Một số điều chưa biết về tân Giáo hoàng

Hồng y giáo chủ Jorge Mario Bergoglio, người Argentina, hôm 14-3 trở thành giáo hoàng “ba đầu tiên”: không phải người châu Âu, đến từ nước đang phát triển, chỉ có một lá phổi.


Tân Giáo hoàng Francis từng nói: “Trên phố còn đó những người đói nghèo, và người giàu tiệc tùng phung phí”, khi chứng kiến người dân Argentina xuống đường phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ.


Tân Giáo hoàng 76 tuổi có tông hiệu là Francis, lấy theo tên Thánh Francis của Assisi hồi thế kỷ 13 - người kêu gọi khôi phục tinh thần giản dị của nhà thờ và cống hiến cả cuộc đời cho các chuyến đi truyền đạo.


Người dẫn dắt khoảng 1,2 tỷ con chiên được cho là mang tư tưởng thần học chính thống và bảo thủ, giống như Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị tháng trước. Ông Bergoglio phản đối luật hôn nhân đồng tính ở Argentina, ủng hộ giữ gìn các giá trị gia đình.


Trong Giáo hội, ông được coi là người có vai trò hoà giải khéo léo để giải quyết nhiều mối bất hoà và bê bối xung quanh vấn đề tài chính và lạm dụng tình dục trẻ em mà Vatican phải đối mặt gần đây.


Giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latin được khen ngợi là người truyền thống, gần gũi, đồng cảm với dân nghèo và có lối sống giản dị. Ông từng từ chối sống trong khu biệt thự xa xỉ dành cho tổng giám mục để ở trong ngôi nhà bình thường và đi lại bằng xe buýt. Khi đến Vatican để tham dự mật nghị bầu tân giáo hoàng, ông chỉ dùng vé máy bay hạng phổ thông.


Ông Bergoglio sinh ngày 17-12-1936 trong một gia đình trung lưu gồm 7 người. Cha ông là công nhân ngành đường sắt di cư từ Ý, còn mẹ ông ở nhà nội trợ.


Ông Bergoglio mắc bệnh phổi hồi trẻ mà thời đấy ít kháng sinh đặc hiệu nên các bác sĩ phải cắt đi một lá phổi của ông. Ông phải bỏ học ngành Hóa giữa chừng.


Ông trở thành linh mục lúc 32 tuổi. Dù bắt đầu muộn, ông dẫn dắt con chiên địa phương trong vòng bốn năm, sau đó đảm nhận vị trí lãnh đạo giáo phận giai đoạn 1973 - 1979.


Sau thời gian này, ông sang Đức học tập, rồi được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá ở thủ đô Buenos Aires của Argentina năm 1992 và trở thành tổng giám mục năm 1998.


Tuy nhiên, thời gian làm giám mục của ông Bergoglio cũng gắn với giai đoạn 1976 - 1983, khi 30.000 nhà hoạt động theo đường lối cánh tả bị chính quyền độc tài ở Argentina bắt và giết hại. Vì thế, không ít người cho rằng, ông Bergoglio đóng vai trò mở đường cho các vụ bắt bớ. Điển hình nhất là vụ hai linh mục bị quân đội bí mật bắt giam vì hoạt động trong những khu dân cư nghèo.


Trong cuốn sách The Silence (Sự im lặng), tác giả là nhà báo Horacio Verbitsky ghi lại lời kể của một trong hai linh mục bị bắt hồi đó, tên Orlando Yorio. Từ đó, mối quan hệ giữa ông Bergoglia và cộng đồng linh mục nhiều nơi trở nên căng thẳng.


Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Bergoglio nói rằng, không có bằng chứng nào cho thấy cáo buộc trên là đúng, mà ngược lại, ông Bergoglio còn giúp nhiều nhà hoạt động bất mãn với chính phủ trốn thoát sự truy lùng của chính quyền quân sự.


Ứng viên “nhẹ ký”


Có nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những lý do mà Hồng y người Argentina được lựa chọn là vì tình trạng suy giảm số lượng giáo dân ở khu vực Mỹ Latin.


Theo Trung tâm Nghiên cứu xã hội học El Colegio de México, trong giai đoạn 2000-2010, mỗi ngày có khoảng 1.000 tín đồ Công giáo bỏ đạo, khiến cộng đồng này đến nay mất đi bốn triệu giáo dân.


Năm 1970, khoảng 90% dân Mỹ Latin là tín đồ Công giáo, nhưng ngày nay chỉ còn khoảng 70%. Nguyên nhân chính là do người Công giáo chuyển sang lối sống thế tục. Vì thế, một số chuyên gia cho rằng, một Hồng y nói tiếng Tây Ban Nha có thể sẽ chiếm được tình cảm lớn hơn của người Mỹ Latin, từ đó giữ chân họ lại.


Ông Bergoglio được lựa chọn sau đợt bỏ phiếu khá nhanh, chỉ kéo dài hai ngày, vượt qua 114 Hồng y, trong đó có một số ứng viên sáng giá như Hồng y Timothy Dolan đến từ New York (Mỹ) và Hồng y Sean O’Malley từ Boston (Mỹ), Hồng y người Ý được nhiều người yêu mến Angelo Scola.


Mật nghị hồng y lần này không giống như những lần trước, do những gương mặt nổi bật nhất đều không được lựa chọn. Tân Giáo hoàng 76 tuổi không phải là ứng viên được nhiều chuyên gia dự đoán. Vị Hồng y 76 tuổi được coi là chưa đến độ tuổi lý tưởng để trở thành Giáo hoàng, nên trước đó không lọt vào danh sách papabili (Giáo hoàng tiềm năng).



Theo tienphong.vn


Ngắm xe của giáo hoàng các thời kỳ
Ngắm xe của giáo hoàng các thời kỳ

Khác với Giáo hoàng Francis – người vốn chuộng xe buýt, các giáo hoàng khác đã đi ô tô từ năm 1930. Hãy cùng ngắm phương tiện đi lại của các giáo hoàng (Popemobile) qua nhiều thời kỳ, từ xe tải cho đến limousine sang trọng.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN