Cuộc gặp trực tiếp gần đây giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ (NSA) Ajit Kumar Doval và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moskva đã nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của nhân vật cấp cao thuộc nội các của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi này trong việc giải quyết các vấn đề trong và ngoài nước.
Theo kênh truyền hình RT, Tổng thống Putin đã khiến một số chuyên gia chính sách đối ngoại ngạc nhiên khi dành thời gian gặp mặt Cố vấn Doval.
Cuộc gặp kéo dài một giờ diễn ra bên lề một hội nghị về Afghanistan, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ông Doval là cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ thứ hai có cuộc gặp riêng với Tổng thống Nga. Cuộc gặp đầu tiên giữa một cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ và tổng thống Nga diễn ra vào năm 2001. Trong số tất cả các quan chức cấp cao của Ấn Độ, chỉ có các đời thủ tướng từng có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin. Ngay cả các Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng chưa có cơ hội này.
Ajit Kumar Doval là ai?
Ông Doval từng đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Cục Tình báo Ấn Độ (IB) trong 18 tháng và nghỉ hưu vào năm 2005. Sau đó, ông thành lập một viện nghiên cứu có tên gọi Quỹ Quốc tế Vivekananda (VIF). Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia sau khi Thủ tướng Narendra Modi đắc cử.
Ngay sau đó, ông trở thành tâm điểm chú ý. Tháng 6 năm đó, ông tham gia đàm phán trả tự do cho 46 y tá Ấn Độ bị khủng bố IS giam giữ trong một bệnh viện ở Tikrit (Iraq). Các y tá đã được đưa về nước vào một tháng sau đó. Vụ giải cứu đã trở thành thành tựu đầu tiên của ông dưới cương vị là một cố vấn an ninh quốc gia và mở rộng tầm ảnh hưởng của ông.
Sinh ra ở bang Uttarakh, ông Doval gia nhập Sở cảnh sát Ấn Độ vào năm 19. Ông đóng một vai trò nổi bật trong các hoạt động chống nổi dậy ở Mizoram và Punjab trong suốt cuối những năm 1970 và 1980.
Ông Doval là một trong những nhân vật chủ chốt trong việc thu thập thông tin tình báo cho “Chiến dịch Ngôi sao xanh” nhằm loại bỏ lực lượng dân quân Khalistani vào năm 1984.
Đến cuối năm 1999, ông Doval với tư cách là Giám đốc dự bị của cục tình báo, là một trong ba nhà đàm phán để trả tự do cho 155 hành khách trên chuyến bay 814 của Hãng hàng không Ấn Độ bị các tay súng Taliban kiểm soát. Ngoài vụ việc này, ông còn đóng góp thành công cho việc xử lý 14 vụ cướp máy bay Ấn Độ khác kể từ năm 1971.
Ông Doval là một người có phong cách làm việc mềm mỏng và cách tiếp cận không nóng vội đối với những gì Ấn Độ coi là mối đe dọa an ninh. Quan điểm về mối đe dọa của ông Doval hoàn toàn phù hợp với chính phủ của Thủ tướng Modi.
Tháng 10/2018, chính quyền Thủ tướng Modi đã quyết định khôi phục Nhóm Chính sách Chiến lược - một cơ quan được giao nhiệm vụ cố vấn cho thủ tướng về các vấn đề an ninh quốc gia và lợi ích chiến lược. Ông Doval được giao chức chủ tịch. Nhóm có nhiệm vụ hỗ trợ Hội đồng An ninh Quốc gia và giúp đánh giá quốc phòng chiến lược dài hạn. Động thái này đã khiến ông Doval trở thành quan chức quyền lực nhất ở Ấn Độ từ năm 1998. Năm 2019, ông Doval được tái bổ nhiệm làm NSA trong một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.
Vai trò nổi bật của ông Doval trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã được cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh trong cuốn tự truyện của mình. Cựu quan chức Mỹ cho rằng vai trò của ông Doval đều được các nước như Mỹ và Nga công nhận. Ông là cố vấn thân cận và trung thành với Thủ tướng Modi.
Thấy gì từ cuộc gặp Putin – Doval?
Theo thông tin chính thức về nội dung cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Putin và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Doval, hai người đã có các cuộc thảo luận rộng rãi về các vấn đề song phương và khu vực, cũng như nhất trí tiếp tục phối hợp hướng tới triển khai quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền Ấn Độ - Nga.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cuộc họp diễn ra ngay sau chuyến thăm của ông Doval tới Mỹ và Anh - hai quốc gia đang dẫn đầu liên minh phương Tây hỗ trợ Ukraine chống lại hoạt động quân sự của Nga. Giới quan sát tin rằng cuộc đàm phán giữa ông Doval và Tổng thống Putin đã vượt ra ngoài mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Ấn Độ, với việc NSA muốn thông báo cho nhà lãnh đạo Nga về tình hình ở Washington và London.
Dù không có lợi ích trực trong xung đột Nga - Ukraine, Ấn Độ phải đứng giữa mối quan hệ đối tác với Nga và Mỹ, đồng thời thúc đẩy một vai trò toàn cầu nổi bật hơn cho mình với tư cách là tiếng nói đại diện từ Nam bán cầu.
Cuộc gặp mặt trực tiếp hiếm hoi giữa Tổng thống Nga và một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở New Delhi, cùng với chuyến công du trước đó của ông này đến Washington, có thể là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang nỗ lực tạo ra sự công nhận và ảnh hưởng, muốn tìm kiếm một vai trò trong việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài một năm làm rung chuyển chính trị toàn cầu.
Về phần mình, Nga muốn duy trì và phát triển hơn nữa quan hệ đối tác khác sau khi các biện pháp trừng phạt đã cắt đứt nước này khỏi hầu hết các thị trường phương Tây. Cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và ông Doval có thể được coi là một dấu hiệu của sự tin tưởng đặc biệt.
Là một cựu sĩ quan tình báo KGB, Tổng thống Putin có thể cảm thấy có điểm chung với ông Doval. Cuộc gặp bất ngờ của họ cho thấy cả hai đều hiểu tầm quan trọng của chính sách ngoại giao không theo khuôn mẫu trong bối cảnh Mỹ tìm cách củng cố cấu trúc thế giới đơn cực đang bị Moskva, Bắc Kinh và khu vực Nam bán cầu phản đối.