Một số lượng triệu phú kỷ lục có thể rời Vương quốc Anh trong năm nay do bất ổn chính trị và khả năng tăng thuế dưới thời chính phủ Công đảng tương lai đang làm giảm sức hấp dẫn của nơi từng là một trong những điểm đến hàng đầu của giới nhà giàu.
Theo ước tính tạm thời trong báo cáo công bố ngày 18/6 của tổ chức tư vấn di cư Henley & Partners (có trụ sở tại London), có tới 9.500 người với tài sản ròng có thể đầu tư ít nhất 1 triệu USD, sẽ rời khỏi Anh, nhiều hơn gấp đôi số người rời đi trong năm 2023.
Hannah White, Giám đốc điều hành của Viện Chính phủ (Institute for Government - Anh), viết trong báo cáo: “Những con số này phản ánh sự gia tăng các yếu tố làm giảm sức hấp dẫn của Vương quốc Anh đối với các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao. Những dư âm từ Brexit tiếp tục được cảm nhận, với việc thành phố London không còn được coi là trung tâm tài chính của thế giới nữa.”
Báo cáo này dựa trên dữ liệu về 150.000 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) được theo dõi bởi công ty đầu tư New World Wealth. Công ty chỉ tính những người ở Anh trong hơn nửa năm và tập trung chủ yếu vào những nhà sáng lập công ty, chủ tịch, CEO, các giám đốc khác và đối tác quản lý.
Cuộc di cư liên tục khỏi Vương quốc Anh – với 16.500 triệu phú rời đi từ năm 2017 đến năm 2023 – là một phần trong cuộc di cư ồ ạt toàn cầu của người giàu, dường như đang tăng tốc. Báo cáo của Henley Private Wealth Migration cho thấy 128.000 triệu phú sẽ chuyển nơi ở trong năm nay, vượt qua kỷ lục 8.000 của năm ngoái.
Dominic Volek, người đứng đầu bộ phận khách hàng tư nhân tại Henley & Partners, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Khi thế giới vật lộn với cơn bão căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế và biến động xã hội, các triệu phú đang rời đi với số lượng kỷ lục”.
Trong số 15 quốc gia có nhiều triệu phú cư trú nhất, Vương quốc Anh đang phải chịu tổn thất nặng hơn hầu hết các nước khác. Chỉ có Trung Quốc "mất" nhiều người giàu hơn (với 15.200 người) vào năm 2024 - và đây là một trong ba nơi, cùng với Nhật Bản và Hong Kong, chứng kiến xu hướng giảm lớn nhất kể từ năm 2013.
Tác động của Brexit - với việc chấm dứt di chuyển tự do của người dân giữa Anh và Liên minh châu Âu cũng như gia tăng các rào cản mới đối với thương mại và đầu tư, và các cú sốc kinh tế khác như chiến tranh ở Ukraine và giá năng lượng tăng vọt sau đó - đã trở nên phức tạp hơn giữa một thời kỳ bất ổn chính trị chưa từng có.
Vương quốc Anh đã trải qua 5 thủ tướng kể từ năm 2010, bao gồm cả nhiệm kỳ chỉ 45 ngày của Liz Truss vào năm 2022, khi kế hoạch của bà tăng cường vay nợ chính phủ để cắt giảm thuế đã khiến đồng bảng Anh lao dốc xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ và buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi can thiệp nhằm ngăn chặn khủng hoảng tài chính.
Sự bất ổn như vậy đã khiến các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn hơn nhiều trong việc giải quyết tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu kém của đất nước và thúc đẩy môi trường đầu tư tốt hơn.
Lúc này, còn có một rủi ro mới sắp xảy ra. Công đảng của ông Keir Starmer, đang dẫn trước Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak với tỷ lệ chênh lệch khoảng 20% trong các cuộc thăm dò dư luận, đang nỗ lực hết sức để thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời hứa hẹn sự ổn định kinh tế và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nếu họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 4/7 sắp tới.
Starmer và người phát ngôn tài chính của ông, Rachel Reeves, người trước đây làm việc tại Ngân hàng Anh, đã cam kết sẽ không tăng thuế thu nhập hoặc thuế bán hàng – và tuân thủ các quy định tài chính do chính phủ của Thủ tướng Sunak thông qua.
Nhưng việc Công đảng đối lập cam kết tăng thuế có mục tiêu có thể ảnh hưởng đến người giàu. Họ muốn loại bỏ mức giảm thuế 20% đối với các trường tư để tài trợ cho các giáo viên mới trong khu vực nhà nước, đóng những lỗ hổng còn lại vốn cho phép những cư dân không thường trú tại Anh bảo vệ một số nguồn thu nhập nước ngoài của họ khỏi thuế và huy động thêm tiền từ các công ty cổ phần tư nhân.
Dòng người sở hữu giá trị vốn ròng cao chạy khỏi Anh, do bối cảnh kinh tế và chính trị, hiện đang được thúc đẩy bởi các quyết định chính sách trước cuộc bầu cử. Tuy nhiên, có một cặp vợ chồng rất giàu dường như sẽ ở lại, bất kể kết quả thế nào vào ngày 4/7. Đó là Sunak, một triệu phú – cựu giám đốc quỹ tài chính, và vợ của ông Akshata Murtyn – con gái của một tỷ phú công nghệ Ấn Độ - sở hữu khối tài sản trị giá 651 triệu bảng Anh (826 triệu USD). Theo bảng xếp hạng Rich List của tờ Sunday Times, họ giàu hơn cả Vua Charles.
Thủ tướng Sunak cho biết trong tuần trước rằng ông sẽ phục vụ hết nhiệm kỳ nếu được bầu lại làm thành viên quốc hội đại diện khu vực bầu cử phía bắc nước Anh, ngay cả khi đảng Bảo thủ của ông mất hết ghế trong chính phủ.