Trở về từ chuyến công du Pháp, ông chủ Nhà Trắng đã đánh dấu mốc ba năm vụ tấn công khủng bố khiến 130 người thiệt mạng tại Paris (ngày 13/11/2015) bằng cách tung ra một loạt tweet công kích người đồng cấp Macron từ lời kêu gọi “xây dựng một đội quân châu Âu”, đánh thuế rượu Mỹ đến việc mức tín nhiệm của ông này ở mức thấp, và cuối cùng là lời kêu gọi “Đưa nước Pháp vĩ đại trở lại”.
Lý do hợp lý nhất giải thích cho sự tức giận của ông Trump chính là tuyên bố của ông Macron tuần trước trong cuộc phỏng vấn với đài Europe 1. Ông Macron cho rằng châu Âu nên xây dựng một quân đội riêng để bảo vệ chính mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí cả nước Mỹ”. Nhà lãnh đạo Pháp nhận ra mình đã lỡ lời nên nhanh chóng nói rõ lại rằng châu Âu sẽ tự bảo vệ tốt hơn “mà không phụ thuộc vào Mỹ”.
Tuy nhiên, ông Trump – người sau đó lên đường đến Paris dự lễ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất - đã nổi giận. Hai nhà lãnh đạo đều kiềm chế bản thân sau khi chuyên cơ Không lực Một hạ cánh xuống sân bay Orly ở Paris, thế nhưng một ngày sau đó, ông Macron đã sử dụng bài phát biểu mình để “động chạm” đến nhà lãnh đạo Mỹ. “Lòng yêu nước đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa dân tộc,” ông nói, "Chủ nghĩa dân tộc là một sự phản bội của lòng yêu nước”.
Ông chủ Nhà Trắng có vẻ mặt ủ rũ suốt sự kiện này. Khi ông trở về Washington, những dòng tweet đầy phiền muộn bắt đầu xuất hiện hàng loạt. “Chưa bao giờ dễ dàng khi đưa ra sự thật rằng Mỹ nên được đối xử công bằng, điều mà Mỹ chưa được, cả về quân sự lẫn thương mại”, ông viết trên mạng xã hội Twitter, “Đã đến lúc những quốc gia rất giàu có phải trả tiền Mỹ cho sự bảo vệ quân sự tuyệt vời cũng như phải tự bảo vệ chính mình”. Phát biểu này của ông khả năng xuất phát từ ý tưởng “một quân đội châu Âu”. Tổng thống Macron, sau tất cả, chính là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đề xuất một kế hoạch như thế.
Hôm 13/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tán thành với Tổng thống Pháp trong việc kêu gọi thành lập một “quân đội chung châu Âu” để hỗ trợ tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “Thời chúng ta có thể dựa vào người khác đã qua”, bà Merkel phát biểu trước Nghị viện châu Âu. Như bà lưu ý, các quốc gia châu Âu hiện sử dụng một mạng lưới các hệ thống vũ khí rộng lớn, không được liên kết và không thể tích hợp dễ dàng. Một quân đội tập trung sẽ là một quân đội hiệu quả hơn.
Có lẽ đây chính là điều khiến Tổng thống Trump bất bình. Trong khi ông không ngừng nhắc đến chi phí liên quan đến việc bảo vệ Pháp và Đức. Mỹ hiện có khoảng 60.000 binh sĩ đồn trú tại châu Âu – thì Mỹ cũng được lợi hàng tỷ USD bán vũ khí cho châu Âu.
Chỉ trong tài khóa 2018, các quốc gia châu Âu đã chiếm 37,4 tỷ USD trong doanh số của các công ty quốc phòng Mỹ - nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới, vượt cả Trung Đông (22,1 tỷ USD), vùng trước đó là khách hàng chi lớn nhất năm tài khóa 2016 và 2017.
Tạp chí Vanity Fair nhận định, “xoay trục xa Mỹ” của hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức có thể gây nguy hiểm cho tất cả những điều trên. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/11, trước khi diễn ra sự kiện tại Khải Hoàn Môn, ông Macron đã chia sẻ với phóng viên CNN rằng ông muốn chi tiêu quân sự gia tăng của châu Âu được đổ vào túi các công ty châu Âu, chứ không phải của Mỹ.
“Điều tôi không muốn thấy là việc các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng để mua vũ khí hay vật liệu của người Mỹ. Tôi nghĩ nếu chúng ta tăng ngân sách của mình, thì đó là để xây dựng quyền tự trị của chúng ta và trở thành sức mạnh chủ quyền thực sự”. Như Politico đề cập, Pháp sở hữu một trong những nền công nghiệp sản xuất quốc phòng lớn nhất châu Âu hiện nay.