Lý giải sự "nặng lòng' của Indonesia với máy bay chiến đấu hạng nặng

Vật lộn với những trở ngại về tài chính và chính trị, Indonesia đã từ chối mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.

Chú thích ảnh
Một chiếc Su-35S của Không quân Nga tại MAKS Airshow 2015. Ảnh: Wikipedia

Các nhà quan sát trên toàn thế giới đã và đang phân tích động cơ đằng sau quyết định của Jakarta về chuyển kế hoạch mua máy bay chiến đấu thế hệ 4 ++ để ủng hộ F-15EX của Boeing hoặc Rafale của Dassault thay vì Su-35 của Sukhoi/Nga. Những khó khăn tài chính dường như không phải là lý do duy nhất cho một quyết định như vậy.

Hôm 22/12 vừa qua, Tư lệnh Không quân Indonesia, Fadjar Prasetyo đã thú nhận với giới truyền thông về “trái tim trĩu nặng” trước việc từ bỏ thỏa thuận sơ bộ ký với Nga vào năm 2018 nhằm mua 11 chiếc Su-35.

Gian nan hợp đồng Su-35

Quân đội Indonesia đã chọn Su-35 (Flanker-E) làm máy bay chiến đấu hạng nặng đa năng tại triển lãm Dubai Airshow vào năm 2015, nhưng hợp đồng cuối cùng chưa bao giờ được ký kết, vì vậy lô máy bay này vẫn chưa được sản xuất, một may mắn cho phía Nga.

Jakarta dự kiến sẽ trả 1,14 tỷ USD Mỹ cho hợp đồng trên. Mặc dù Đại sứ Nga tại Indonesia Lyudmila Vorobyova cho biết Moskva chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc hủy bỏ thông qua các kênh ngoại giao, nhưng bà thừa nhận thỏa thuận khó có thể được xúc tiến.

Vào tháng 7, tại triển lãm hàng không MAKS 2021 ở Moskva, một phát ngôn viên của Cục Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga cảnh báo rằng hợp đồng với Indonesia đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ các đối thủ cạnh tranh. Nữ phát ngôn viên này đổ lỗi "các đặc vụ của nước thứ ba" đã thúc ép Jakarta rút khỏi dự án Sukhoi.

Xem video cận cảnh các pha hành động của máy bay Su-35 Nga (Nguồn: Sukhoi)

Cảnh báo này gây bất ngờ bởi trước đó, vào tháng 3/2019 tại triển lãm quốc phòng Hàng hải và Vũ trụ Quốc tế Langkawi (LIMA) ở Malaysia, người đứng đầu cơ quan hợp tác quân sự của Nga, Mikhail Petukhov, đã thông báo việc tiếp tục đối thoại về hợp đồng máy bay chiến đấu với Indonesia bất chấp “môi trường chính trị và các lệnh trừng phạt kiểu tống tiền".

Ban đầu, lô máy bay Su-35 dự kiến được chuyển giao cho Không quân Indonesia (IAF) vào cuối năm 2020 trên cơ sở thanh toán bù trừ (bao gồm một phần là trao đổi các mặt hàng như cà phê, dầu cọ). Chiếc Su-35 đầu tiên dự kiến được chuyển giao sớm nhất là vào năm 2019.

Đến tháng 7/2019, Đại sứ Indonesia tại Nga vào thời điểm đó, Mohamad Wahid Supriyadi, nhận xét rằng sự phức tạp của kế hoạch thương mại mà cả chính phủ và các tổ chức tư nhân liên quan có thể làm trì hoãn hợp đồng. Rồi năm 2020, ông Supriyadi lại khẳng định rằng Nga sẽ không từ bỏ thỏa thuận này, vì Indonesia có quyền mua thiết bị quốc phòng từ bất kỳ ai mà họ chọn.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2020, hãng tin Bloomberg, dẫn một nguồn tin trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, báo cáo rằng Washington đã gây sức ép buộc Jakarta từ chối mua Su-35 vì làm như vậy sẽ đi ngược lại Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CAATSA).

Đạo luật trên được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017 với mục đích buộc các chính phủ kiềm chế hợp tác quân sự với Iran, Triều Tiên và Nga, và sau đó là Trung Quốc. 

Chú thích ảnh
Tiêm kích thế hệ thứ 4 F-15EX của Mỹ, thay thế phi đội F-15 phiên bản C và D đã lỗi thời. Ảnh: Defensenews

Hạn chế tài chính

Trong 2 năm qua trong đại dịch COVID-19, Indonesia đã phải đối mặt với thâm hụt ngân sách khoảng 6% GDP và đang trông đợi vào sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế quốc gia trong năm 2022. Vào tháng 8/2021, Jakarta công bố dự thảo ngân sách 2022 cho chi tiêu quân sự, có tính đến các hạn chế kinh tế. Ngân sách mới đưa ra mức giảm 2% so với năm 2021 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với khuyến nghị của Bộ Tài chính.

Việc cấp ngân sách để tăng tốc mua sắm thiết bị quốc phòng và cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự để hoàn thành chiến lược Lực lượng Thiết yếu Tối thiểu của Indonesia vẫn mạnh mẽ. Nếu xét đến điều này, thì những trở ngại về tiền có vẻ không đủ quyết định, đặc biệt là trong bối cảnh Boeing đã đề xuất cung cấp chiếc F-15EX đầu tiên cho quân đội Indonesia vào năm 2027.

Chi phí cho 8 chiếc máy bay phản lực của Mỹ được cho là ít nhất 750 triệu USD, so với 1,14 tỷ USD của lô Sukhoi. Ước tính giá thành những chiếc Rafale của Pháp là gần 100 triệu USD/ chiếc, theo chào hàng gần đây dành cho Croatia. Quân đội Indonesia đã tham khảo các điều khoản tài chính linh hoạt hơn với Paris so với các điều khoản với Moskva, có thể là đổi lại nhiều cà phê và dầu cọ hơn.

Hơn nữa, nếu nhắc lại việc Quốc hội Indonesia từ bỏ ý định mua 15 chiếc Eurofighter Typhoon cũ từ Áo, lập luận về một đội bay tiêu chuẩn hóa hơn có vẻ hợp lý. Vào thời điểm đó, một thành viên Ủy ban Hạ viện đã chỉ trích việc mua máy bay chiến đấu cùng cấp từ các nhà sản xuất khác nhau là không hiệu quả vì chi phí sửa chữa, phụ tùng và huấn luyện cao hơn.

Không quân Indonesia đã có 16 máy bay phản lực Su-27 và Su-30, tích lũy được nhiều kinh nghiệm vận hành và bảo dưỡng kể từ năm 2003. Ngoài ra, họ còn có 33 chiếc F-16 của Mỹ, 23 chiếc Hawk-200 của Anh và 14 chiếc T-50 của Hàn Quốc trong số các chiến đấu cơ đang hoạt động, vì vậy việc bổ sung thêm một loại nữa là rất nhiều cho một lực lượng không quân khá nhỏ.

Sự can thiệp của Mỹ

Đáng chú ý, Mỹ đã can thiệp vào quan hệ đối tác quốc phòng của Indonesia với các nước khác. Vào năm 2018, có thông tin cho rằng chương trình máy bay chiến đấu KF-X giữa Hàn Quốc và Indonesia rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Jakarta ám chỉ rằng Mỹ đã đưa ra các hạn chế quan trọng, khiến dự án này bị chấm dứt.

Chú thích ảnh
 Minh hoạ máy bay chiến đấu KF-X của Hàn Quốc đang không chiến. Ảnh: Defensenews

Thông số kỹ thuật và hiệu suất của các chiến đấu cơ hạng nặng luôn đáng được quan tâm kỹ lưỡng. F-15EX Advanced Eagle của Mỹ bị chỉ trích vì không có công nghệ tàng hình, khiến nó dễ bị phát hiện và rất dễ bị tấn công. Khả năng tải trọng đa dạng ấn tượng của nó sẽ trở nên vô dụng khi hoạt động chống lại những đối thủ tiềm tàng mạnh như máy bay chiến đấu do Nga hoặc Trung Quốc thiết kế và các khẩu đội phòng không.

Các thông số về hiệu quả chi phí cũng chưa rõ ràng. Mặc dù F-15 cơ bản đã đi trên con đường vinh quang từ những năm 1970, nhưng người kế nhiệm tiên tiến của nó thì vẫn chưa toả sáng. Rafale của Pháp có thể mạnh hơn như một bệ phóng trên không đa nhiệm cho nhiều loại vũ khí. Nó giàu trải nghiệm chiến đấu và dịch vụ, vì vậy tất cả các sai sót đều được nắm rõ.

Trong khi đó, Su-35 của Nga cực kỳ hiệu quả trong việc chống lại các mục tiêu trên không, có thể bắn hạ bất kỳ máy bay phản lực nào hiện có kể cả máy bay thế hệ thứ năm. F-15EX có thể hiệu quả với các mục tiêu bề mặt được bảo vệ yếu, nếu đang nắm ưu thế trên không toàn diện. Rafale thì khiêm tốn trong tất cả các vai trò này khi so sánh cùng tầm giá.

Phương án thỏa hiệp là mua cả Rafale và Su-35 để bổ sung cho nhau, loại bỏ tất cả các máy bay F-16 đã qua sử dụng, như Ai Cập đã làm. Nhưng làm thế nào để giảm thiểu cơn thịnh nộ của người Mỹ trong trường hợp này. Đó là những tính toán mà Indonesia phải thận trọng đặt lên bàn cân.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)
 Máy bay chiến đấu Su-35S của Nga lao xuống biển sau khi gặp trục trặc động cơ
Máy bay chiến đấu Su-35S của Nga lao xuống biển sau khi gặp trục trặc động cơ

Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/7 xác nhận một máy bay chiến đấu Su-35S đã gặp sự cố về động cơ ở khu vực Khabarovsk thuộc vùng Viễn Đông. Tuy nhiên, phi công đã kịp thoát khỏi máy bay một cách an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN