưởng lớn. Nga cũng cung cấp một tỷ lệ lớn thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu.
Sonja Schmid, Giáo sư nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Đại học Công nghệ Virginia cho biết: "Rosatom là một trong số ít công ty trên thế giới đã làm chủ được toàn bộ chu trình nhiên liệu hạt nhân, tức là làm giàu, sản xuất nhiên liệu và cả tái xử lý".
Các nước Trung và Đông Âu đặc biệt phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Có tổng cộng 18 lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế - ở Slovakia, Bulgaria, Hungary, CH Séc và Phần Lan - hiện đang hoạt động bằng nhiên liệu của Nga và dựa vào công nghệ của Nga.
Ngoài ra, Rosatom đã có mối quan hệ lâu dài với công ty điện lực EDF của Pháp với việc hai bên đã ký "thỏa thuận hợp tác dài hạn" vào năm 2021 để tăng cường hơn nữa mối quan hệ.
Công ty Nga trên hiện đang là tâm điểm của các cuộc biểu tình ở thị trấn Lingen của Đức, nơi họ đang lên kế hoạch sản xuất các thanh nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng hạt nhân ở Đông Âu với sự hợp tác của Framatome, một đơn vị của EDF.
Nga đã xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân trị giá hơn 1 tỷ USD trên toàn cầu từ tháng 3 đến tháng 12 năm ngoái, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng (RUSI) có trụ sở ở Anh cho thấy.
“Trên thực tế, giá trị xuất khẩu liên quan đến hạt nhân của Nga không chỉ không bị suy giảm kể từ tháng 2/2022, mà dữ liệu mới cho thấy rằng có sự gia tăng, với một số khách hàng trung thành vẫn mong muốn hợp tác kinh doanh với lĩnh vực hạt nhân của Nga”, RUSI cho biết.
Trong số những “khách hàng thân thiết” đó có Hungary. Báo cáo cho thấy giá trị xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga sang Hungary trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/2022 "vượt xa" so với bất kỳ giá trị nào trong ba năm trước đó. Vào tháng 8/2022, Budapest đã gây tranh cãi khi quyết định xúc tiến việc xây dựng thêm hai lò phản ứng hạt nhân của Nga.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Hungary một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ năng lượng hạt nhân khỏi gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga được thông qua vào tháng 6 năm nay.
Chuyên gia Poitiers cho rằng trong khi lập trường của Hungary khiến nhiều nhà ngoại giao EUkhó chịu, thì cũng có cảm giác rằng tổn thất trừng phạt ngành hạt nhân Nga vượt xa lợi ích từ lệnh cấm do EU quá phụ thuộc vào Rosatom.
Ông Poitiers nói: “Bản thân bất kỳ lệnh trừng phạt nào cũng không tạo ra sự khác biệt đáng kể trên chiến trường và khả năng tiến hành cuộc xung đột này của Nga”, đồng thời lưu ý rằng doanh thu từ xuất khẩu hạt nhân sang EU chỉ là một phần nhỏ trong số hàng chục tỷ USD mà Moskva thu được bằng cách bán dầu và khí đốt cho khối này.
Tuy nhiên, các nước EU, bao gồm CH Séc, Bulgaria và Slovakia, đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn nhiên liệu hạt nhân của Nga. Đối thủ từ Mỹ của Rosatom là Westinghouse, vốn đã cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng do Nga thiết kế ở Ukraine, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc cung cấp nhiên liệu thay thế.
Vào tháng 5 vừa qua, Fennovoima của Phần Lan đã đơn phương chấm dứt hợp đồng để Rosatom xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Các chuyên gia cho biết mặc dù uranium từ Nga có thể được thay thế tương đối dễ dàng bằng nguồn cung cấp từ nơi khác, nhưng việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khả năng làm giàu nhiên liệu của Nga có thể mất nhiều năm.
Giáo sư Schmid kết luận: “Đơn giản là không có đủ năng lực ở những nơi khác trên thế giới để cắt đứt và chấm dứt các mối quan hệ đó một cách nhanh chóng. Đây không phải là một công nghệ bí mật, nhưng nó là một công nghệ đòi hỏi nhiều vốn đầu tư. Dù có những bất ổn xung quanh tương lai của ngành công nghiệp hạt nhân, nhưng đó là một lĩnh vực khó tiếp cận đối với ngành công nghiệp tư nhân".