Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Chỉ mới cách đây khoảng 3 năm, không ai có thể mường tượng ra cảnh ông chủ Nhà Trắng Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michael Obama, hai con gái và các quan chức cấp cao, doanh nhân Mỹ cùng nhau dạo bước trên con phố cổ ở thủ đô La Habana, thân mật giao lưu, chụp ảnh lưu niệm với người dân địa phương.
Điều đó cho thấy chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama đã mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước, cùng tồn tại hòa bình, hợp tác và phát triển. Tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Cuba Raul Castro sau hội đàm, Tổng thống Obama thừa nhận cuộc bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính mà Mỹ áp đặt với Cuba trong hơn 50 năm qua không mang lại lợi ích cho hai nước, đồng thời cam kết “con đường tiến tới chấm dứt cấm vận sẽ vẫn tiếp tục” ngay cả khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào cuối năm nay.
Trong phái đoàn tháp tùng Tổng thống Obama thăm Cuba có gần 40 nghị sĩ Quốc hội, bao gồm cả các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa. Đây là đoàn nghị sĩ lớn nhất từng tháp tùng ông trong các chuyến công du nước ngoài qua hai nhiệm kỳ tổng thống. Điều đó cho thấy ngày càng nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ công nhận việc thiết lập mối quan hệ hoàn toàn mới với Cuba là vì lợi ích của cả hai nước. Quốc hội Mỹ ngày càng nhận thức rõ lợi ích của việc dỡ bỏ cấm vận chống Cuba, song việc này diễn ra sớm hay muộn còn phụ thuộc vào tiến trình giải quyết những bất đồng giữa hai bên.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama diễn ra trong bối cảnh thuận lợi khi ngày càng nhiều người dân Mỹ ủng hộ việc khôi phục quan hệ với Cuba. Kết quả thăm dò do tờ "New York Times" và hãng CBS News công bố ngày 21/3 cho thấy có 6/10 người Mỹ được hỏi tin rằng khôi phục quan hệ với ngoại giao với Cuba chủ yếu sẽ mang lại những điều tốt cho nước Mỹ và 52% người tham gia ủng hộ cách xử lý của chính quyền Obama trong quan hệ với Cuba.
Trước đó, một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 12/2015 cũng cho thấy 55% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ việc Washington khôi phục quan hệ với La Habana và chỉ có 36% phản đối. Đặc biệt, thế hệ trẻ gốc Cuba rất hoan nghênh một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Cuba.
Chiều 21/3, tại một quán bar bên bãi biển Miami của bang Florida đầy nắng và gió, hàng trăm kiều dân Mỹ gốc Cuba dán mắt lên màn hình tivi hồi hộp theo dõi những hình ảnh buổi họp báo được truyền hình trực tiếp về chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Cuba - chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới hòn đảo Caribe này trong gần 90 năm qua.
Trong số những người tụ tập tại quán bar có không ít người từng rời bỏ Tổ quốc trên những con tàu vượt biển lênh đênh để tìm về "miền đất hứa". Nhiều người trong số họ rất mong muốn được một lần quay trở về thăm mảnh đất quê hương. Giờ đây, giấc mơ của họ sắp trở thành hiện thực khi Chính phủ Mỹ nới lỏng những hạn chế đi lại tới Cuba, hai bên đã khôi phục dịch vụ điện thoại-bưu chính, chuyển tiền, cũng như mở các chuyến bay trực tiếp... Nhờ đó, họ có thể về nước thăm thân, du lịch, đầu tư làm ăn bất cứ khi nào muốn.
Phó Giáo sư Edmund Malesky, chuyên gia về kinh tế chính trị thuộc trường Đại học Duke ở bang Bắc Carolina, nhận định quan hệ Mỹ-Cuba hiện nay rất giống với quan hệ Việt-Mỹ vào thời điểm năm 1995 khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao, nhưng vẫn chưa thực sự tin cậy nhau hoàn toàn do quá khứ chiến tranh và cấm vận kéo dài.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm bình thường hóa, quan hệ Việt-Mỹ hiện đang ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay và ông Malesky hoàn toàn tin tưởng quan hệ Mỹ-Cuba cũng sẽ phát triển theo chiều hướng tương tự. Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhấn mạnh rằng chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chính là rào cản lớn nhất đối với quá trình phát triển kinh tế và gây dựng phúc lợi xã hội của Cuba. Vì thế, để quan hệ Mỹ - Cuba sớm bình thường hóa hoàn toàn, Quốc hội Mỹ cần sớm xóa bỏ chính sách thù địch đã áp đặt hơn nửa thế kỷ qua.
Việc chính quyền của Tổng thống Obama nỗ lực vượt qua những rào cản, nhất là sự phản đối gay gắt của phe Cộng hòa hiện đang kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ để tiến tới bình thường hóa quan hệ với Cuba được coi là một bài học bổ ích về việc "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai". Đây cũng là một dấu ấn cá nhân của ông Obama trong lĩnh vực đối ngoại khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào cuối năm nay.
Cho dù hai bên đều thừa nhận "còn nhiều khác biệt" không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” như vấn đề dỡ bỏ cấm vận, nhân quyền,... nhưng những động thái cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba qua chuyến thăm của Tổng thống Obama được ví như những mạch ngầm êm dịu lan tỏa vào lòng đất, làm bừng lên sức sống mới trên những mảnh đất khô cằn của sự nghi kỵ và thù địch. Nó cũng cho thấy hòa bình và hợp tác là một xu thế không thể đảo ngược của thời đại.